Khi "thần chết" methanol gọi tên
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 09:38, 22/09/2017
Liên tiếp các vụ ngộ độc rượu xảy ra dù các cơ quan chức năng, các địa phương đã liên tục cảnh báo và tổ chức kiểm tra, kiểm soát. Nghiêm trọng nhất là vụ ngộ độc rượu xảy ra tại một đám hiếu ở huyện Phong Thổ (Lai Châu) làm 9 người chết, hơn 20 người phải cấp cứu. Không chỉ ở vùng núi, nơi người dân còn thiếu hiểu biết mà ngay sau đó "thần chết" mang tên methanol còn sờ gáy cả những người dân ngay ở Thủ đô Hà Nội. Gần đây, tưởng đã êm êm thì ngày 7.9 vừa qua lại có thêm các nạn nhân mới. Đáng chú ý là trong số đó có một nạn nhân nam 49 tuổi người Hải Dương. Người này được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trong tình trạng hôn mê, tổn thương não, huyết áp tụt (nồng độ methanol trong máu là 132,6 mg/dL). Do tình trạng nhiễm độc quá nặng nên cuối cùng các bác sĩ cũng không cứu được.
Như vậy, từ đầu năm đến nay đã có 48 ca ngộ độc rượu có hàm lượng methanol cấp cứu tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai. Con số này bằng tổng số bệnh nhân bị ngộ độc rượu của cả năm 2016. Các chuyên gia y tế cảnh báo, ngộ độc rượu có hàm lượng methanol có tỷ lệ tử vong cao, lên đến 20-30%, nếu điều trị được cũng rất tốn kém, đa phần bệnh nhân đều bị di chứng thần kinh kéo dài, mù mắt.
Xưa nay, hình ảnh những con "sâu" rượu, những mảnh đời bi bét vì rượu luôn là câu chuyện nhức nhối của xã hội. Không ít gia đình tan nát vì những người chồng, người cha nát rượu, không ít vụ án mạng xảy ra liên quan đến những kẻ say rượu không kiểm soát được hành vi...
Ấy thế nhưng rượu vẫn cứ mặc nhiên hiện diện trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Vui người ta uống rượu để chúc mừng. Buồn thì mượn rượu giải sầu. Rượu là thức uống không thể thiếu trên mỗi bữa cỗ, bàn tiệc từ đám cưới, sinh nhật, đám tân gia, mừng lên chức, mừng con đầy tháng... Thậm chí chẳng cần có lý do thì trên bàn ăn của không ít gia đình cũng phải có tí cay cay nếu không lại nhạt mồm nhạt miệng.
Nhưng vấn đề ở chỗ, nhiều loại rượu trên thị trường hiện chưa thể kiểm soát được chất lượng, đặc biệt là rượu nấu thủ công. Theo Nghị định 94/2012/NĐ-CP của Chính phủ, khi phân cấp về địa phương, Sở Công thương chịu trách nhiệm cấp phép sản xuất rượu và bán hàng. Sở Y tế cấp phép quản lý chất lượng rượu. Quy định rõ ràng là vậy nhưng công tác cấp phép, quản lý sản xuất rượu tại địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn. Số liệu thống kê gần đây nhất, toàn tỉnh có khoảng 1.335 cơ sở sản xuất rượu thủ công nhưng thực tế có thể cao hơn nhiều. Trong đó mới có chưa đến chục cơ sở được cấp phép sản xuất.
Nguyên nhân do cơ chế phối hợp giữa Sở Công thương và Sở Y tế trong quản lý sản xuất, kinh doanh rượu thủ công chưa chặt chẽ. Đa số cơ sở sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh tập trung ở khu vực nông thôn, kết hợp việc nấu rượu với chăn nuôi lợn. Sản xuất rượu không mang tính chuyên nghiệp, dây chuyền thô sơ, quy mô nhỏ, chưa đáp ứng được các yêu cầu để cấp phép kinh doanh. Việc nắm bắt, quản lý các cơ sở nấu rượu của các địa phương còn lỏng lẻo... Điều này dẫn đến đa số các cơ sở hoạt động trái quy định. Rượu lưu hành trên thị trường không có nhãn mác, thông tin về sản phẩm, là kẽ hở để rượu giả trà trộn vào, tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc rượu rất cao.
Hiện đã bắt đầu bước vào mùa cưới hỏi. Cuối năm cũng là dịp nhiều gia đình khánh thành nhà mới, tổ chức tiệc tân gia, giỗ chạp... Có 1.001 lý do để mọi người tổ chức liên hoan, hội họp. Và đương nhiên cũng có cả ngàn lý do để nâng ly chúc tụng nhau... Không biết liệu "thần chết" mang tên methanol sẽ còn gọi tên những ai?
KIM THANH