Như cánh chim trời

Truyện ngắn - Ngày đăng : 13:39, 24/09/2017



Tôi hoàn toàn tuyệt vọng khi trước mặt là ba tên cướp to cao hùng hổ. Một mũi dao dí vào sườn tôi đau nhói. "Buông tay ra. Giấy tờ xe đâu?", tiếng một thằng rít trong kẽ răng. Người tôi run lên vì sợ, vì tiếc của. Công lao dành dụm mấy năm trời của cha mẹ mới mua được cho tôi vì thương con vất vả ngày hai buổi từ nhà trọ đến trường. Mới hơn 10 giờ đêm mà đường phố đã vắng ngắt. Ánh đèn đường từ xa lờ mờ như kẻ đồng lõa. Giá tôi có kêu chắc cũng không ai nghe thấy. Giờ này mọi người bắt đầu giấc ngủ sau một ngày lao động mệt mỏi. Tôi lắp bắp: "Em là sinh viên đi dạy thêm về, chẳng có tiền của gì. Xin các anh thương tình tha cho". "Tao không biết. Đừng có chống cự mà thiệt thân. Bỏ xe lại cùng giấy tờ rồi biến". Tôi luống cuống thò tay vào túi quần lấy giấy tờ xe. Có thể do tôi sợ quá mà chân tay cứ lập cập moi mãi không được. Một thằng vẻ sốt ruột, giằng tay tôi một cách thô bạo. Tôi á lên theo phản xạ tự nhiên. "Ê, mấy thằng cướp đường. Chúng bay giở trò gì vậy?". Một tiếng quát rất to từ phía sau bật lên. Tôi mừng rỡ như được hồi sinh. Ba thằng cướp cùng quay lại. Một bóng người đàn bà cao lớn, to mập, mặt bịt khăn như vừa dưới đất chui lên. Một tay chị kéo lê chiếc bao tải màu trắng, tay còn lại cầm thanh sắt dài. Một thằng cướp bước đến đưa tay lên như muốn túm ngực người đàn bà. Bỗng nó á lên đau đớn, nhăn nhó ôm cánh tay lùi lại, chửi tục. Thanh sắt trong tay người đàn bà vụt ngược. Hai thằng còn lại nhảy xổ về phía người đàn bà. "A... chúng mày định chơi nhau với bà hả?", tiếng chị gào rất to. Âm thanh chát chúa giữa đêm khuya như đánh thức mọi người. Đã có ánh đèn bật sáng cùng tiếng mở chốt cửa. Ba thằng cướp vội nhảy lên xe chạy.

Mọi việc xảy ra nhanh như đóng phim. Tôi đứng ngây như tượng gỗ, chả giúp được gì cho người đàn bà. Chị ta hỏi: "Cậu có mất gì không?". Nghe chị hỏi, tôi bừng tỉnh: "Dạ. Không ạ. Chỉ sợ thôi". Chị ta thản nhiên: "Mình là người ngay, sao phải sợ lũ cướp". Rồi tự nhiên chị càu nhàu: "Đi đâu về khuya thế? Sao lại chọn con đường tối tăm này mà đi?". Chị ta hỏi cứ như mẹ tôi. Ngày trước mỗi lần tôi về muộn mẹ tôi vẫn thường phiền trách như vậy. "Dạ. Em là sinh viên, mới thuê nhà giá rẻ ở đây". Nghe tôi trả lời, người đàn bà thở dài đánh sượt một cái. Chả hiểu vì sao chị thở dài. Chị chửi đổng: "Tiên sư cái quân giặc cướp". Nghe cái giọng oang oác chửi tục của chị thật chối tai. Tôi nhăn mặt. May được bóng đêm che khuất nên chị không nhìn thấy. Tôi cũng không dám phản ứng. Chị đang là ân nhân của tôi. Chị còn cẩn thận đưa tôi về tận căn nhà ở trọ. Trước khi về, chị bảo: "Cậu nên tìm chỗ khác mà thuê. Còn nếu không thì phải về sớm". Chừng như đủ yên tâm, chị hất mạnh cái bao lên vai, cúi nhặt thanh sắt, bước đi. Bóng chị khuất sau khúc quẹo đầu phố.

