Hơn cả một tình yêu

Truyện ngắn - Ngày đăng : 07:21, 03/09/2017



Kiều Mai thong thả lội qua con suối. Tới phiến đá giữa dòng, chị ngồi xuống, so chân đung đưa. Làn nước trong vắt, mát lạnh mơn man đôi chân trần, thon nhỏ mịn màng, đều đều chà xát trên những viên đá cuội. Gió chiều nhè nhẹ, không gian thấm đẫm hương rừng, xua đi cái mệt mỏi sau nửa ngày chị băng rừng mang đồ tiếp tế cho trạm quân y chiến khu. Nắng cuối chiều vẽ trên mặt nước những ánh bạc lao xao, lấp lánh xô đuổi nhau. Bất giác, chị rùng mình…

*


… Đường Cổ Ngư. Hà Nội.

Chị thổn thức đi như chạy về phía hồ Trúc Bạch suýt va vào người kéo xe. Nhuận kia rồi. Hơn tháng nay, kể từ ngày anh ra tù, chị mới được gặp. Nắm chặt tay anh, chị xúc động:

- Anh đi đâu, sao không cho em biết. Anh có biết em lo lắng cho anh lắm không?

Vẫn cái nhìn trìu mến, độ lượng, anh thong thả:

- Anh đi Nam Định có chút việc. Mình ra kia nói chuyện đi em.

 Vừa nói, anh vừa chỉ tay ra hồ. Anh đỡ chị lên thuyền rồi chèo nhẹ ra giữa lòng hồ. Gió thu lay nhẹ những cành liễu rủ ven hồ. Thấp thoáng những đôi trai gái thong thả dạo trên thảm cỏ. Hồ Trúc Bạch vẫn êm đềm, tĩnh lặng mặc những ồn ào, biến động. Đến giữa hồ, Nhuận buông dầm, ngả mình trên mạn thuyền, giọng mơ màng:

- Em nhìn kìa, đẹp không? Mặt hồ như một tấm thảm lấp lánh trong nắng chiều. Và trên cái tấm thảm lung linh ấy có một đôi trai gái đang tận hưởng sự thanh bình của trời mây, sóng nước.

- Anh làm thơ đấy à!

- Lâu rồi anh không làm thơ nhưng có lẽ chiều nay anh sẽ tặng em một bài thơ trước khi từ biệt.

Chị thảng thốt:

- Anh nói gì? Sao lại từ biệt?

Lặng đi một lát, anh trầm ngâm:

- Em còn giận anh không?

Đôi mắt chị thoáng chốc đã ầng ậc nước, nghẹn ngào:

- Làm sao em có thể giận anh khi biết lý do anh trốn chạy khỏi tình yêu chúng mình là để em không phải vất vả khi anh tham gia hoạt động. Nhưng anh có biết em đã khổ sở thế nào khi anh ra đi mà không một lời giải thích?

- Anh biết và cũng buồn lắm chứ. Những ngày đầu xa em, anh tưởng  như không thể sống nổi. Kỷ niệm những ngày ta bên nhau ở Tiền Hải ngày đêm vò xé, có lúc nguyền rủa anh. Anh chỉ còn biết lao vào công việc. Khi bình tâm trở lại, anh nhận ra rằng, nhân dân mình, đất nước mình cần nhiều sự hy sinh riêng để có hạnh phúc chung. Sự hy sinh của chúng ta cũng nằm trong cái lẽ đó, phải không em?

- Điều đó thì bây giờ em đã hiểu, có điều sao em buồn quá. Xa anh, em biết làm sao đây?

- Em còn chồng con, bè bạn, công việc. Sau này, nếu như có thể, em nên tham gia hoạt động giúp đỡ cách mạng, vừa có ích cho đất nước, vừa quên đi những kỷ niệm buồn.

Gió bỗng đổi chiều, se lạnh. Những đám mây đen dần bao phủ bầu trời, báo hiệu cơn dông bất chợt.

Chị sẽ sàng:

- Mà vừa rồi, sao anh bị bắt?

- Bọn anh bị tụi mật thám Pháp theo dõi và bắt ở hiệu sách chợ Đồng Xuân vì chúng nghi là tụ tập họp cộng sản. May là không có tài liệu và nhờ sự giúp đỡ của quần chúng nên bọn chúng phải thả.

