Con đường mới

Truyện ngắn - Ngày đăng : 06:53, 18/09/2017



Loa truyền thanh của xã mấy hôm nay cứ thông báo đi thông báo lại chuyện tổ chức bỏ thầu đất ở gần khu Đồng Mắm. Làng Mộc được phen xôn xao bàn tán. Mọi bận, cứ nghe đến chuyện đất cát thì chả ai thèm quan tâm vì người làng Mộc mấy người thừa tiền mà buôn bất động sản. Cả làng chỉ quanh quẩn với ruộng vườn, gà vịt, ao cá. Riêng đàn ông thì duy trì nghề mộc, tạm đủ sống, chứ không dư dả gì. Vì vậy nhà nào đa đinh thì cũng được ông bà, cha mẹ chia đất làm đôi, làm ba, quây quần bên nhau, có anh có em. Nhưng lần này người ta thi nhau nộp đơn bỏ thầu vì nghe đâu sắp có một con đường liên tỉnh, bắt đầu từ thành phố, chạy qua Đồng Mắm. Nghe đâu một cái chợ lớn sẽ mọc lên gần đó nữa. Khu ấy sau này sẽ thành khu phố mới. Người ta rỉ tai nhau: “Dự án có rồi! Chỉ chờ cấp trên duyệt thôi”. Phen này thì khối nhà có ruộng ở khu Đồng Mắm sẽ được đền bù cả đống tiền. Nếu trúng thầu một suất đất thôi thì biết đâu chỉ cần sang tay cũng lãi cả trăm triệu ấy chứ.

Vợ chồng anh Khoa sốt hết cả ruột, chạy đôn chạy đáo tìm cách vay mượn, để may ra có trúng thầu thì còn có tiền mà nộp chứ trong nhà chỉ đủ tiền đặt cọc. Quanh năm suốt tháng anh miệt mài với cái bào, cái đục còn chị Thúy thì lăn lộn với năm sào ruộng. Ngoài hai vụ lúa, chị xoay xở trồng thêm mùi tàu, dưa hấu, khi thì đổi sang hành, tỏi, cà rốt... Vậy mà vợ chồng anh chị vẫn phải chi tiêu tằn tiện để có tiền thuốc thang cho ông nội bọn trẻ, rồi nuôi hai đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Một đứa học đại học sắp ra trường, cứ đầu tháng là xin tiền nhon nhót, vèo một cái đã mất mấy triệu bạc. Một đứa vừa thi đỗ vào cấp ba, tiền học thêm của nó cũng làm anh chị toát mồ hôi. Cứ giữ khư khư cái nghề mộc, bạc phếch cả mông quần thế này biết bao giờ mới ngóc đầu lên được. Nhất định không thể bỏ qua cơ hội “đổi đời” này được, dù phải cầm sổ đỏ mảnh đất đang ở đi vay ngân hàng thì anh chị cũng quyết bỏ thầu bằng được. Ông cụ Khóa - bố anh Khoa nghe tiếng được tiếng chăng, tưởng anh bán nhà mua đất mới nên cấm cản:

- Này! Tôi nói cho vợ chồng nhà Khoa biết nhá! Chờ tôi chết, mang tôi ra Mả Cả rồi hãy bán cái nhà này. Tôi là tôi không cho phép đâu.

Anh Khoa trấn an ông cụ:

- Con không bán đâu, chỉ mua thêm thôi. Ông cứ yên tâm.

Dẫu biết trước giá sàn là 3 triệu đồng một mét vuông mà người nọ cứ hích người kia, tự đội giá lên. Nhìn những tay buôn bất động sản có máu mặt trong huyện cũng xuất hiện ở hội trường xã vào hôm bỏ thầu, người làng Mộc chỉ sợ bị trượt nên ai cũng ngấm ngầm bỏ thầu với giá cao hơn lúc đầu dự kiến. Kết quả, 15người làng Mộc trúng thầu. Bỏ cao nhất là vợ chồng anh Khoa, vợ chồng ông Bản, ông Vang, chị Quyên. Đó là những người bạo gan nhất, dám bỏ thầu với giá gần gấp đôi giá sàn. Kể ra thì anh Khoa cũng liều, lại bị hớ nữa, giá cao như thế chỉ là giá ảo thôi nhưng anh Khoa tự an ủi: “Đằng nào cũng là của mình. Của mua là của được”.

