Biết người, biết ta
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 14:44, 18/09/2017
Đây là lần đầu tiên một bảng xếp hạng các CSGDĐH được công bố. Có 44 trường đại học và 5 học viện trong nước được đánh giá, xếp hạng. Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam lần lượt đứng thứ nhất, thứ 2 và thứ 3 bảng xếp hạng. Đứng cuối bảng xếp hạng là Học viện Ngân hàng, Trường Đại học Văn hóa và Trường Đại học Y, dược Hải Phòng. Phần lớn số liệu phục vụ cho việc xếp hạng được nhóm nghiên cứu thu thập vào năm 2016.
Có 3 vấn đề đáng quan tâm xung quanh dư luận về bảng xếp hạng CSGDĐH.
Thứ nhất, dù còn nhiều ý kiến đa chiều về bảng xếp hạng song phần lớn các ý kiến đều thống nhất rằng xếp hạng các CSGDĐH là cần thiết. Việc công bố bảng xếp hạng là một kênh tham khảo hữu ích để các CSGDĐH “biết người, biết ta”, làm cơ sở để phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm, vươn lên cạnh tranh với các cơ sở khác. Đây cũng là một căn cứ để Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá chất lượng các CSGDĐH, từ đó hoạch định chính sách phát triển giáo dục đại học. Các bậc phụ huynh và học sinh cần biết thứ tự xếp hạng để lựa chọn thi vào trường nào. Nhìn vào bảng xếp hạng, các tổ chức muốn tuyển dụng nhân lực dễ dàng để tuyển chọn nguồn lao động phù hợp cho mình.
Thứ hai, kết quả xếp hạng làm nhiều người bất ngờ vì có vẻ ngược hẳn với cách nhìn nhận tồn tại nhiều năm qua. Đại diện nhiều trường đã phản hồi, thậm chí có ý kiến không đồng tình với kết quả xếp hạng. Từ nhiều năm qua, các Trường Đại học: Y Hà Nội, Dược Hà Nội, Ngoại thương vẫn được nhiều người đánh giá là thuộc top đại học có chất lượng giáo dục hàng đầu Việt Nam vì số điểm trúng tuyển đầu vào cao, nhiều sinh viên ra trường tìm được việc làm với mức lương tốt. Tuy nhiên, theo bảng xếp hạng vừa công bố, Trường Đại học Y Hà Nội chỉ đứng thứ 20, Trường Đại học Ngoại thương xếp thứ 23, Trường Đại học Dược Hà Nội xếp thứ 35. Ngược lại, một số trường đại học dường như không được đánh giá cao trong những năm qua lại có thứ hạng cao trong bảng xếp hạng như Trường Đại học Tôn Đức Thắng (xếp thứ 2), Trường Đại học Duy Tân (xếp thứ 9).
Khách quan mà nói, dù còn một số thiếu sót, hạn chế nhỏ mang tính kỹ thuật như chính nhóm nghiên cứu tự nhận song nhìn tổng thể cách thức thực hiện xếp hạng các CSGDĐH bảo đảm tính độc lập, khách quan và độ tin cậy. Số điểm, thứ tự xếp hạng các CSGDĐH đều được tính toán, định lượng bằng nhiều tiêu chí trên cơ sở khoa học. Nhóm nghiên cứu đưa ra quan niệm đánh giá chất lượng các CSGDĐH tiến bộ, phù hợp với xu thế đánh giá chung của quốc tế.
Thứ ba, việc đến nay mới có một nhóm nhà nghiên cứu độc lập công bố bảng xếp hạng các CSGDĐH ở Việt Nam là quá muộn. Từ lâu, nhiều nước trên thế giới đã thực hiện việc này. Cơ sở pháp lý để xếp hạng CSGDĐH đã có từ nhiều năm qua (Điều 9 Luật Giáo dục đại học năm 2012 và Nghị định 73/2015/NĐ-CP), song đến nay việc thực thi gần như dậm chân tại chỗ.
Những nỗ lực của nhóm nghiên cứu rất đáng trân trọng. Dù quá trình thực hiện gặp khó khăn do một số trường không hợp tác song nhóm đã làm vì trách nhiệm và tâm huyết, muốn góp phần đổi mới giáo dục đại học nước nhà. Như nhóm nghiên cứu đánh giá, việc xếp hạng lần này vẫn chưa tiến hành được ở tất cả các CSGDĐH vì nhiều lý do khác nhau. Nhóm nghiên cứu hy vọng thời gian tới Việt Nam sẽ có thêm những bảng xếp hạng toàn diện hơn, chất lượng hơn. Muốn làm được việc đó, rất cần sự vào cuộc tích cực của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các CSGDĐH.
TÍCH LỊCH HỎA