- Em lo quá. Rồi đây anh tính thế nào?

- Đừng lo cho anh, anh sẽ đi dạy học. Mà dạy ở xa lắm, chắc sẽ ít có dịp về thăm em. Hằng năm, vào ngày29 Tết, ngày chúng ta gặp nhau, anh sẽ gửi thư về cho em. Nếu một ngày nào đó em không nhận được thư, hẳn là anh đã gặp chuyện không may, nhưng em đừng vì thế mà đau khổ. Phải dũng cảm lên, em nhé.

Chị bật khóc. Mưa bắt đầu rơi, giăng giăng đan xiên trên mặt hồ. Những cơn sóng dồn dập hơn, xô con thuyền chao nghiêng đẩy chị về phía mạn. Anh vội buông dầm, dang tay ôm chị kéo lại. Chị bàng hoàng, rùng mình trong vòng tay mỗi lúc một xiết chặt hơn của anh. Những xung điện với tần số mỗi lúc một tăng òa vỡ trong chị khi hai gương mặt áp sát vào nhau... Chợt Nhuận khẽ đẩy chị ra. Vừa khẽ gỡ đôi bàn tay chị đang níu chặt vào người, anh vừa nhẹ nhàng an ủi chị trong sự nuối tiếc, ân hận:

- Không được đâu em, hãy tha lỗi cho anh.

Chị nghẹn ngào:

- Em... em không thể yêu anh sao?

Nhuận lấy khăn lau nước mắt cho chị. Anh nâng cằm chị lên và nhìn thẳng vào đôi mắt đen mọng nước của chị:

- Thôi nào em, nếu yêu anh hãy để anh ra đi. Anh muốn góp chút sức mọn của mình cho cách mạng. Chỉ khi nào đất nước mình độc lập thì mới hết những cuộc chia tay.

- Bao giờ anh trở về?

Anh mỉm cười:

- Rồi sẽ có ngày em ạ, ngày mà nhân dân mình không còn khổ nữa.

Giọng anh bỗng xa xăm:

- Thôi, mình về đi, trời mưa rồi. Mà em cũng phải về lo việc nhà nữa chứ.

Nhuận chèo thuyền về phía bờ. Chị như bị mộng du, câm lặng. Dìu chị lên bờ, anh gọi xe. Mưa ào ạt. Anh lưỡng lự:

- Hay em nghỉ một lát đã, đợi mưa ngớt rồi về...

Cắn chặt vành môi, chị leo vội lên xe, quay lại phía anh, gắng gượng:

- Anh vào trong nhà đi kẻo ướt. Em sẽ cố vui, anh đừng lo.

Chiếc xe lao đi trong màn mưa. Đến lối rẽ, chị ngoái lại, sững sờ. Nhuận như hóa đá…

*

… Có tiếng sấm trái mùa. Chị giật mình. Mới đó mà đã mấy năm…

… Nhuận ra đi đã hơn một năm. Hôm 29 Tết, chị không nhận được thư anh. Linh tính như mách bảo chị điều gì không hay. Đêm, chị thường mất ngủ. Bứt rứt, bồn chồn. Chồng chị, một người đàn ông tốt, lặng lẽ chăm sóc chị.

Một buổi sáng, anh bếp rụt rè:

- Cô ạ, sáng nay cháu gặp chú Khanh, em chú Nhuận, chú ấy có hỏi thăm cô.

Chị bừng tỉnh, mừng rỡ:

- Vậy à, anh bảo Khanh đến chơi ngay nhé. Tôi có việc nhờ chú ấy.

Buổi chiều, Khanh đến. Vừa thấy chị, Khanh buồn bã:

- Anh Nhuận mất rồi chị ạ!

- Chú... chú... vừa nói gì?

- Anh Nhuận em đã mất nửa năm nay rồi chị ạ!

Không gian câm lặng. Chị nghe có tiếng gì âm âm, u u từ đâu xa lắm, như thực, như mơ đầy hư ảo… Chẳng biết bao lâu sau, chị mơ màng tỉnh lại trong sực nức dầu gió, lá ngải. Một khuôn mặt quen quen ẩn hiện, chị thều thào:

- Anh Nhuận à...