Tên chị là một loài chim: Chim Hét. Chị giải thích: "Nó cùng họ với cò với vạc đấy". Chị to khỏe như võ sĩ su mô, nặng trên 60 cân. Khuôn mặt tròn đầy, nước da màu đồng bãi, tóc hoe hoe ở đuôi, khô như rơm. Đi lại thình thịch. Chị luôn tự hào về cái dáng phốp pháp của mình. Ba chục tuổi. Lỡ làng về đường tình duyên. Nói năng bốp chát. Chửi tục dẻo và ngọt như văn công. Dọc phố tôi ở, ai cũng biết, cũng quý chị. Bề ngoài trông chị dữ dằn như bọn "xã hội đen", nhưng ẩn chứa bên trong là tấm lòng nhân ái hiếm hoi giữa thời buổi này. Từ ngày quen biết, chị trở thành người chị lớn thân thiết của tôi. Chị luôn tìm cách này, cách khác để giúp đỡ và che chở cho tôi, chàng sinh viên năm thứ hai đại học. Nhân một lần đèo chị đi ăn kem, tôi nhắc lại sự cố đêm ấy. Chị bảo: "Hôm đó không có tôi thì sẽ có người khác giúp cậu. Lăn tăn làm chi cho mệt óc. Quên nó đi". Chị cười khơ khớ. Tôi cũng cười: "Chị em mình quen nhau như một định mệnh. Dường như kiếp trước có duyên nợ chi đây?". "Cậu chỉ được cái khéo nói". Hôm ấy chị kể quê chị nghèo lắm. Năm mất mùa, người ta kéo nhau đi cả đàn cả lũ ra tỉnh... ăn mày. "Này đừng coi thường nghề ăn xin nhé. Khối người trở thành giàu có đấy. Họ xây nhà tầng hẳn hoi. Thế là đua nhau ra phố, thành luôn chuyên nghiệp". Chị kể chuyện buồn quê mình mà nét mặt tươi hơn hớn như đang kể về ai đó, mảnh đất xa lạ nào đó. Con gái làng chị chưa đầy 18 tuổi đã có người đưa trầu chạm ngõ. Chẳng ai ngó ngàng hỏi han đến chị. 25 tuổi coi như ế. Thầy u chửi chị suốt ngày. Không có chồng là một trọng tội. Chán chường, chị bỏ làng không một lời từ biệt. Hồi đầu ra phố, chị làm lung tung. Ai thuê gì làm nấy. Đói, tủi phận. Nhiều lúc tưởng không trụ nổi. Ngày thầy u qua đời, chị đảo về chịu tang, để lại cho các em tiền lo liệu mồ mả sau này, rồi lại đi. Người nhà không biết chị làm gì ngoài phố. Nhưng mọi người ở đây biết, tôi biết. Chị đi bới rác nhặt phế liệu hằng đêm.

Một tối muộn, chị ào vào nhà tôi, trên tay bưng toàn bọc là bọc. Chị hỉ hả: "Gớm, cái lũ người ấy nó ăn cướp hay sao mà ăn uống phung phí đến thế? Thừa thãi ê hề. Chị phải chờ chúng nó ăn xong vào lượm được khối thứ. Mang về cho lũ trẻ ăn mày ở cạnh nhà". Tôi khó chịu. Nhà tôi nghèo nhưng cái chuyện ăn cơm thừa canh cặn nghe chẳng lọt tai chút nào. Tôi không dám nói. Sợ chị giận. Đừng trông mặt mà bắt hình dong. Chị nhạy cảm và đầy lòng trắc ẩn với nỗi uẩn khúc của mỗi người. Tôi nhớ cái đận mình bị ốm. Chị lo lắm. Chị mang đến cho tôi một tô cháo nóng: "Ăn ngay cho nóng". Chị giục rối rít. Hình như chị bỏ dở công việc đang làm. Cái mùi rác hôi hôi ám vào người chị, khiến tôi chóng mặt hoa mày. Tôi bảo: "Chị cứ để đấy, tí nữa em ăn". Chị ngẩn người nhìn tôi. Dường như chị đọc được ý nghĩ của tôi. Chị ngoắt người bỏ đi. Tôi ân hận quá. Tôi phải xin lỗi nhiều lần, chị mới tha. Sau lần ấy, mỗi khi đi dạy thêm về, tôi đều lẽo đẽo dắt xe theo chân chị. Nhiều khi còn đèo giúp chị cái bao tải đầy những thứ hôi hám. Có lần tôi hỏi: "Chị không sợ à?". Chị rướn cặp lông mày sâu róm, hỏi lại: "Sợ gì?". Tôi lúng túng: "Sợ... sợ... người chẳng hạn". Giọng chị buồn buồn: "Chị vừa già vừa xấu. Ma cũng chẳng thèm". Tôi hít hà: "Em thấy chị còn hấp dẫn chán". Chị cười thật tươi: "Vậy hả?". Chao ơi. Ở đời mà nói dối để mang lại niềm vui cho người khác thì cũng nên nói dối lắm chứ.

Cái tin chị ốm khiến tôi đôi chút ngỡ ngàng. Một con người to khỏe, từ tấm bé đến lớn chưa hề biết mùi thuốc men là gì. Ấy là tôi thường nghe chị khoe thế. Giờ đây lại bị quật đổ vì một trận mưa nhỏ. Chả cứ gì tôi, những người bạn chị cũng nghĩ vậy. Họ báo cho tôi biết và trách: "Chị Hét lo liệu cho cậu đủ đường. Mà khi chị bệnh, cậu lại dửng dưng quá vậy?". Tôi chết điếng. Mấy ngày nay tôi bận quá. Sắp thi tốt nghiệp rồi. Công lao học tập 4 năm giời chỉ trông vào những ngày này. Trời ơi. Một người tốt bụng như chị tại sao ông trời lại đầy đọa như vậy? Có nhà, có quê hương mà không dám về. Có một đàn em mà không được chăm sóc. Rồi tôi lại nghĩ đến quan hệ giữa hai chị em ở chốn phồn hoa đầy ham muốn tầm thường.

Tôi quyết định nghỉ một buổi đến thăm chị. Một túi đựng trái cây, một cặp lồng cháo do tôi tự nấu. Chắc chị sẽ cảm động lắm. Hai năm nay chị chăm sóc tôi nhiều chứ nào tôi đã giúp chị được điều gì đâu. Tôi chỉ biết thụ hưởng mà không một lần suy nghĩ. Bởi tôi đã quá quen thuộc với những cái phổ biến và tư duy đơn giản. Chị vui vẻ khi nhìn thấy tôi bước vào. "Vào đi Bổng, khép hộ cái cửa. Gió quá". Chị nằm ngửa trên giường, người xẹp mỏng, mái tóc xơ cứng xổ tung, rối bời. Mới có vài ngày mà tưởng như chị ở một thế giới khác, một kiếp khác. Tôi lúng túng mở ngăn cặp lồng sẻ cháo ra bát. Mùi cháo thơm nhẹ tỏa ra gian nhà trọ tuềnh toàng. Tôi đỡ chị dậy ngồi tựa lưng vào tường, dỗ dành: "Chị ăn vài thìa lấy sức rồi uống thuốc. Em mua sẵn đây rồi". Mắt chị chớp chớp vẻ cảm động. Khi thìa cháo đầu tiên vừa đưa lên, chị nắm lấy cổ tay tôi. Mắt chị đau đáu rưng rưng. Lạ lắm. Như có lửa cháy rừng rực. Rất nhanh, tôi thấy chị rùng mình. Tay chị như có luồng điện cực mạnh. Nhanh lắm. Giọng chị khản đặc: "Bổng vất vả vì tôi quá". Tôi an ủi: "Ai chả có lúc như vầy". "Tôi thật có lỗi với Bổng". "Chị không có lỗi gì hết. Tại ông trời bỗng nhiên đổ mưa".

