Ký ức
Các em viết - Ngày đăng : 10:05, 18/09/2017
Mưa đang rơi, những hạt mưa như mang trả lại cho tôi một nỗi nhớ dài lê thê. Trên tay tôi là bức ảnh tôi chụp chung với bố mẹ và đứa em gái đang nở nụ cười tươi rói. Nhìn bức ảnh gia đình nhỏ một thời hạnh phúc, ấm êm mà khóe mắt tôi cay xè.
Nhà tôi có hai chị em, tôi tên Hoài còn em tôi tên Thương. Cả hai cái tên đó đều do bố tôi đặt. Nhưng yêu thương, hạnh phúc chẳng được bao lâu thì những biến cố liên tiếp ập xuống khiến tổ ấm nhỏ của bốn người bị rạn nứt. Bố tôi không chỉ nghiện rượu mà còn cờ bạc. Nợ nần chồng chất khiến mẹ tôi lúc nào cũng thiếu trước hụt sau. Những trận cãi vã giữa bố và mẹ liên tiếp xảy ra. Lúc đầu mẹ còn giữ ý, đóng chặt cửa phòng không cho chị em tôi chứng kiến nhưng những tiếng đay nghiến, những âm thanh bồm bộp vẫn lọt qua khe cửa.
Dần dà, mẹ không giữ ý gì nữa, những trận cãi vã xảy ra như cơm bữa, ngay bên mâm cơm. Chị em tôi không ít lần ăn cơm chan nước mắt. Mẹ mắc chứng mất ngủ, hai quầng mắt thâm sì, người gầy rộc.
Đến một ngày, những người cho vay nặng lãi đến tận nhà tôi xiết nợ. Bố trốn chui trốn lủi không được bèn dứt áo ra đi, bỏ mặc ba mẹ con tôi xoay xở. Một hai năm bố tôi mới gửi về nhà được một lá thư mà trong đó có vài dòng ngắn ngủi, cộc lốc, thông báo qua loa tình hình sức khỏe, công việc làm thuê làm mướn ở trong Nam. Nhưng mỗi lần đọc thư của bố, mẹ đều khóc. Mẹ khóc nhiều lắm.
Ngày bố tôi mới bỏ đi, nhà tôi nghèo lắm. Mọi chi tiêu trong gia đình đều bị giới hạn vì hai từ “nợ nần”. Trước khi đi, bố tôi để lại món nợ lớn với những người cho vay nặng lãi. Lắm lúc tôi lén nhìn vào phòng, bắt gặp mẹ khóc, bàn tay chai sần của mẹ vừa lật từng tờ tiền trên tay vừa lẩm bẩm đếm “một... hai... ba…”. Ai cũng biết cái nghề sắt vụn chả cao sang gì, một hai nghìn lẻ cũng quý như hạt gạo vậy. Có lần đám người cho vay còn đến tận nhà tôi xiết nợ. Có vật dụng gì đáng giá họ khuân đi hết. Mẹ con tôi chỉ biết đứng nhìn bất lực. Bao lời lẽ cay nghiệt tôi đều nhớ, không sót một từ nào. Mỗi lần như thế tôi và mẹ ôm lấy nhau, an ủi động viên để cùng vượt qua sóng gió. Và qua những lần ấy tôi càng thấy Thương chẳng quan tâm gì đến mẹ. Tôi cũng nhận ra nó rất ít khóc. Nhiều lúc nó bị ngã, sứt tay sứt chân mà mặt nó vẫn tỉnh bơ, chỉ than vài lời “em đau quá” hay “thế này lại có sẹo rồi”. Tôi cũng chỉ nghĩ “chắc nó có trái tim sắt đá”. Cả ngày nó cứ núp mình trong phòng đến tối mới ló mặt ra ăn cơm. Nó đã không thèm an ủi mẹ lại thêm nếm vào mấy câu làm mẹ đau lòng.
- Khóc cũng chả giải quyết được gì. Tại sao mẹ với chị cứ lấy nước mắt để sống vậy?
Mỗi lần như thế, tôi phải nhẫn nhịn lắm mới không dùng bạo lực với nó. Tôi chỉ im lặng, hít thật sâu, dồn cảm xúc vào bên trong. Mẹ thì nhẹ nhàng phớt lờ:
- Thôi ăn đi rồi còn đi học.
Hình như dần dần mẹ đã quen với sự thiếu vắng của người đàn ông trụ cột trong gia đình. Mẹ vui vẻ trở lại, gương mặt không còn u sầu như trước nữa. Các khoản nợ nần mà bố tôi để lại, mẹ đã gò lưng trả hết. Trông mẹ đã có da có thịt. Đúng lúc ấy, bố trở về, cũng đột ngột như ngày bố ra đi. Mẹ sững sờ, tôi và Thương chỉ biết nhìn bố từ xa chứ không dám và không muốn chạy lại ôm chầm lấy bố. Chúng tôi đã quen với sự thiếu vắng bố bao nhiêu năm nay. Vì vậy, mọi biểu hiện của tình cảm bây giờ đều trở nên gượng gạo.
Ngần ấy năm bố lang bạt quê người, làm đủ mọi nghề để sinh sống và mong có ngày trở về xin lỗi mẹ con tôi. Cái ngày ấy đã đến. Nhưng lòng mẹ dường như đã nguội lạnh. Ngoài kia, mưa vẫn rơi rả rích, tấm ảnh gia đình trên tay tôi như nhòa mờ. Thì ra tôi đã khóc từ bao giờ. Mẹ đặt bàn tay lên vai tôi: “Nín đi! Mẹ cần có thời gian”. Tôi ước gì, thời gian sẽ xóa đi vết thương lòng của mẹ, thời gian sẽ mang đi những ký ức buồn của chị em tôi. Ước gì chúng tôi sẽ có một gia đình trọn vẹn.
PHẠM THỊ KHÁNH DƯƠNG(Lớp 12E, Trường THPT Nam Sách)