Phòng bệnh sốt xuất huyết trong trường học

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 20:00, 08/09/2017

Trường học là nơi tập trung đông người, nếu cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh mắc sốt xuất huyết (SXH) thì nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh rất lớn.




Giáo viên Trường Mầm non Tân Hưng thường xuyên trao đổi với phụ huynh
về các dấu hiệu nhận biết bệnh sốt xuất huyết


Do đó, cùng với việc triển khai nhiệm vụ của năm học mới, các trường đều nâng cao ý thức phòng bệnh.

Trong tháng 8, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có công văn chỉ đạo tăng cường phòng chống SXH trong trường học. Theo đó, huy động các cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh tham gia diệt muỗi, diệt bọ gậy tại trường, gia đình và cộng đồng theo hướng dẫn của ngành y tế. Tổ chức vệ sinh môi trường tại các trường học, khu nhà ở tập thể, gia đình. Theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe của trẻ em, học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh.

Trường Mầm non Tân Hưng (TP Hải Dương) có 2 khu đều nằm ở 2 thôn có ổ dịch SXH. Trong đó, khu trung tâm cách nhà của bệnh nhân mắc SXH ở thôn Liễu Tràng chỉ khoảng 100m. Do đó, các cán bộ, giáo viên rất lo lắng SXH sẽ lây lan sang trường học. Năm nay, trước tình hình bệnh SXH có những diễn biến phức tạp nên ngay từ tháng 8, Trường Mầm non Tân Hưng đã chủ động mua hóa chất diệt muỗi, thuê người phun với tổng kinh phí khoảng 15 triệu đồng. Sức khỏe của trẻ được theo dõi sát sao hằng ngày, nhất là những trẻ mệt mỏi, ốm sốt. Những nội dung về dấu hiệu nhận biết, cách phòng tránh SXH được dán trước mỗi cửa phòng học để phụ huynh có thể tranh thủ xem khi tới đón con em. Bên cạnh đó, các giáo viên thường xuyên trao đổi với phụ huynh để kịp thời phát hiện khi sức khỏe của trẻ có biểu hiện bất ổn.

Cô giáo Vương Thị Viễn, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Hưng cho biết: "Thời gian tới, nhà trường tiếp tục huy động các giáo viên diệt bọ gậy, vệ sinh lớp học và khuôn viên nhà trường sạch sẽ, thoáng đãng, có như vậy thì việc phòng chống dịch bệnh mới mang lại hiệu quả".

Bà Phạm Thị Cừ ở thôn Thanh Liễu, xã Tân Hưng có cháu đang theo học tại trường mầm non cho biết: "Khi biết thông tin trong xã có người mắc SXH, tôi rất lo lắng về nguy cơ bệnh có thể lây lan trong trường mầm non. Trước khi đưa cháu tới lớp, tôi đều bôi thuốc phòng tránh muỗi đốt cho cháu. Cũng nhờ những nội dung về phòng chống SXH được dán trước cửa lớp, tôi đã chủ động hơn trong việc theo dõi tình hình sức khỏe của cháu".

Từ khi xã Cẩm Sơn (Cẩm Giàng) xuất hiện ổ dịch SXH, các cán bộ, giáo viên Trường THCS Cẩm Sơn lại càng thêm mối lo bệnh này len lỏi vào trong trường học. Mối lo này càng tăng lên khi trong số nhiều người nghi ngờ mắc SXH có cả học sinh của trường. Do đó, thời gian gần đây, trong những buổi chào cờ hay sinh hoạt lớp, nội dung về phòng chống SXH đã được nhà trường tuyên truyền tới học sinh. Nội dung tập trung vào việc hướng dẫn các em dọn vệ sinh tại nhà, ngủ màn, giúp các em làm tốt nhiệm vụ là cầu nối tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh cho gia đình và cộng đồng.Việc tổng vệ sinh trường học được thực hiện hằng ngày thay vì cách nhật như trước đây.

Việc phòng chống SXH không chỉ là nhiệm vụ riêng của ngành y tế mà là nhiệm vụ chung của cả cộng đồng, trong đó không thể thiếu sự chung tay phối hợp của các trường học trong tỉnh.

HUYỀN TRANG


Thêm 1 ổ dịch sốt xuất huyết

Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, đến ngày 8.9, toàn tỉnh có 420 người mắc, nghi mắc SXH, trong đó có 268 trường hợp dương tính. Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện thêm 1 ổ dịch SXH ở thôn An Tân, xã Gia Tân (Gia Lộc) với 3 trường hợp dương tính. Như vậy kể từ khi có ổ dịch SXH đầu tiên đến nay, toàn tỉnh đã có 11 ổ dịch, trong đó 6 ổ dịch được xóa theo quy định.

PV