Mấy ngày liền tôi chẳng tập trung tư tưởng vào học tập. Thầy giáo phê bình, lớp trưởng nhắc nhở. Đầu óc tôi luôn nghĩ về chị Hét, nghĩ về những nét khác lạ của chị trong thời gian gần đây. Cái tình của chị mà tôi nhận được cũng lạ lắm. Lúc nó giống như người mẹ chăm con. Lúc lại như người chị chăm em. Lúc lại như người vợ chăm chồng. Tôi thật sự bàng hoàng khi đặt ra câu hỏi: "Phải chăng đó là tình yêu?". Cái cầm tay của chị đã nói lên điều ấy. Chỉ có tình yêu chân thật mới có cái run rẩy ấy. Trong cuộc sống mỗi người là biểu trưng cho một cái gì đó chưa biết tới. Và giống như sự sắp xếp mang tính quy luật tự nhiên: Cái gì chưa tròn sẽ đến lúc phải tròn. Cái gì thừa sẽ đến lúc phải bù cho cái thiếu. Từ lâu chị đã trở nên vô cùng cần thiết trong cuộc đời tôi. Đôi lúc ý tưởng của tôi còn đi xa hơn. Dường như kiếp trước chúng tôi bị chia lìa, bây giờ nó đã trở về đúng chỗ. Chị Hét không phải là con người khuôn mẫu trên phim ảnh, trên trang báo. Chị là con người bằng xương bằng thịt đã bị hiện thực lãng quên. Một con người bơ vơ côi cút. Chị quen sống trong môi trường không dựa cậy. Chỉ biết cho. Không cần nhận lại.

"Đi rồi. Đi từ tối hôm kia. Sao giờ cậu mới tới?". Tôi phải thanh minh với người báo tin rằng tôi bận thi tốt nghiệp. Thế là chị Hét đã bỏ tôi mà đi một cách lặng lẽ. Nhưng vì lý do gì? Người báo tin bảo tôi: "Vì cậu đó. Thật tiếc. Cầm vàng lại vứt bỏ". Vì tôi ư? Không thể vô lý như thế được. Tôi có lỗi gì đâu. Dường như hiểu tâm trạng tôi, chị ta bảo: "Chị Hét gửi cậu lá thư và cái gói này. Đọc đi sẽ rõ. Xin lỗi cậu, tôi đã xem trước". Tôi chới với lập cập mở lá thư không dán. Những dòng chữ nguệch ngoạc xiên xẹo hiện lên như kèm theo cả cái mùi hôi hôi của rác, tiếng cười sảng khoái, tiếng chửi tục dẻo và ngọt như văn công của chị. Trong thư chị khuyên tôi nên mau chóng rời bỏ chỗ trọ hiện đang ở. "Nơi này phức tạp lắm. Một người như Bổng không chóng thì muộn cũng sẽ bị cuốn vào. Trước khi đi, tôi gửi cho Bổng chút tiền dành dụm được. Mong Bổng cố gắng học hành. Tương lai đang rực sáng trước mặt". Cuối cùng chị mới nói nguyên nhân sự trốn chạy của mình: "Tôi yêu Bổng. Một tình yêu như đôi đũa lệch. Lệch về mọi phương diện. Tôi không có quyền phá hỏng tương lai của Bổng. Nhưng hãy tin rằng em luôn nhớ tới anh. Em yêu anh".

Tôi không hiểu vì sao, làm cách nào mà mình lại về được tới nhà trọ cùng chiếc xe máy. Những ngày tiếp theo, người tôi như không trọng lượng. Tâm trạng bồn chồn như mất vật gì quý giá. Bây giờ Hét của tôi đang ở đâu? Lòng tôi sẽ không bao giờ được yên ổn nếu tình yêu của Hét chưa được đáp đền. Tôi thầm mong một ngày nào đó được gặp lại Hét tay xách chiếc bao tải trắng, tay cầm thanh sắt. Để lại được nghe tiếng cười, tiếng chửi tục của Hét. Như định mệnh. Hẳn khi ấy quan hệ của chúng tôi sẽ khác. Khác hôm nay, hôm qua.

Cánh chim cô đơn ấy hiện đang bay ở phương trời nào?

Truyện ngắn của NGUYỄN SỸ ĐOÀN