Quốc lộ 5: Đường kém, phí cao

Tin tức - Ngày đăng : 05:08, 20/09/2017

Quốc lộ 5 Hà Nội - Hải Phòng, trong đó có đoạn qua Hải Dương dài khoảng 44km, đang ngày càng xuống cấp...



Nhiều đoạn quốc lộ 5 qua địa bàn Hải Dương đã bị hằn lún vệt bánh xe


Đường xuống cấp

Anh Phạm Văn Thóa ở thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng) có chiếc ô tô con 34A-170.24 chủ yếu chở khách đi Hà Nội. Mỗi chuyến xe từ thị trấn Lai Cách đến Hà Nội và ngược lại anh chỉ mất khoảng 150.000 đồng tiền xăng. Nhưng hai lượt qua lại trạm thu phí số1 đoạn huyện Văn Lâm (Hưng Yên) phải trả 80.000 đồng. "Nếu chất lượng đường tốt thì lái xe không thắc mắc gì, nhưng đường xấu mà vẫn phải trả phí cao thì chúng tôi không đồng tình. Mặt đường xấu không chỉ gây khó khăn, nguy hiểm cho việc đi lại mà còn làm xe nhanh hư hỏng", anh Thóa nói.

Rất nhiều lái xe cũng có thắc mắc như trên khi phải trả phí cao nhưng đi trên tuyến đường chất lượng thấp. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến thời gian qua nhiều lái xe phản đối bằng cách dùng tiền lẻ mua vé qua trạm thu phí.

Đầu phía tây TP Hải Dương, đoạn nút giao đường Nguyễn Lương Bằng với QL5 từ lâu xuất hiện một vệt hằn lún bánh xe dài hàng trăm mét. Từ đường Nguyễn Lương Bằng đi ra, nhập làn vào QL5, nếu lái xe không quen đường rất dễ bị chao tay lái, dễ tai nạn. Không chỉ đoạn này, mặt QL5 qua địa bàn Hải Dương suốt từ huyện Bình Giang (giáp tỉnh Hưng Yên) đến hết địa phận huyện Kim Thành (giáp TP Hải Phòng) các vệt hằn lún bánh xe xuất hiện liên tiếp. Mặt đường không đồng cấp ở tất cả các làn xe đã ảnh hưởng lớn đến việc đi lại.

Khảo sát các địa điểm thường xảy ra tai nạn giao thông trên QL5 của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Công an tỉnh) cho thấy chất lượng mặt đường xuống cấp là một trong những nguyên nhân gây tai nạn. Càng gần những đoạn QL5 đấu nối với đường khác thì tình trạng mặt đường xuống cấp càng nhiều. Do chậm được cải tạo, sửa chữa nên khi trời nắng nóng kết cấu nhựa co giãn làm mặt đường biến dạng. Khi trời mưa, mặt đường đọng nước, thẩm thấu, đường càng nhanh hỏng.

Sửa chữa kiểu "nhỏ giọt"



VIDIFI chỉ sửa chữa nhỏ mặt quốc lộ 5 nhưng tiến hành rất chậm chạp


Cách đây hơn 1 năm, Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) được giao quản lý, khai thác QL5. Doanh nghiệp cũng được Chính phủ đồng ý tiếp tục thu phí để thu hồi vốn đã đầu tư đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Trả lời một số phóng viên, ông Nguyễn Hoàng Việt, Giám đốc Ban Quản lý dự án sửa chữa và nâng cấp QL5 (VIDIFI) cho biết khi nhận quản lý QL5, doanh nghiệp đã thuê tư vấn lập phương án sửa chữa. Mặt QL5 đã hư hỏng tới 60%, chủ yếu là hằn lún vệt bánh xe. Theo phương án đại tu, VIDIFI sẽ chi khoảng 2.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 khoảng 840 tỷ đồng. Nếu phương án sửa chữa được thông qua, dự kiến cuối năm nay và quý I.2018, VIDIFI sẽ nâng cấp tuyến đường.

Trước đó, do mặt QL5 đã hư hỏng nhiều nên VIDIFI tổ chức sửa chữa nhỏ, nhưng khối lượng không nhiều và thực hiện rất "nhỏ giọt". Ở nhiều đoạn xuống cấp nghiêm trọng, đơn vị quản lý chỉ cào lớp nhựa mặt đường để trải lượt nhựa mới. Do chỉ là giải pháp tình thế nên nhiều chỗ vừa cải tạo chưa lâu đã tiếp tục xuống cấp như mặt cầu Đồng Niên (TP Hải Dương), đoạn qua thị trấn Lai Cách...

Ông Phạm Văn Phượng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, sở đã nhiều lần tham mưu cho UBND tỉnh yêu cầu VIDIFI khắc phục mặt QL5 xuống cấp, hằn lún vệt bánh xe. Tuy nhiên, doanh nghiệp rất chậm cải tạo, sửa chữa. Đây là nguyên nhân khiến tình hình trật tự, an toàn giao thông trên tuyến đường huyết mạch qua Hải Dương thêm phần phức tạp, luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. "Ngày 12.9 vừa qua, Sở GTVT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh yêu cầu VIDIFI khẩn trương xin phép cơ quan chức năng để sửa chữa các đoạn hằn lún vệt bánh xe trên mặt QL5, đồng thời bổ sung báo hiệu, sơn vạch kẻ đường, lắp đặt đèn tín hiệu", ông Phượng nói.

Với chức năng quản lý, khai thác QL5, VIDIFI cần thể hiện rõ trách nhiệm trong cải tạo, sửa chữa tuyến đường.

TIẾN HUY


Theo Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 49/2016/TT-BGTVT ngày 30.12.2016 của Bộ trưởng Giao thông vận tải thì các vi phạm chất lượng bảo trì nếu không được xử lý kịp thời phải tạm dừng thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ để khắc phục. Đó là: quốc lộ, đường tỉnh mà mặt đường bị hằn lún vệt bánh xe từ 20% chiều dài trở lên, trong đó vị trí lún sâu từ 2,5 cm trở lên. Tuyến đường có tổng chiều dài các vệt lún sâu từ 2,5 cm trở lên lớn hơn 500 m, trong đó có một số vị trí lún sâu từ 5 cm trở lên. Tuyến đường có tổng chiều dài các vệt lún sâu từ 5 cm trở lên trên 200 m...

Đối với các vi phạm trên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc đơn vị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ủy quyền có văn bản nhắc nhở nhưng nhà đầu tư dự án chưa thực hiện hoặc thực hiện chậm sẽ xem xét tạm dừng thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ.