Giới trẻ ngày càng manh động

Xã hội - Ngày đăng : 07:05, 11/09/2017

Những hành động của giới trẻ hiện nay cảnh báo về lối sống bạo lực, ích kỷ, coi thường sức khỏe và tính mạng người khác...



Rượu bia khiến nhiều người trẻ dễ "nổi máu anh hùng", bất chấp pháp luật khi có mâu thuẫn xảy ra

Chỉ vì xung đột nhỏ, một số thanh niên sẵn sàng ra tay đánh, chém, giết người. Những vụ việc như vậy ngày càng xảy ra nhiều hơn trên địa bàn tỉnh, cảnh báo về lối sống bạo lực, ích kỷ, coi thường sức khỏe và tính mạng người khác, bất chấp pháp luật của một bộ phận thanh thiếu niên.

Chuyện bé... xé ra to

Chỉ vì can hai thanh niên đánh nhau mà anh Ngô Văn Thiêm (26 tuổi) ở thôn Lĩnh Đông, xã Phạm Mệnh (Kinh Môn) bị đâm vào ngực trái, tổn hại 52% sức khỏe. Anh Thiêm là Phó Bí thư Chi đoàn thôn Lĩnh Đông. Sự việc xảy ra vào khoảng 20 giờ ngày 13.8.2013, khi anh Thiêm đang hướng dẫn thiếu niên sinh hoạt hè ở sân UBND xã Phạm Mệnh thì xảy ra xô xát giữa Vũ Văn Trọng (20 tuổi) và Nguyễn Mạnh Hùng (21tuổi), đều là người xã Phạm Mệnh. Trọng yêu cầu Hùng xin lỗi Tô Văn Bắc (21 tuổi), em họ của Trọng (Hùng và Bắc có mâu thuẫn từ trước), nhưng Hùng không xin lỗi. Vì thế, Trọng dùng dao bầu đuổi đánh Hùng. Thấy có xô xát, anh Thiêm đã ra can ngăn và xảy ra sự việc nêu trên. Sau đó, anh Thiêm được đưa đi cấp cứu, may mắn được các bác sĩ cứu chữa qua khỏi. Đến nay, vùng ngực trái của anh Thiêm vẫn thỉnh thoảng bị đau nhức.

Một vụ án khác khiến dư luận vừa dậy sóng là vụ đánh hội đồng của nhóm thanh niên mua âm ly khiến anh Trần Đức Hiệp ở thôn Chi Đoan, xã Cộng Hòa (Nam Sách) thiệt mạng. Tối 24.8, sau khi uống rượu, nhóm thanh niên gồm Nguyễn Đình Kiên (31 tuổi), Đoàn Hữu Tùng (22 tuổi), Bùi Đình Trung (28 tuổi, đều trú tại xã Cộng Hòa, Nam Sách), Nguyễn Văn Linh (23 tuổi, trú tại xã Lai Vu, Kim Thành) và một số người khác đến nhà anh Nguyễn Đình Khánh (37 tuổi, trú tại xã Cộng Hòa, Nam Sách) để mua loa đài, âm ly. Anh Khánh nói với Kiên đã bán cho anh Tạ Văn Chuẩn cùng xã 1 đôi loa, âm ly chất lượng tốt nhưng anh Chuẩn chưa trả tiền. Nếu anh Chuẩn trả thì anh Khánh sẽ bán cho Kiên. Vì vậy, Kiên đã nhờ các đối tượng trong nhóm đến nhà anh Chuẩn lấy bộ âm ly. Khi đến nhà anh Chuẩn, ông Thụy (bố đẻ anh Chuẩn) không đồng ý trả bộ âm ly và yêu cầu các đối tượng gọi anh Trần Đức Hiệp là người đứng ra bảo lãnh việc mua hàng giữa Khánh và Chuẩn đến nhà. Khi anh Hiệp đến tháo bộ loa, âm ly đem ra ngoài cổng đưa cho nhóm thanh niên này thì bị các đối tượng Trung, Linh, Tùng đánh hội đồng. Sau đó, các đối tượng bê loa, âm ly bỏ đi, anh Hiệp chết tại chỗ.

