Lạc nhịp
Truyện ngắn - Ngày đăng : 09:44, 10/09/2017
- Cuối tuần này thu xếp công việc rồi đi công tác cùng anh. Anh đã gọi điện cho bà nội sang cơm nước cho chị em cái Na rồi em à.
- Chủ nhật này là đám cưới bé Vỹ nhà dì Lanh. Anh không nhớ sao? Em không đi có được không?
Phước chững lại một lúc rồi quả quyết:
- Không được đâu em. Chương trình đã lên kế hoạch, ấn định cả rồi. Đoàn đi lần này còn có cả phóng viên đài truyền hình. Em phải cố gắng thôi.
- Là em tưởng đi dự tiệc…
Phước xách cặp ra xe, đóng cánh cửa chắc nịch như một lời khẳng định:
- Không, chuyến này ta về Minh Hạ làm từ thiện. Nơi đó có đông bà con bị ngập úng hoa màu, chịu thiệt hại lớn bởi những trận mưa dai dẳng tháng trước đó.
Thụy thừ người. Bé Na đã đeo cặp đến bên xe, giục mẹ đi tới lớp kẻo muộn. Bình thường với những chuyến đi như thế này, Thụy vẫn luôn nhiệt tình tham gia nhưng lần này lại trùng đúng ngày cưới của em Vỹ. Thụy đưa con đến lớp, chạy xe tới cơ quan qua những nhộn nhịp người xe hối hả, đường phố đông chật như nêm vào giờ cao điểm mà trong đầu không thoát ra khỏi những suy nghĩ rối ren. Tuy dì Lanh là em họ của mẹ nhưng ngày Thụy còn nhỏ đúng đợt mẹ ốm bị mất sữa nhiều ngày, dì sang nhà cho Thụy bú mớm suốt. Lớn lên một chút chị em cái Phượng có đôi dép đẹp hay cái bím tóc xinh thế nào Thụy cũng có. Có cái kẹo cái bánh ngon, thế nào dì cũng bảo em Vỹ mang sang nhà cho Thụy. Dì coi Thụy có khác nào cái Phượng, cái Vỹ nhà dì. Lần này mà không về dự cưới em Vỹ được, Thụy thấy áy náy lắm. Thụy hiểu rõ tính Phước, từ trước tới giờ Phước quyết định như vậy là sẽ không thể thay đổi. Anh quyết đoán trong công việc. Thuyền theo lái, gái theo chồng. Biết làm sao. Phước là giám đốc kinh doanh của một tập đoàn kinh doanh đa ngành nghề đang trên đà làm ăn phất lên như diều gặp gió. Có được cơ ngơi biệt thự bề thế như bây giờ là công sức của Phước cả chứ lương Thụy đáng bao nhiêu.
Đến cơ quan đầu giờ cánh chị em văn phòng xúm vào xem báo, bàn tán râm ran. Thụy ghé mắt nhìn vào. Ngay trang nhất của tờ báo là hình ảnh những người nông dân với những gương mặt buồn so đứng thất thần giữa cánh đồng lúa nằm bẹp, đổ ngả đổ nghiêng. Hơn nghìn ha lúa bị mất trắng. Tháng trước, lúa đang thời kỳ ngậm sữa, trổ bông bị ngập úng dài ngày nên giờ gặt về toàn những bông lúa lép hạt nằm chỏng chơ như ngửa mặt lên trời than thân trách phận. Nhiều diện tích trồng dưa hấu bị thiệt hại vì dưa đang độ chín, giữa nắng nóng bất ngờ mưa ập xuống nên nổ bung. Thụy ngó qua cũng thấy chạnh lòng, xót xa.
- Tội nghiệp bà con quá!
- Thế này chỉ mong chờ vào những tấm lòng hảo tâm chia sẻ của mọi người. Những Mạnh Thường Quân thấy được cảnh này mà chung tay, góp sức. Bà con mới đỡ khổ.
Làm bạn với ruộng vườn từ nhỏ, sớm quen với công việc đồng áng, lớn lên cũng nhờ hạt lúa củ khoai, Thụy hiểu tất cả sinh hoạt của người nông dân cũng đều trông chờ vào vụ mùa thu hoạch. Được năm mưa thuận gió hòa còn đỡ, có năm gặp thiên tai bão lũ, năm ấy bát cơm sẽ vơi... Thụy ứa nước mắt khi nhiều đêm khuya thức giấc thấy bóng mẹ chập chờn lặng lẽ, nhỏ nhoi bên đống hàng nhận về. Hôm cắt chỉ, hôm mẹ bóc vỏ hành khô. Nhận được ít hàng về nào phải dễ dàng. Mẹ phải kéo chiếc xe ba gác lên tận thị trấn để xin người ta cho lấy. Người đông, việc hiếm. Nhờ có người quen trên thị trấn, nể lắm người ta mới cho mẹ lấy về. Những ngày mưa bố nghỉ ở nhà suốt, công việc phụ xây phập phù, lúc lại đi xa. Bốn anh em Thụy, đang tuổi ăn tuổi lớn nhưng mẹ bắt đi học hết, không đứa nào được nghỉ. Mẹ muốn anh em Thụy học hành bằng người.
