Vượt qua nỗi đau da cam, vươn lên làm giàu
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 09:02, 21/09/2017
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Tuý không đầu hàng khó khăn, vươn lên thành một điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Túy đã chiến thắng bệnh tật, vươn lên thành một điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế
Mang trong mình chất độc da cam, cả 3 người con đều chịu di chứng của thứ chất độc đáng sợ ấy, nhưng cựu chiến binh Nguyễn Văn Tuý, sinh năm 1957, ở xóm 8, thôn Lại Xá 2, xã Thanh Thuỷ (Thanh Hà) đã không đầu hàng khó khăn, vươn lên thành một điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế.
Nỗi đau chồng chất
Ông Tuý lên đường nhập ngũ năm 1974. Ông từng tham gia Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông chuyển về Trung đoàn 716, Sư đoàn 333 (Quân khu 5). Từ năm 1976 - 1982, ông đóng quân tại huyện Krông Búk (Đắk Lắk), cùng đồng đội khai phá rừng hoang, đất trống để lập vùng kinh tế mới, giúp nhân dân đóng gạch, xẻ gỗ, làm nhà… Ông bị nhiễm chất độc da cam từ thời điểm đó.
Năm 1982, ông Túy xuất ngũ trở về quê hương. Năm 1984, tích lũy được ít vốn, ông mua hơn 1 sào đất để dựng tạm ngôi nhà rồi xây dựng gia đình. Những tưởng cuộc sống tảo tần của vợ chồng ông cứ thế trôi đi, nhưng nỗi bất hạnh đã ập xuống gia đình khi cả 3 người con sinh ra đều phát triển không bình thường. Con gái lớn sinh năm 1986, ngay từ khi còn nhỏ đã thường xuyên bị mẩn ngứa, lở loét, phải dùng thuốc. Con trai thứ hai sinh năm 1988 bị mắc bệnh Down, đã gần 30 tuổi mà vẫn ngơ ngác như một đứa trẻ, đau ốm liên miên. Cô con gái út cũng chậm chạp.
Sau những năm tháng vất vả chăm sóc, nuôi dưỡng, hai cô con gái của ông học xong lớp 12 rồi đến tuổi lấy chồng, nhưng đám trai làng biết được hoàn cảnh gia đình nên không ai dám ngỏ ý. Hai người đã phải bỏ quê hương, đi lập nghiệp và xây dựng gia đình tận Sơn La.
Một lần nữa bất hạnh lại đến với cuộc đời ông. “Vào đúng ngày 27.7.2016, trong lúc đang điều dưỡng tại thị xã Chí Linh, khi khám cho tôi, các bác sĩ phát hiện tôi bị ung thư gan. Kiểm tra tại Bệnh viện K Hà Nội, các bác sĩ kết luận khối u của tôi đã ở giai đoạn cuối, không thể phẫu thuật và bảo tôi chỉ có thể sống được vài tháng nữa. Lúc đó, tôi vẫn khá bình tĩnh, các bác sĩ bảo ông không sợ chết à? Tôi trả lời, cuộc đời tôi đã quá nhiều khổ đau rồi, cái chết đối với tôi cũng là điều rất bình thường”, ông Túy nhớ lại.
Không đầu hàng
Câu chuyện trong hành trình trở thành một tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế của ông cũng gian nan không kém. Khi mới lập gia đình, trong tay ông không có một tấc đất nào dành cho sản xuất. Đến năm Nhà nước chia lại ruộng, vợ chồng ông dành hết vốn liếng để mua thêm đất canh tác. Từ vài sào ruộng cấy, sau nhiều năm tích tụ, gia đình ông đã có trên 1 mẫu. Ông lập vườn trồng vải, trồng chuối và đào ao thả cá để tăng thêm thu nhập. Thấy nhiều ruộng đất trong thôn bỏ hoang, ông thuê lại để cải tạo trồng cây ăn quả.
Với mong muốn vượt qua đói nghèo, ông Tuý đã không quản ngại nắng mưa, vất vả ngày đêm gắn bó với vườn cây, ao cá. Ông chia sẻ: “Nhiều lúc mệt mỏi lắm nhưng tôi không cho phép mình gục ngã. Cứ nghĩ đến đàn con thơ dại tôi lại càng gắng gượng bước tiếp. Bom đạn chiến tranh còn không làm mình sờn lòng thì những nhọc nhằn này của cuộc sống lẽ nào mình lại đầu hàng”.
Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và số tiền 10 triệu đồng hỗ trợ không lấy lãi của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, ông đã có thêm điều kiện để mở rộng sản xuất. Sau hơn 20 năm vất vả, đến nay gia đình ông đã có 5 mẫu vườn trồng vải, chuối, táo, quất cảnh và gần 1 mẫu ao thả cá, mỗi năm cho thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng, tạo việc làm cho một số lao động thời vụ của địa phương.
Cuộc sống đỡ vất vả hơn xưa, ông có điều kiện sửa lại ngôi nhà cũ, mua sắm thêm nhiều đồ dùng phục vụ cuộc sống. Tưởng rằng căn bệnh ung thư gan giai đoạn cuối cướp đi sinh mạng của ông từ lâu, nhưng nhờ gặp thầy, gặp thuốc và tinh thần lạc quan, hơn 1 năm qua ông vẫn sống chung với nó.
Không chỉ tích cực lao động sản xuất, ông Túy còn hăng hái tham gia các phong trào của địa phương. Hiện ông đang là Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Thanh Thuỷ. Ông luôn đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới; thường xuyên hỗ trợ những hội viên cùng cảnh ngộ về giống, vốn, kinh nghiệm sản xuất.
ĐỨC ANH