Có tiếng nghèn nghẹn:

- Em là Khanh!

Rồi chị cũng tỉnh hẳn. Tựa người trên chiếc gối, chị như bơi đi trong câu chuyện của Khanh:

…Trước hôm ra đi, Nhuận hẹn gặp chị. Sau nửa giờ chờ đợi, Nhuận thẫn thờ trở về để rồi sáng mai đi hẳn. Cả nhà, ai cũng tin anh đi dạy học ở Trung Kỳ, chỉ đến khi hay tin anh bị bắt, mọi người mới biết Nhuận tham gia hoạt động cách mạng. Anh bị bắt khi trong người có rất nhiều tài liệu, truyền đơn kêu gọi nhân dân tham gia kháng chiến. Bọn mật thám, cai ngục dùng mọi thủ đoạn, cực hình đe dọa, mua chuộc, tra tấn, thậm chí dùng người nhà anh vận động nhưng anh quyết không khai tổ chức, chỉ nhận trách nhiệm một mình.

Như ý thức được tính chất nghiêm trọng của việc mình làm, Nhuận dần hình thành một quyết định, ấy là tìm đến cái chết để giữ gìn sự an toàn cho tổ chức, cho phẩm chất của người cộng sản. Anh tuyệt thực.

Việc tuyệt thực của Nhuận như một tuyên bố về ý chí không khuất phục của người chiến sĩ cộng sản, nó như một cơn gió lành lan khắp trại giam, củng cố thêm nghị lực đấu tranh cho những người bạn tù nhưng đồng thời cũng là một đòn giáng mạnh vào bọn mật thám, cai ngục. Chúng lồng lộn tìm mọi cách ép buộc, đe dọa anh dừng tuyệt thực. Nhuận nằm dửng dưng, bất động, mắt nhắm nghiền, hai tay đan vào nhau, đặt trên bụng, bất chấp nỗi đau thể xác và cơn đói hành hạ. Anh thường hướng những suy nghĩ của mình về những hình ảnh thân thương, những kỷ niệm êm đềm thời thơ ấu, những ngày tung tăng đi học, những đêm đêm cùng đồng đội hội họp, rải truyền đơn kêu gọi chống Pháp, diệt tề. Rồi những ngày hạnh phúc bên Kiều Mai ở Tiền Hải, buồn vui trong nỗi đau xa cách ở Hà Nội… Những hình ảnh ấy đã cho anh thêm nghị lực trong những ngày tuyệt thực.

Dần dần, tư duy của anh trở nên mờ ảo, hỗn độn, đấy là lúc anh mê man trong suy kiệt. Thấy vậy, bọn mật thám chuyển Nhuận sang nhà thương, bơm thức ăn trực tiếp cho anh nhưng anh vẫn kiên quyết không chấp nhận. Cái mớ tư duy có phần lẫn lộn ấy bỗng một hôm trở nên mạch lạc đến lạ kỳ, ấy là lúc anh nghe tiếng mẹ và em gái đang nức nở bên mình:

- Anh ơi!

Từ từ mở mắt, anh bảo Nga:

- Em xem bọn phu, sen còn đó không... Chúng đều là mật thám đấy em ạ!

Nga ngó quanh rồi bảo:

- Chúng ra ngoài cả rồi anh ạ!

Nhuận nhìn Nga, mỉm cười:

- Em sắp sinh cháu rồi à? Hay vào đây đợi sinh cho vui.

Gạt nước mắt, Nga bảo:

- Giờ này mà anh còn đùa. Anh đừng tuyệt thực nữa, kẻo…

Nhuận khẽ thở dài, đứt đoạn:

- Anh tính cả rồi em ạ! Anh không sống được đâu. Chỉ có cái chết của anh mới bảo toàn được tổ chức, được anh em. Anh không khai thì bọn nó cũng chẳng để anh sống đâu. Muốn sống, anh phải trở thành kẻ phản bội, làm sao mà anh sống được như thế, phải không em? Anh ra đi, đành phận mình, chỉ thương cậu mợ, thương em và Mai.