- Chuyện đám cưới con dì Lanh, chắc dì thông cảm thôi. Xong chuyến này về em xuống đó một ngày với dì.
Thụy đọc tin nhắn của Phước, tự nhiên thôi không còn nỗi băn khoăn trong lòng.
*
Xe chạy suốt trong đêm. Thụy chỉ chợp mắt được một lúc, mơ mơ màng màng. Thụy mơ thấy mình là con bé có hai bím tóc xinh đang ríu ra ríu rít chơi đánh chuyền, nu na nu nống cùng cánh bạn dưới gốc cây hồng xiêm rợp bóng mát mỗi buổi trưa hè. Lúc lại mơ thấy mùi canh mướp hương mẹ nấu với cáy ngọt vị đồng bãi phù sa. Mấy quả cà pháo giòn tan trong bữa cơm ngày mùa, giữa lúc trời nắng nôi thơm thơm nồi cơm trắng dẻo, vấn vít mùi rạ rơm. Nhớ cái nồi gang bao giờ mẹ cũng đun quá lửa một chút để cuối bữa còn có nắm cháy giòn, ngon chẳng khác nào như được ăn bánh đa vừng vậy. Cái nồi đúc bởi cánh thợ làng bên mà mẹ phải đánh đổi mất nửa thúng thóc. Mẹ quý nó lắm. Mỗi lần Thụy bưng nồi ra sân giếng rửa bao giờ mẹ cũng dặn Thụy phải lấy búi rác đánh cọ cho thật sạch kẻo bị dính muội tro. Lại nghe tiếng em Hạnh cười hớn ha hớn hở khi Thụy vớt rổ khoai luộc còn nghi ngút khói bưng lên đặt trước mặt nó lúc nó đang ôn bài...
Hơn 8 giờ, xe mới tới nơi. Trời đổ mưa suốt mấy tiếng đồng hồ. Con đường rẽ xuống Minh Hạ nhầy nhụa sình lầy. Đúng là ở thành phố, đường sá nhẵn nhụi đi quen, Thụy chẳng ngờ vẫn có nơi còn có con đường hoàn cảnh đến thế. Xe buộc phải dừng lại ngay chỗ cây đa giữa cánh đồng, lối rẽ vào UBND xã. Thụy xắn quần cùng với mọi người hì hục khuân vác những thùng hàng vào địa điểm tổ chức. Đến nơi đã thấy bà con nông dân quần ống thấp ống cao, những gương mặt khắc khổ đã chen chân đứng chật kín sân chờ sẵn. Thấy đoàn đến họ hớn hở mừng vui khiến Thụy xúc động, rưng rưng. Họ có khác nào như bố mẹ cô dưới quê. Cô hăm hở cùng các tình nguyện viên không ngại đứng suốt cả buổi để cùng trao quà đến tận tay các hộ. Gương mặt vui tươi, phấn khởi, rạng rỡ của bà con khiến cô vui lây. Thụy nhìn Phước hào hứng chụp ảnh kỷ niệm bên bà con lúc trao quà, trả lời phỏng vấn của phóng viên mà trong lòng trào lên niềm tự hào. Phước quả là năng động và giỏi giang. Sau khi lấy cô, từ một nhân viên, Phước được cất nhắc lên phó phòng, trưởng phòng rồi Phó Giám đốc. Không lâu sau, ông Giám đốc bị kiện phải bóc lịch trong tù vì tội làm giả hóa đơn chứng từ để trục lợi, chiếc ghế Giám đốc đã chuyển sang Phước một cách êm xuôi. Mọi việc diễn ra với Phước khá thuận lợi như thể Phước được quý nhân phù trợ. Mới đây anh cũng rất hào hứng trong việc ủng hộ xây dựng ngôi chùa làng dưới quê. Người làng ai nấy đều tấm tắc ngợi khen. Phước không như nhiều người giàu có, sống chỉ biết có tiền.
*
- Cảm ơn cô đã đến đây. Vậy mà tôi cứ tưởng…
Người phụ nữ ăn mặc khá sành điệu, đeo đôi kính thời trang, đôi bàn tay múp míp với các ngón tay được đánh nhũ màu đỏ chót, đôi lông mày kẻ đậm và cái nhìn nửa như thăm dò, nửa như trấn áp người đối diện. Chị ta trước đây là kế toán ở công ty Phước. Ấy là Thụy nghe chị ta tự giới thiệu lúc gọi điện hẹn gặp Thụy đến đây. Chủ quán bưng ra hai cốc, một cốc cam và một cốc cà phê đen. Người phụ nữ đẩy cốc sinh tố cam về phía Thụy.
- Cô đừng ngạc nhiên vì sao tôi biết cô chỉ thích uống sinh tố cam. Tôi còn biết anh Phước nhà cô nhiều hơn cả những gì mà cô biết đấy...