Quả nhiên cái dự án làm đường liên tỉnh chạy qua khu ruộng ở Đồng Mắm trở thành sự thật. Một chuỗi công ty liên doanh với nước ngoài cũng bắt đầu được khởi công. Mấy chục hộ ở làng Mộc được đền bù. Số tiền đền bù hàng trăm triệu ấy, người thì dùng làm lệ phí đi xuất khẩu lao động, người thì dùng làm vốn để buôn bán. Làng Mộc tự nhiên giàu lên trông thấy. Quán xá mọc lên như nấm. Đầu làng là quán bia hơi, cuối làng có quán karaoke, giữa làng thì có những bàn bi - a, đánh xèng, trò chơi điện tử... Cái làng bé tí, đi bộ chưa mỏi chân đã hết một vòng mà có tới năm quán lòng lợn tiết canh. Sáng sáng, đám đàn ông chê cơm nguội và mì tôm ở nhà, tụ tập rôm rả, ăn uống sụp soạp ở quán và kháo nhau xem hôm nay đề về con nào, đêm qua mơ thấy gì, nuôi con nào... Người già thì sinh ra lo lắng bởi các cụ luôn nghĩ tấc đất tấc vàng. Đất ruộng làm công ty hết rồi thì lấy gạo đâu mà ăn. Đám con cháu nghe ông bà than thở thì thản nhiên: “Đúng là người già lẩm cẩm! Một tháng lương công nhân thì có mà đong gạo cả năm”. Hằng ngày, con dâu, con gái đều đi làm công ty nên các ông các bà phải đảm nhận việc trông trẻ. Để các cháu dán mắt vào cái ti vi, ông bà quay ra quay vào, cháo bột, cơm nước, giặt giũ, quét tước là hết cả ngày.

Vợ chồng anh Khoa cũng có ba sào ruộng được đền bù, trả ngân hàng một phần, còn lại chị Thúy đòi mở quán tạp hóa. Anh Khoa thì muốn mở quán bia hơi. Hai vợ chồng tranh cãi kịch liệt, chả ai chịu ai. Cuối cùng họ quyết định vừa bán bia hơi vừa bán hàng tạp hóa. Anh Khoa bỏ nghề mộc ở nhà phụ vợ đi lấy hàng, giao hàng. Là thợ cả lâu năm, lại chạm trổ, đục đẽo rất khéo tay nên việc anh Khoa bỏ nghề mộc khiến ai cũng tiếc nuối. Ông cụ Khóa là rầu rĩ nhất:

- Nghề mộc ở cái làng này đến là tan tác mất thôi. Chả bõ công tôi truyền nghề cho anh, giờ anh bỏ. Biết thế này...

Anh Khoa lại ghé sát tai cha mình, nói rành rọt từng tiếng một để ông cụ nghe cho thủng:

- Phi thương bất phú. Chúng con nợ ngân hàng nhiều quá nên phải tìm cách xoay xở. Bao giờ hòm hòm thì con lại quay về với nghề mộc. Thầy cứ yên tâm - anh Khoa hứa là hứa vậy thôi chứ việc buôn bán cứ cuốn anh đi, còn hơi đâu mà nhớ cái cưa, cái đục nữa.

Lúc đầu, hàng quán khá chạy, nhất là vào mùa hè, có ngày bán được vài bom bia kèm với vó bò, đậu rán, trứng cút lộn, lạc luộc... Đồ tạp hóa cũng vì thế mà rất đắt hàng. Tiền lãi mỗi ngày lên tới cả triệu bạc. Nhiều hôm đông khách quá, thằng Quang phải nghỉ học thêm buổi tối để ở nhà phụ bố mẹ bưng bê. Nó xịu mặt:

- Cứ thế này thì con trượt đại học mất thôi!

Có ông khách nghe thấy, cười khà khà:

- Đại học bây giờ không có giá nữa rồi. Ra trường chả xin được việc. Khối đứa phải đi làm công nhân kia kìa. Chịu khó bưng bê, kiếm tiền mà đi du học!

Một ông khách khác xen vào:

- Phải đấy! Phải đấy! Con nhà Mầm kia chứ ai, chả cần thi đại học, đi du học có nửa năm đã gửi về cho bố mẹ ối tiền.

