Nguy cơ bùng phát dịch tay chân miệng
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 14:57, 06/09/2017
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa đưa ra lời cảnh báo, tiết giao mùa hiện nay là thời điểm căn bệnh tay chân miệng ở trẻ em có nguy cơ gia tăng, bùng phát dịch nếu không kịp thời phòng chống do cả nước bắt đầu bước vào mùa tựu trường.
Bệnh có thể gây tử vong
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh rất dễ lây cho người khác nếu hành vi vệ sinh không đảm bảo. Tại Việt Nam, số ca nhiễm bệnh này có xu hướng tăng trong khoảng từ tháng 3 - 5 và từ tháng 9 - 12.
Bệnh có nguy cơ lây nhiễm mạnh nhất trong tuần đầu tiên sau khi một bệnh nhân nhiễm bệnh và có thể kéo dài vài tuần do virus khu trú trong chất thải. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Thống kê từ Cục Y tế dự phòng cho thấy, từ đầu năm 2017 đến nay, số mắc tay chân miệng trong cả nước đã tăng lên hơn 51.218 trường hợp, 23.272 bệnh nhân phải nhập viện. So với cùng kỳ năm ngoái, số ca nhập viện do tay chân miệng năm nay tăng 3,4%. Đáng chú ý, số ca mắc tay chân miệng đang có chiều hướng tăng hơn ở vài tuần gần đây và có nguy cơ tiếp tục tăng nhanh trong vài tuần tới khi học sinh đã trở lại trường học. Thời điểm này cũng là mùa của dịch tay chân miệng theo chu kỳ.
Trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng phân tích, sở dĩ bệnh tay chân miệng thường tăng mạnh, bùng phát vào mùa tựu trường là do bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn thông qua việc tiếp xúc. Cơ chế lây bệnh của tay chân miệng thường là lây trực tiếp qua đường tiêu hóa khi ăn uống chung hay tiếp xúc với dịch của trẻ mắc bệnh, lây gián tiếp qua bàn tay hoặc vật dụng nhiễm virus, do đó nó rất dễ lây trong môi trường sinh hoạt chung của trẻ ở lớp học, nhà trẻ. Ông Phu cảnh báo, đáng ngại là chỉ cần một trẻ bị bệnh tay chân miệng là những trẻ xung quanh có thể bị lây nhiễm bất cứ lúc nào.
Ads by AdAsia
Learn More
Bệnh tay chân miệng chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 10 tuổi, thường là ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Trẻ càng nhỏ thì các triệu chứng càng nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, tất cả những ai chưa từng mắc bệnh đều có nguy cơ lây nhiễm khi tiếp xúc với các dụng cụ hoặc bề mặt bị nhiễm virus do người bệnh chạm vào, nhưng không phải ai bị nhiễm virus cũng có biểu hiện của bệnh.
Trẻ em có nguy cơ lây nhiễm virus và mắc bệnh cao hơn vì khả năng đề kháng và miễn dịch yếu hơn người lớn. Hầu hết người lớn được miễn dịch nhưng những trường hợp thanh thiếu niên và người trưởng thành bị nhiễm virus cũng không hiếm.
Phụ nữ mang thai cần phòng tránh bệnh, không nên tiếp xúc gần gũi với người nhiễm bệnh bởi có khả năng lây nhiễm và truyền virus sang cho con ngay trước khi sinh hoặc trong khi sinh. Điều đáng lưu ý, một người có thể nhiễm bệnh tay chân miệng nhiều lần do mỗi lần nhiễm bệnh cơ thể chỉ tạo ra kháng thể với một loại virus nhất định. Do đó dù đã từng nhiễm, người bệnh vẫn có thể mắc bệnh trở lại nếu bị nhiễm virus khác thuộc nhóm Enterovirus.
Tại Hà Nội, trong tuần qua ghi nhận thêm 12 trường hợp trẻ mắc tay chân miệng phải nhập viện điều trị, nâng tổng số bệnh nhân từ đầu năm đến nay lên 123 ca mắc, chưa có trường hợp tử vong. Tại TPHCM, từ đầu năm đến nay ghi nhận gần 3.300 ca mắc bệnh. Trong tuần qua có thêm 121 trường hợp mắc bệnh.