Bộ Y tế lại bị tố "nói một đằng, làm một nẻo"

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 07:46, 05/09/2017

Trong lúc vụ thuốc giả của VN Pharma vẫn đang nóng, nhiều doanh nghiệp và hiệp hội vừa cho biết họ đang rất bức xúc vì Bộ Y tế "nói một đằng, làm một nẻo".

Bộ Y tế lại bị tố nói một đằng, làm một nẻo - Ảnh 1.

Thông tư ban hành quy chuẩn đã ký từ tháng 3, Bộ Y tế vẫn đề nghị doanh nghiệp góp ý cho đến tận tháng 7

Theo các doanh nghiệp, tháng 4 và tháng 5 vừa qua họ đã gửi hai lần góp ý và tham dự hai cuộc tọa đàm tổ chức vào ngày 23.6.2017 và 6.7.2017 để góp ý cho Quy chuẩn quốc gia về sữa dạng lỏng sửa đổi.

"Chúng tôi đã gửi góp ý hai lần vào tháng 4 và 5 sau khi Bộ Y tế gửi cho chúng tôi dự thảo và đề nghị góp ý. Là doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sữa dạng lỏng, chúng tôi đã xem xét rất kỹ dự thảo và đề nghị được góp ý một số điểm chưa đồng thuận" - đại diện một doanh nghiệp nói.

"Sau đó vào tháng 6 và 7, chúng tôi đã dự hai hội thảo. Sau hội thảo ở Hà Nội lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cho biết Quy chuẩn sữa dạng lỏng sẽ được ký 1-2 tuần sau đó".

Điều bất thường là ở chỗ Bộ Y tế đề nghị góp ý và tổ chức hội thảo để lấy ý kiến như bình thường, nhưng bản "Quy chuẩn quốc gia về sữa dạng lỏng" vừa được Bộ Y tế công khai hồi đầu tháng 8 thì ngày ký là 22.3.2017, tức là trước khi doanh nghiệp được đề nghị góp ý kiến và tham gia hội thảo để đóng góp ý kiến.

"Bộ Y tế không tôn trọng cộng đồng doanh nghiệp, nếu Bộ tự ban hành quy chuẩn, không cần đóng góp ý kiến thì không nên mời chúng tôi tham dự hội thảo và gửi văn bản đóng góp. Đằng này vẫn mời, vẫn đề nghị góp ý kiến nhưng lại không tôn trọng ý kiến doanh nghiệp đóng góp, mà ký ban hành quy chuẩn từ trước hội thảo lấy ý kiến. Điều này quá bất thường", Đại diện doanh nghiệp nói

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một quan chức của Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế - cơ quan chủ trì xây dựng bộ quy chuẩn cho biết việc ký ban hành quy chuẩn rồi nhưng vẫn mời doanh nghiệp đóng góp ý kiến là "không có gì khuất tất".

"Đó là thời điểm lấy số ban hành văn bản, còn nội dung là có tiếp nhận ý kiến đóng góp của doanh nghiệp", quan chức này cho biết.

Một chuyên gia về chính sách y tế còn chỉ ra một điểm bất hợp lý nữa: Thông tư trên của Bộ Y tế ký ngày 22.3, trong khi nghị định 43/2017 của Chính phủ về ghi nhãn hàng hóa đến ngày 1.6.2017 mới có hiệu lực.

Như vậy, vào đầu năm 2018 tới khi áp dụng quy chuẩn quốc gia về sữa dạng lỏng theo thông tư ký ngày 22.3, Bộ Y tế sẽ phải có thêm một tờ hướng dẫn về ghi nhãn hàng hóa, do từ ngày 1.6.2017, quy định về ghi nhãn đã thay đổi.

Nếu Bộ Y tế để đến sau các hội thảo góp ý mới ký thông tư trên thì việc hướng dẫn không còn cần thiết, chỉ cần cứ theo nghị định 43 mà làm.

Theo Tuổi trẻ