Lựa chọn những việc phức tạp để kiểm tra, giám sát công tác cải cách tư pháp
Tin tức - Ngày đăng : 17:30, 19/09/2017
Đồng chí Vũ Văn Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh chủ trì buổi làm việc
Sáng 19.9, đồng chí Vũ Văn Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp (CCTP) tỉnh chủ trì buổi làm việc với Thành ủy Hải Dương về kết quả thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2.6.2005 của Bộ Chính trị về chiến lược CCTP đến năm 2020 và Kết luận số 92-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49. Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Lê Văn Hiệu, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Phó Ban Thường trực Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh; Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vũ Văn Sơn đánh giá cao công tác CCTP của TP Hải Dương. Thời gian qua, thành phố đã làm tốt công tác quán triệt, triển khai, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương về Chiến lược CCTP. Hoạt động của các cơ quan tư pháp thành phố có nhiều đổi mới. Công tác phối hợp giữa các cơ quan tư pháp chặt chẽ, hiệu quả hơn, đặc biệt là phối hợp tốt trong lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các vụ án hình sự trọng điểm, tội phạm về ma túy, tệ nạn xã hội. Công tác xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp luôn được quan tâm chỉ đạo thực hiện kịp thời. Công tác giám sát của HĐND đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp được duy trì thường xuyên…
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng chỉ rõ một số hạn chế của TP Hải Dương trong thực hiện Chiến lược CCTP. Đó là hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm có mặt còn hạn chế; tiến độ điều tra, xử lý một số vụ án còn chậm, nhất là các vụ án được dư luận xã hội quan tâm. Hiệu quả công tác giám sát của cơ quan dân cử, MTTQ và các đoàn thể nhân dân đối với hoạt động tư pháp còn thấp.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị trong thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Thành ủy Hải Dương cần phát huy những kết quả đã đạt được; khắc phục những hạn chế; tiếp tục triển khai thực hiện các mục tiêu, quan điểm, phương hướng CCTP được nêu trong Nghị quyết số 49 và Kết luận số 92, các kế hoạch và chương trình thực hiện CCTP của tỉnh. Thực hiện nghiêm cơ chế lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương về phòng chống tội phạm và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp; xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện nghiêm các quy trình, quy chế làm việc, quy chế phối hợp trong từng ngành và liên ngành nhằm thực hiện tốt công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp, bảo đảm pháp luật được thực thi nghiêm minh; kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn những sai phạm trong hoạt động tư pháp, bổ trợ tư pháp. Chú ý lựa chọn những việc trọng tâm, trọng điểm, những việc phức tạp nhạy cảm để kiểm tra, giám sát. Thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quan tâm giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên trong các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp; xây dựng, thực hiện chuẩn mực đạo đức cán bộ các cơ quan tư pháp... Tiếp tục rà soát, kiện toàn bộ máy, tổ chức các cơ quan tư pháp của thành phố; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp có đủ trình độ, năng lực thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao; thực hiện tốt việc luân chuyển, điều động cán bộ, đáp ứng yêu cầu công việc.
PV