Môi anh khô nẻ. Nga vội lấy thìa nước nhẹ nhàng thấm vào miệng anh. Lát sau, anh thì thào:

- Mai có biết anh vào đây không nhỉ, mà thôi em ạ, đừng để Mai biết kẻo bọn mật thám sẽ không để Mai yên. Hãy hứa với anh, chỉ khi nào anh chết, em hãy cho chị ấy hay... Và nói với chị rằng anh mãi mãi yêu chị… Anh, anh cầu mong cho Mai hạnh phúc…

Có tiếng cửa mở, anh nhắm mắt, sẽ sàng:

- Bọn chúng vào đấy, em đưa cậu mợ về đi… Vĩnh biệt.

Ôm chặt anh, Nga gào lên:

- Anh ơi… đừng đi…

Mấy bóng áo đen thô bạo lôi Nga và cậu mợ ra ngoài. Anh nằm bất động.

… Nhuận bay lên trong vầng sáng chói lòa. Anh lơ lửng trong không gian tĩnh lặng, không trọng lượng. Trôi đi trong dòng sông trắng, anh thấy loang loáng phía dưới là cánh đồng, bãi biển, những con đường, hồ nước. Thấp thoáng những con thuyền nhỏ trong sương. Và trên một con thuyền, mảnh mai, mơ hồ bóng một người con gái đang bềnh bồng trên mặt sóng. Một sức hút lạ kỳ đưa anh đến gần hơn. Tiếng anh như gió thoảng:

- Kiều Mai… Mai…

Một cơn gió bất ngờ thổi ngược. Anh trôi về vô định…

Đưa anh về nghĩa địa trên con đường gập ghềnh sùi sụt gió mưa chỉ có Nga, cậu mợ và mấy tên mật thám. Kỳ lạ thay, khi những xẻng đất cuối cùng lấp lên nấm mộ nhỏ nhoi của người cộng sản ấy, trời bỗng nhiên rực nắng.

*

… Tiếng mõ trâu lốc cốc về chuồng. Bầy chim rừng ríu rít gọi nhau về tổ. Những tia nắng cuối chiều đan những chùm sáng phía cửa rừng làm chị nhớ lại cũng thời khắc này mấy năm về trước. Ngày ấy, trong tột cùng đau khổ, chị vẫn nhớ lời anh dặn, rằng nếu yêu nhau, chị hãy gắng làm những điều có ích. Phải rồi, chị sẽ đi, đi về phía có anh. Ở đó, chị sẽ thấy anh trong đồng đội, bạn bè anh, chị sẽ đi tiếp con đường anh đã chọn, tìm niềm vui trong sự hy sinh, cống hiến.

Đem suy nghĩ trên bàn bạc với chồng. May thay, chồng chị là người đàn ông yêu thương và tôn trọng chị. Vậy là gia đình chị rời Hà Nội lên vùng Định Hóa, Thái Nguyên trong không ít gièm pha, dị nghị. Những khó khăn nơi rừng thiêng nước độc rồi cũng dần qua. Chị quen dần với nếp sống ở vùng núi, nơi đó ngoài việc lo toan ổn định cuộc sống gia đình, chị dành nhiều thời gian giúp đỡ cách mạng bằng tất cả sức mạnh của tình yêu. Cũng thật lạ, ngày Nhuận ra đi cứ như vừa mới hôm nào. Vẹn nguyên trong chị là ánh mắt, nụ cười, giọng nói trầm ấm của anh, là con đường, hàng cây, công viên và những nơi đã ghi dấu tình yêu của chị và Nhuận. Nụ hôn đầu tiên cũng là cuối cùng Nhuận trao cho chị luôn làm chị xao xuyến như tình yêu của chị đối với anh không phai mờ theo năm tháng.

*

… Khum tay vụm nước khoát lên mặt, vuốt lại mấy sợi tóc mai, chị nhẹ nhàng đứng lên trở về nhà. Nơi đó, hiện diện hạnh phúc của chị, hạnh phúc mà vì nó, Nhuận và bao đồng đội của anh đã vĩnh viễn ra đi, để hôm nay, chị và biết bao người nữa sẽ tiếp bước trên con đường ấy để non sông vĩnh viễn thái bình.
Lao xao rừng chiều. Kiều Mai như nghe tiếng anh ấm trong vòm lá. Chị  mỉm cười.

Truyện ngắn của VŨ KIM LIÊN