Chí Trung: ‘Vợ không vui khi tôi làm Giám đốc nhà hát’
Xem - Nghe - Đọc - Ngày đăng : 14:56, 24/09/2017
“Thời làm Giám đốc Nhà hát sung sướng qua lâu rồi”
Một số người cho rằng làm Giám đốc Nhà hát nghệ thuật là sướng. Anh nghĩ sao?
Thời kì làm Giám đốc Nhà hát sung sướng qua lâu rồi. Đó là thời kì đất nước trong bao cấp, được bảo trợ toàn bộ và các anh, các chị chỉ phải suy nghĩ làm sao vận hành bộ máy Nhà hát thật tốt thôi không phải trăn trở để “bán được hàng” cũng không phải suy nghĩ xem sản phẩm nghệ thuật có phù hợp với thị trường hay không? Nhưng thời kì đó qua lâu lắm rồi. Bây giờ, Giám đốc các Nhà hát, không chỉ riêng tôi phải trông trời, trông nước, trông mây, trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm. Đủ các thứ trông và đủ các thứ lo.
Theo tôi, hiểu đúng nghĩa của hai từ Giám đốc là giám sát và đốc thúc. Lâu nay chúng ta cứ nghĩ Giám đốc là ông trời con và được sung sướng lắm. Tôi nghĩ, có lẽ vẫn còn một số người nghĩ thế.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế hiện nay thì Giám đốc văn hóa nghệ thuật phải làm gì với loại hình sân khấu mà khán giả thờ ơ, quay lưng. Họ quay lưng không phải vì chúng ta quá kém hay họ quá xấu mà đơn giản họ có nhiều mối quan tâm khác nhau. Hơn nữa, chỉ cần bật ti vi lên thì thế giới ùa vào giường ngủ, phòng khách của họ. Đó là khó khăn không chỉ với sân khấu mà ngay cả truyền hình cũng phải cạnh tranh rất nhiều.
Ngoài ra, cái khó nữa của một Giám đốc Nhà hát nghệ thuật là quản lý tập thể anh em nghệ sĩ và các ngôi sao. Mà nghệ sĩ thì họ nhiều ước mơ, khát vọng. Nếu đem lại quyền lợi, vinh quang cho họ thì ta có tất cả. Ngược lại, nếu ta không tìm được thì sao?
Bây giờ thì Giám đốc có cái gì để tìm khi khán giả thờ ơ, quay lưng?
Từ khi nhận nhiệm vụ Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, NSƯT Chí Trung vẫn luôn trăn trở tìm đường đi cho nhà hát.
Không lẽ, Nhà hát Tuổi trẻ chịu “bó tay”?
Câu chuyện này khiến tôi trăn trở rất nhiều. Trong khi thực tế đầy rẫy những khó khăn như thế nhưng chúng ta vẫn phải tìm cách để tiến lên chứ không thể đứng im để mọi thứ qua đi.
Từ khi mới nhận nhiệm vụ Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, tôi tập trung vào con người. Tôi muốn khơi dậy khát vọng để mọi người cùng hướng đến một mục đích giúp nhà hát khẳng định vị thế trong thị trường hỗn tạp hiện nay. Nói gì thì nói, trước hết phải đảm bảo quyền lợi cho anh em ở Nhà hát.
Ngoài việc, tìm cách liên kết với các doanh nghiệp, nhà đầu tư để tìm nguồn thu cho Nhà hát, chúng tôi quyết định xoay trục Nhà hát một chút. Nhà hát Tuổi trẻ khôi phục lại sân khấu âm nhạc.
Tôi cũng cho rằng, âm nhạc giúp mở khóa trái tim xã hội dễ dàng hơn so với kịch. Tôi chủ trương thay đổi theo hướng kết hợp cả âm nhạc và kịch. Tôi mời 20 diễn viên múa trẻ về “thay máu” cho đội ngũ diễn viên đã lớn tuổi. Tạm thời, chúng tôi sử dụng các ca sĩ của nhà hát như: Tôn Sơn, Kiên Trung, Nam Ly… trong các đêm nhạc. Bên cạnh đó, chúng tôi thành lập ban nhạc 7 cây. Tôi khẳng định các ca sĩ của Nhà hát tuổi trẻ nói không với hát nhép.