 Thằng Quang sững lại nhìn bố như dò hỏi. Anh Khoa ừ hữ cho qua:

- Cứ làm đi rồi tính! Mày thích thì bố cho đi.

Từ bữa anh Khoa hứa cho con trai đi du học, thằng Quang chểnh mảng học hành, cứ tính ngày tính tháng để nhanh học hết phổ thông. Nhiều hôm nó la cà quán điện tử, chơi cho đã vì nó nghĩ kiểu gì chả đỗ tốt nghiệp.

Thời gian sau, làng Mộc mọc thêm mấy quán bia hơi, quán tạp hóa thì ngõ nào cũng có nên công việc buôn bán của vợ chồng anh Khoa không còn thuận lợi như trước. Tiền vốn bị đọng, không thu về được vì đám đàn ông trong làng toàn uống bia chịu. Không bán thì họ bỏ đi quán khác, thế là mất dần khách. Chị Thúy nghe ngóng tình hình, phát hiện ra chuyện tày trời, rằng mấy quán bia hơi ở làng Mộc như quán nhà Tươi, quán nhà Vũ đều trá hình để ghi đề, đánh bạc. Chị bảo chồng:

- Thảo nào mà quán nhà mình mất khách! Phen này thì khó làm ăn đây!

Anh Khoa lưỡng lự:

- Hay là mình trót đâm lao thì cứ theo lao thôi?

Chị Thúy cương quyết:

- Không! Em đã bảo không là không! Của thiên trả địa. Làm ăn lương thiện thôi.

Anh Khoa chửi đổng:

- Khốn nạn! Đúng là thật thà ăn cháo... Cứ như mẹ mày thì có ngày chả có cháo mà húp đâu.

Chị Thúy đành nhịn chồng, không dám lời qua tiếng lại nữa vì từ ngày buôn bán, anh Khoa sinh ra nóng tính, nghiện bia rượu nên đã có hơi men trong người là anh dễ quát tháo. Có bận chị Thúy sơ suất tính hụt tiền mà anh đay đả cả ngày. Giờ buôn bán ế ẩm, anh càng cáu bẳn, hơi một tý là đá thúng đụng nia.

Giữa lúc công việc làm ăn không thuận buồm xuôi gió thì anh Khoa nhận thấy khu phố mới ở Đồng Mắm đua nhau xây dựng. Bên kia con đường liên tỉnh là khu công nghiệp, bên này là một cái chợ lớn và những ngôi nhà cao tầng san sát mọc lên. Ông Bản bỏ thầu đội thợ mộc, để cái nhà trong làng cho con trai út, huy động con trai cả xây một cái nhà ba tầng thật hoành tráng gần cổng chợ. Riêng tầng một để mở hàng ăn. Chị Quyên thì bán nhà ở làng Mộc để xây cái nhà bốn tầng trên mảnh đất trúng thầu. Chị mở quán cà phê, nước giải khát. Nhìn quán xá ở phố tấp nập, anh Khoa bàn với vợ nhoi ra phố để “đồi đời”, để có của ăn của để, có tiền xin việc cho con Nga khi nó ra trường, có tiền cho thằng Quang đi du học, có tiền để mua một cái ô tô chở hàng, có tiền để thuê người giúp việc... Hàng trăm khoản chi tiêu cần có tiền. Cứ nghĩ đến tiền là đầu óc anh quay cuồng. Sao người ta lại có thể kiếm tiền nhanh thế. Tay Vũ mới ngày nào còn đi làm thợ mộc thuê cho ông Bản như anh mà giờ ngồi xe bốn bánh vi vu quanh làng như một đại gia mới nổi. Thằng Tươi còn ít tuổi hơn anh mà mới mua thêm mấy suất đất ngoài mặt phố. Không hiểu chúng nó làm ăn kiểu gì tài thế. Người làng Mộc hễ có ai hỏi bí quyết thì Vũ nghĩ họ “hỏi đểu” nên vênh váo: “Giàu hay nghèo đều có số cả đấy” còn Tươi cứ cười đắc chí: “Nghèo thì lâu, giàu thì mấy”.

Anh Khoa tỉ tê với vợ mất mấy đêm trời thì chị Thúy mới đồng ý xây nhà ra khu phố mới. Ông cụ Khóa không hài lòng nhưng “trời không chịu đất thì đất phải chịu trời”. Miễn là ông vẫn giữ được cái nhà trong làng cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay, chứ nhất định không ra phố ở với con với cháu.