- Thế nghĩa là sao? Chuyện gì của anh Phước mà tôi không biết đâu chứ. Anh ấy là một người con hiếu thảo, một người chồng, người cha tốt. Một giám đốc giỏi có tấm lòng nhân hậu.
Chị ta nhấp ngụm cà phê, nghe Thụy nói thì cười đánh cái thượt:
- Vấn đề là ở chỗ ấy. Cô còn nghĩ như vậy huống hồ người ngoài.
Chị ta đẩy chiếc USB về phía Thụy:
- Cô xem xong rồi sẽ rõ. Anh ta làm từ thiện cốt là để che mắt thiên hạ, muốn cứu rỗi cái phần tội lỗi xấu xa thôi. Ông Sơn, giám đốc cũ bị anh ta gài bẫy, ký khống hóa đơn, lập chứng từ giả. Bộ ba, ông Sơn, tôi và chồng cô có thời gian cùng ngồi trên một chiếc thuyền. Nhưng không ngờ, vị giám đốc lại bị chính người mình từng một tay dìu dắt đẩy ra khỏi thuyền. Còn tôi, cô không thấy sao, sau đó không lâu đã phải rời vị trí.
- ???
- Từ lâu, tôi biết những mánh khóe buôn gian, bán lận của anh ta. Biết rõ nơi kho hàng bí mật cất giấu những gì. Những chuyến hàng lậu đã sinh ra cho anh ta món lợi kếch xù đủ sức để chu cấp cho mẹ con cô bồ chưng diện và tung tẩy du lịch khắp nơi.
- Không, chị không thể vu khống cho anh Phước. Tôi không tin. Chị định chia rẽ vợ chồng tôi ư? Đừng hòng!
- Cô cứ bình tĩnh ngồi xuống đi. Cô thư ký nghe đâu là cô con nuôi của ông Nguyễn Đình Hoành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Cô ta đã có với anh Phước một đứa con gái chừng 5 tuổi. Cô không tin ư? Sự thật nằm trong cái USB này, có hình ảnh, âm thanh rõ nét. Anh ta thông minh nhưng không nghĩ rằng vỏ quýt dày thì cũng có móng tay nhọn…
Thụy sững người. Lần nào tạm biệt Thụy để đi công tác xa Phước chẳng luôn nói là nhớ vợ thương con. Chưa lần nào đi công tác về Phước lại không có quà cho mẹ con Thụy. Phước buôn gian bán lận ư? Không ít lần trước cánh phóng viên báo chí, Phước chẳng từng đĩnh đạc, nói rất hay. Rằng phải đặt lợi ích của người tiêu dùng lên hàng đầu. Sẽ là nhà sản xuất coi trọng chữ tín, luôn đồng hành cùng bà con nông dân. Chẳng ngờ đã vài lần Phước bị bà con nông dân đâm đơn kiện vì phân bón kém chất lượng làm cho ngô lúa của bà con bị mất mùa. Thụy đâm hoang mang.
- Tất cả sự thật là ở trong này. Cô cứ yên tâm, tôi chuẩn bị sang Canada. Chỉ cần thêm 10.000 USD nữa để làm vốn. Nếu những bí mật này mà bị lộ ra ngoài, cô biết là sẽ nguy hại thế nào mà.
*
Đã muộn lắm, Thụy mới trở về nhà. Có tàn thuốc lá vẫn còn âm ấm. Phước vừa đi khỏi. Đồ đạc trên bàn làm việc của Phước bị xộc xệch, xô nghiêng. Chiếc USB đã bị vụn vỡ nằm yên trong sọt rác. Có tờ giấy vừa mới bị vo viên. Thụy mở ra. Kết quả xét nghiệm ADN. Cháu bé Nguyễn Hoàng Anh (5 tuổi) và ông Nguyễn Đình Hoành là cha con. Bình thường chắc Thụy không thể hiểu. Nhưng giờ thì cô hiểu rất rõ tại sao lại có tờ giấy xét nghiệm này. Thụy chợt nhớ lời mẹ thì thầm trước lúc đi ngủ cái hôm Thụy dẫn Phước về nhà ra mắt: “Mẹ thấy nó hiền lành, thật thà, lại xuất phát là con nhà nông là mẹ yên tâm rồi. Giàu nghèo chẳng biết thế nào. Chỉ cần hai đứa chúng mày thương yêu nhau…”. Bất giác Thụy ngước nhìn lên. Bắt gặp nụ cười rạng rỡ của Phước trong bức ảnh chụp cùng vợ con nhân kỷ niệm 15 năm ngày cưới. Bên cạnh là tấm hình Phước mới chụp gần đây tại lễ khánh thành ngôi chùa làng. Thụy mỉm cười chua chát. Nghe đắng đót trong lòng. Gương mặt người thân mà bỗng dưng thấy sao xa lạ. Nhìn ra ngoài trời, chỉ thấy luênh loang màn đêm.
Truyện ngắn của VŨ THỊ THANH HÒA