Điều trị kịp thời trầm cảm sau sinh
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 08:23, 27/09/2017
Trầm cảm sau sinh là một rối loạn hay gặp ở những bà mẹ trẻ, thường xuất hiện khoảng 45 ngày sau khi sinh.
Tư vấn chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ sau sinh
Ở Việt Nam, tỷ lệ trầm cảm sau sinh theo một số nghiên cứu sàng lọc có thể lên tới 33%.
Tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh, năm 2016 điều trị cho 40 phụ nữ bị mắc chứng trầm cảm sau sinh; từ đầu năm đến nay có hơn 10 bệnh nhân phải nhập viện điều trị. Bệnh nhân Vũ Thị N. (Tứ Kỳ) mới sinh con thứ 2 được 2 tuần. Từ khi em bé ra đời, cuộc sống vợ chồng và gia đình bị đảo lộn. Lúc nào chị N. cũng có cảm giác cô độc. Sự mệt mỏi vì chăm con đã biến chị thành một con người khác, hay bực tức khi có chuyện không hài lòng, đau đầu, mất ngủ, muốn tự tử. Bệnh nhân Nguyễn L.V. có 1 bé trai được 20 tháng, cho biết: "Từ lúc sinh con xong, tôi thấy tâm lý mình thay đổi nhiều, hay cáu gắt với chồng, hay cảm thấy tủi thân, buồn và khóc. Tôi ăn ít và không thấy ngon, luôn cảm thấy mình không đủ khả năng chăm sóc con, không quan tâm tới con lẫn bản thân…". Đó chính là triệu chứng để các bác sĩ kết luận chị N., chị V. mắc chứng trầm cảm sau sinh.
Theo bác sĩ Vũ Đình Cảnh, Trưởng Khoa 3 Bệnh viện Tâm thần tỉnh, trầm cảm sau sinh là chứng bệnh có dấu hiệu gia tăng trong những năm gần đây. Phụ nữ bị bệnh này thường có triệu chứng lo âu, trầm buồn, thu mình; suy nghĩ gây hại bản thân hoặc gây hại cho đứa trẻ, trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của con. Khi người mẹ có những dấu hiệu bất thường như cảm thấy lo lắng, bồn chồn, mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều, ăn ít hoặc ăn quá nhiều, cảm thấy mình thừa thãi, không còn được làm những gì mình thích, giảm sút sự tập trung, cảm giác tội lỗi... thì gia đình cần có sự chia sẻ, động viên ngay để tìm hiểu những suy nghĩ, khó khăn của người phụ nữ lúc ấy.
“Tuyệt đối không được phủ nhận cảm xúc của các bà mẹ sau sinh, dù đó là những cảm xúc mà chính người chồng hay người bên ngoài cảm thấy thật khó hiểu. Phải luôn đồng hành cùng họ trong giai đoạn nhạy cảm này. Trong thực tế, rất nhiều phụ nữ xuất hiện dấu hiệu của trầm cảm sau khi sinh con đã được nhiều tháng. Vì vậy, họ không nghĩ đó là dấu hiệu của trầm cảm sau sinh và không đánh giá đúng mức độ nghiêm trọng của những dấu hiệu này”, bác sĩ Cảnh cho biết thêm.
Trầm cảm sau sinh có thể điều trị hiệu quả nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Các bà mẹ không nên để những cảm xúc và triệu chứng tiêu cực kéo dài với hy vọng chúng sẽ biến mất theo thời gian. Để phòng tránh trầm cảm sau sinh, các bà mẹ không nên thực hiện những thay đổi lớn trong quá trình mang thai và sau sinh như thay đổi công việc, chuyển nhà, ly hôn… Nên tích cực tìm hiểu kiến thức chăm sóc thai nghén và nuôi con, có các hoạt động thư giãn để giảm bớt căng thẳng, áp lực. Bên cạnh đó, người thân trong gia đình cũng nên chú ý phát hiện sớm các biểu hiện ở bà mẹ sau sinh và tìm sự trợ giúp kịp thời. Để chủ động phòng ngừa, người thân có thể so sánh biểu hiện hai giai đoạn, trước sinh và sau sinh, như thói quen sinh hoạt, ăn ngủ, tính cách… Gia đình nên động viên người mẹ đi khám chuyên khoa sức khỏe tâm thần khi có các dấu hiệu như ngủ ít, có hành động, thái độ, ngôn ngữ thay đổi nhiều so với trước, có thể là biểu hiện không chú ý, thờ ơ, bất thường về tính cách...
THU HƯƠNG