- Tôi còn khỏe chân, khỏe tay. Tôi tự lo cho mình được. Không phiền anh chị.

Chị Thúy năn nỉ:

- Ông ra ở với chúng con, giúp chúng con trông nom hàng họ. Ông ở đây một mình chúng con cũng không yên tâm.

- Thôi! Tôi không đi đâu hết. Chờ tôi chết, muốn khuân đi đâu thì đi.

Không ai thuyết phục được ông cụ, kể cả con bé Nga mà ông rất quý.

Ra trường, Nga vác hồ sơ đi xin việc hết cơ quan này đến cơ quan khác nhưng chỗ nào cũng nói “đủ nhân sự rồi” hoặc “cứ để đấy sẽ xem xét”. Làm không lương cho một chi nhánh ngân hàng 3 tháng trời mà không một lời hứa hẹn, Nga đâm nản. Chả lẽ có bằng cử nhân mà phải ở nhà phụ bố mẹ bán bia hơi không đành nên Nga mang hồ sơ sang bên kia đường, xin vào công ty. Trong lúc phỏng vấn, Nga thật thà bảo rằng mình vừa tốt nghiệp đại học, đang chờ xin việc làm. Không ngờ chị trưởng phòng nhân sự lắc đầu:

- Cử nhân à? Thế thì bạn chẳng làm công nhân ở đây được đâu.

Nga thắc mắc:

- Em không hiểu?

- Thế này nhé! Tôi khuyên bạn lần sau đến công ty khác xin làm công nhân thì nên giấu cái bằng đại học đi.

Sau buổi phỏng vấn đó, Nga buồn rầu cất tấm bằng đại học vào góc tủ rồi xin vào làm công nhân ở công ty điện tử. Thằng Quang coi thường chị ra mặt. Trước kia nó ngưỡng mộ chị Nga bao nhiêu thì bây giờ nó thấy chị nó tầm thường bấy nhiêu. Cuối cùng chị Nga cũng chỉ làm công nhân như mấy đứa bạn gái của nó không thi đỗ vào cấp ba.

Từ ngày chuyển nhà ra khu phố mới, thằng Quang được cử vào làng ngủ với ông nội để trông nom ông lúc trái gió trở trời. Nó càng tự do làm theo ý thích của mình mà không bị bố mẹ giám sát. Nó thức cả đêm chơi game hay chát với bạn cũng không bị bố mẹ phát hiện. Cô giáo chủ nhiệm đã cảnh báo nhiều lần vì nó hay trốn học nhưng anh Khoa, chị Thúy mải bán hàng, không có thời gian theo dõi thằng con quý tử. Anh chị chỉ nhắc nhở qua quýt vì nghĩ nó thích chơi điện tử, cứ để nó chơi chán thì thôi, chứ nhiều đứa càng bị bố mẹ cấm đoán thì nó càng vụng trộm. Đùng một cái, người ta đến nhà bắt đền vì nó mượn xe đạp điện của bạn mang đi cắm. Chị Thúy cứ nước mắt ngắn nước mắt dài rền rĩ:

- Trời ơi! Con ơi là con! Sướng không biết đường sướng. Nói thật với mẹ đi! Con cắm xe lấy tiền làm gì?

Thằng Quang vùng vằng:

- Bố mẹ có bao giờ thèm quan tâm đến con đâu. Lúc nào cũng kiếm tiền, kiếm tiền...

Anh Khoa nổi nóng, tát nó một cái trời giáng:

- Không kiếm tiền thì lấy gì mà đổ vào mồm. Đã thế không du học gì hết! Cứ giao cho công an người ta xử mày.

Dường như thằng Quang đã biết sợ. Nó vừa ôm mặt nức nở vừa van nài mẹ:

- Mẹ cứu con! Con biết con sai rồi! Con thua cá cược. Con chỉ định mượn bạn mấy hôm.

Chuộc cái xe đạp điện về trả cho bạn thằng Quang và xin lỗi gia đình người ta xong, anh Khoa và chị Thúy đưa con trai đi xét nghiệm xem nó đã sử dụng ma túy chưa. Kết quả âm tính khiến anh chị như trút được gánh nặng trong lòng. Chị tự trách bản thân mình bấy lâu nay cứ cuốn vào công việc mà không để mắt tới con. Nó đang ở lứa tuổi dễ bị cám dỗ, sa ngã bởi những cạm bẫy đầy rẫy xung quanh, không thể lường hết được. Còn anh thì trầm ngâm như đang tính toán, dự liệu cho tương lai của nó.