Không chỉ có các vụ án mạng, đánh người gây thương tích nghiêm trọng, thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh còn xảy ra nhiều vụ hỗn chiến. Trong đó phải kể đến vụ việc 2 nhóm thanh niên đánh nhau tại đường Thanh Bình đoạn gần bến xe phía tây TP Hải Dương vào cuối tháng 6; nữ sinh Trường THCS Tân Việt (Bình Giang) đánh nhau lột đồ vào đầu tháng 7; 2nhóm thanh niên đánh nhau tại xã Thượng Quận (Kinh Môn) vào cuối tháng 7... Đây chỉ là những vụ được đưa lên báo chí hoặc mạng xã hội, thực tế có thể còn nhiều vụ việc tương tự. Các vụ việc này đã dấy lên lo ngại về lối sống bất chấp pháp luật của một bộ phận thanh niên hiện nay.

Các vụ án trên đều do những thủ phạm từ 20-31 tuổi gây ra. Không chỉ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho xã hội mà bản thân họ phải vào tù, ra tội, khép lại cả tương lai.

Bất chấp pháp luật

Nhận xét về vấn đề nhiều thanh niên không biết kiềm chế khi xảy ra xung đột, anh Hoàng Trọng Hiển, Trưởng Ban Tuyên giáo, Tỉnh đoàn cho biết hiện nay có một bộ phận nhỏ thanh niên thích thể hiện bản thân qua thói hung hãn, côn đồ. Họ nghĩ càng hung hãn, càng côn đồ càng chứng tỏ đẳng cấp của bản thân. Trong nhiều vụ án, rượu bia là chất kích thích khiến con người ta liều lĩnh hơn, nhưng nguyên nhân sâu xa là từ suy nghĩ, ý thức và văn hóa ứng xử. Những thanh niên này không xem pháp luật là công cụ điều chỉnh hành vi, mà thường hành xử theo kiểu mạnh ai nấy làm, tự giải quyết khi có vấn đề phát sinh, do đó thường gây ra những hậu quả đau lòng.

Tỉnh đoàn đã tích cực triển khai nhiều kế hoạch hành động của Trung ương Đoàn, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn về công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, văn hóa cho thế hệ trẻ. Các cấp bộ đoàn đã đa dạng các hình thức tuyên truyền pháp luật; nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên tuyên truyền pháp luật; xây dựng, củng cố và nhân rộng các mô hình thanh thiếu niên tham gia giữ gìn an ninh trật tự tại cơ sở; phối hợp tổ chức các hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật...

Trong 6 tháng đầu năm nay, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã tổ chức trên 90 đợt tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước thu hút 13.500 đoàn viên thanh niên tham gia. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tổ chức 1 lớp tập huấn hè, 1 lớp tập huấn kỹ năng cho trên 300 lãnh đạo Đoàn cơ sở, lồng ghép thông tin về pháp luật, công tác phòng chống ma túy. Duy trì hoạt động của 247 câu lạc bộ thanh niên, đội thanh niên xung kích, thanh niên tình nguyện tuyên truyền pháp luật với trên 10.800 đoàn viên, thanh thiếu nhi. Duy trì chương trình phối hợp giáo dục phạm nhân trong độ tuổi thanh niên và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng giai đoạn 2016-2020...

"Để ngăn chặn thông tin, tư tưởng, hành động xấu lan rộng trong thanh thiếu niên, không chỉ gia đình, nhà trường, các tổ chức Đoàn mà cả cộng đồng cần có các biện pháp phối hợp để chăm lo, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho giới trẻ, đồng hành cùng thanh niên xây dựng đời sống tinh thần lành mạnh, vững vàng trước những ảnh hưởng xấu của xã hội", anh Hiển cho biết.

PV