Trước tiên, Nhà hát Tuổi trẻ thực hiện dự án “Đồng hành 100 năm âm nhạc Việt Nam” với 24 đêm nhạc trong nhiều năm. Mở đầu là đêm nhạc Lam Phương đã ra mắt tối 25/8. Tới đây, là đêm nhạc Lam Phương 2 diễn ra tối 29/9 tại Nhà hát Tuổi trẻ với chủ đề “Mùa thu yêu đương”. Sau đó, tối 14/10 là đêm nhạc Phạm Duy ở Cung văn hóa Hữu nghị Việt- Xô.
Việc chuyển hướng kết hợp ca nhạc và kịch có gặp khó khăn gì không, thưa anh?
Khó khăn lớn nhất đó là khán giả chưa quen xem ca nhạc ở Nhà hát Tuổi trẻ. Tạm thời để khắc phục tôi đã kéo giá vé xuống rất thấp (khoảng 500 nghìn đồng một vé) để phù hợp với túi tiền của nhiều tầng lớp khán giả hơn. Bên cạnh đó, chúng tôi cố gắng mời các ngôi sao về biểu diễn để thu hút khán giả đến với Nhà hát.
NSƯT Chí Trung chia sẻ anh không bao giờ xem phim Việt Nam kể cả phim anh đóng.
“Vợ không vui khi tôi làm Giám đốc nhà hát”
Khó khăn của các diễn viên trong Nhà hát thì sao?
Nghề diễn viên luôn lấp lánh ánh hào quang nhưng không giàu có, sung sướng như nhiều người vẫn tưởng. Họ đôi khi phải bán hàng online, phải bươn trải nhiều nghề để kiếm sống. Tôi thì luôn tạo điều kiện cho các diễn viên của mình làm việc, thậm chí cả việc họ tham gia làm phim ảnh, truyền hình.
Tôi tâm niệm: “Xuất khẩu diễn viên thường để nhận về ngôi sao”. Vậy nên, tôi thường lên lịch làm việc ở Nhà hát trước 2-3 tháng để các diễn viên sắp xếp thời gian. Ngay cả bản thân tôi cũng phải làm thêm việc bên ngoài để kiếm sống như đóng phim, làm MC, làm giám khảo gameshow…
Anh nói, anh không bao giờ xem phim Việt, kể cả phim anh đóng?
Đúng vậy, tôi không bao giờ xem phim Việt Nam kể cả những phim tôi đóng vì tôi thấy tôi đóng rất vớ vẩn.
Từ khi anh nhận quyền Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, thời gian anh dành cho gia đình như thế nào?
Tôi đi từ 6 giờ sáng và trở về nhà lúc 11h30 đêm. Tôi thường là người đến nhà hát đầu tiên. Tôi trực tiếp kiểm tra từng góc tường, chiếc ghế đến nhà vệ sinh của nhà hát. Tôi sợ dù chỉ một chiếc ghế cọt kẹt thôi cũng khiến khán giả mất hứng thú với chương trình của Nhà hát. Tệ hơn, sự truyền miệng về nhà hát còn nguy hiểm gấp bội. Vì vậy, nên tôi không thể qua loa, đại khái.
Tôi cho rằng nếu một Giám đốc nhà hát có tâm sẽ nhìn thấy nhiều sai sót để khắc phục, sửa chữa. Nếu Giám đốc nhà hát có tầm sẽ thuyết phục được nhiều tầng lớp, đối tượng khán giả đến với mình.
Từ tháng 6 năm nay khi tôi làm Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ thì vợ không vui. Dù tôi dành thời gian về ăn cơm nhà các buổi trưa nếu không bận việc nhưng cô ấy vẫn buồn. Thực sự tôi chưa biết giải quyết thế nào?
Tôi hiểu vợ tôi có thêm nỗi buồn là tháng 12 tới cô ấy sẽ nghỉ hưu. Cô ấy cần tôi chia sẻ hơn. Lỗi này của tôi nhưng tôi không thể bỏ nhà hát để ở nhà.
Thực tế nữa, chúng tôi là nghệ sĩ nên ngày nào còn sức lực là còn phải cống hiến. Tuổi già kéo đến, chúng tôi cũng cần làm việc để có sự tích lũy cho sau này. Tôi thường bông đùa, niềm vui của tôi là nhìn thấy nét mặt của vợ khi tôi đưa tiền. Nói thẳng, lương của tôi hiện tại là 9 triệu một tháng. Chẳng có gì để tư lợi từ Nhà hát. Vì vậy, chúng tôi phải không ngừng nỗ lực và kiếm tiền một cách chân chính để lo cho bản thân và gia đình mình.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!