Vừa về đến nhà, ông Bản đã hớt hải chạy sang:

- Anh Khoa ơi! Anh Khoa ơi! Biết gì chưa? Có chuyện rồi.

- Chuyện gì thế hả bác? - hai vợ chồng anh Khoa cùng lên tiếng một lúc.

Ông Bản hạ giọng, thì thào:

- Này! Tôi bảo! Chị Quyên vừa bị công an bắt. Tội môi giới mại dâm.

Chị Thúy sửng sốt:

- Sao lại như thế được? Cháu tưởng cô ấy chỉ bán cà phê và nước giải khát, lại có chồng ở Hàn Quốc, thiếu gì tiền mà phải làm cái việc phạm pháp ấy.

Ông Bản thủng thẳng:

- Ở đời ai học được chữ ngờ. Thằng Tươi cũng vừa bị công an tóm gọn đúng lúc đang ghi đề đấy. Phen này thì phải vào nhà đá chứ chẳng chơi.

Anh Khoa gật gù:

- Bác nói phải đấy.

- À này! Cụ Thà bị ngã phải đi viện cấp cứu. Anh chị có vào thăm thì vào. Khổ thân! Con cháu đi công ty hết, ốm đau cũng một thân một mình, lần sờ thế nào mà ngã trong nhà tắm, gãy cả xương sườn.

Anh Khoa chột dạ:

- Ấy chết! Lâu rồi cháu không vào làng nên không biết.

Bây giờ anh Khoa mới quan sát làng Mộc từ xa. Đúng là từ ngày có con đường liên tỉnh chạy qua Đồng Mắm, làng Mộc cũng thay da đổi thịt. Nhiều ngôi biệt thự đua nhau mọc lên. Các dịch vụ, quán xá xuất hiện khắp thôn cùng ngõ hẻm. Tiếng nhạc ở các quán karaoke vọng ra còn to hơn cả tiếng loa truyền thanh trên cái cột điện đầu làng. Trong mỗi ngôi nhà, toàn thấy người già và trẻ con bởi thanh niên thì đi xuất khẩu lao động, ai không đi được thì tụ tập chơi bài, chọc bi-a, hát hò, nhậu nhẹt. Phụ nữ đi làm công ty cả ngày, cuối tuần cũng tăng ca.

Nhìn thấy anh Khoa từ ngoài cửa ông cụ Khóa đã cất tiếng oang oang:

- Khoa đấy hả? Thằng Tươi bị bắt lúc đang ghi đề đấy. Liệu mà làm ăn.

- Ông cũng biết sao? - anh Khoa ngạc nhiên.

- Ôi dào! Cái làng Mộc bé tí tẹo, chuyện gì mà họ chả đồn ầm lên. Cụ Thà đi viện nhưng con cháu tị nạnh, phân chia từng ngày. Thằng Hào con ông Đồng nghiện chơi game đến mức bố bắt được thì đánh cả bố chảy máu mũi, chuyện con bé Ngọc - con gái cái Ngà đã ba tuổi mà không biết nói vì suốt ngày làm bạn với cái ti vi... - ông cụ Khóa kể một thôi một hồi rồi chép miệng: - Anh chị làm gì thì làm, để ý đến hai đứa con đấy. Xã hội bây giờ nhiều tệ nạn lắm.

Suốt đêm hôm ấy, anh Khoa trằn trọc, lo lắng cho tương lai của cái Nga và thằng Quang. Trong những dự định sắp tới, anh muốn con gái được làm công việc đúng chuyên ngành nó học, muốn thằng Quang đi nghĩa vụ quân sự để nó cứng cáp và trưởng thành. Còn cái tâm nguyện của cha anh nữa. Ông cụ bảo: “Không thể vì một con đường mới chạy qua mà những gì thuộc về truyền thống lại bị mai một dễ dàng như thế được”. Anh sẽ tiếp tục bán bia hay tìm cách khôi phục nghề mộc truyền thống của làng bao đời nay. Một mình anh, anh sợ mình không kham nổi.

Truyện ngắn của TRẦN THÚY LÀNH