Người già nhiều lên, chăm sóc thế nào?

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 13:06, 01/10/2017

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng Việt Nam đã bước vào những năm đầu của giai đoạn già hóa dân số.


Tại hội thảo đối thoại chính sách về già hóa dân số và phòng chống bệnh không lây nhiễm trong khuôn khổ Hội nghị các quan chức cao cấp lần thứ 3 được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 22.8.2017, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết Việt Nam hiện có hơn 10 triệu người cao tuổi (NCT), chiếm 11% số dân và là 1 trong 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Theo dự báo, đến năm 2030, tỷ lệ NCT sẽ chiếm khoảng 18% số dân và có xu hướng tiếp tục tăng trong giai đoạn sau đó.

Tình trạng già hóa dân số tạo ra nhiều sức ép, thách thức lớn trong công tác chăm sóc NCT nói riêng và phát triển kinh tế-xã hội nói chung. Số NCT ngày càng tăng không những tác động sâu sắc đến chính sách an sinh xã hội quốc gia mà còn ảnh hưởng tới từng gia đình, cá nhân. Nếu không giải quyết tốt vấn đề này sẽ dẫn tới số người già phải sống phụ thuộc ngày càng lớn, làm giảm động lực phát triển kinh tế và gây ra mất ổn định xã hội.

Thực trạng già hóa dân số đã được chỉ rõ. Nhà nước cũng đã có những bước khởi động để khắc phục vấn đề. Nổi bật là tháng 12.2016, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 7618/QĐ-BYT về việc phê duyệt đề án chăm sóc NCT giai đoạn 2017-2025. Vấn đề đặt ra là cần thực thi những cơ chế, chính sách nào để mang lại hiệu quả thiết thực? Báo cáo tổng quan “Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ” do Ngân hàng Thế giới và Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì đã đưa ra nhiều gợi ý chính sách hữu ích cho vấn đề này. Báo cáo nhận định rằng lĩnh vực bảo hiểm xã hội và chăm sóc sức khỏe sẽ có những thay đổi sâu sắc do dân số già đi nhanh chóng. Do đó, việc mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm xã hội và thúc đẩy hệ thống chăm sóc sức khỏe hiệu quả với chi phí hợp lý có ý nghĩa cấp thiết. Nhà nước cần trợ cấp để khuyến khích người lao động tự nguyện tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; nâng độ tuổi nghỉ hưu chính thức, không khuyến khích nghỉ hưu sớm, giảm số lượng người lao động thuộc nhóm danh mục nghề nghiệp đặc biệt được ưu tiên nghỉ hưu sớm. Có cách tiếp cận đồng bộ hơn về trợ cấp theo hộ dân, thay vì có nhiều chương trình manh mún, trùng lặp về mục tiêu, đối tượng như hiện nay. Một chương trình trợ giúp có thể tận dụng tốt hơn những kết quả về phát triển con người và giải quyết hiệu quả những khó khăn của gia đình khi gặp thiên tai, khủng hoảng kinh tế. Nên xây dựng hệ thống dưỡng lão chính thức dựa trên hệ thống chăm sóc tại nhà và tại cộng đồng.

Chính phủ, Bộ Y tế đang tích cực vào cuộc để khắc phục tình trạng già hóa dân số. Tuy nhiên, một số cơ quan chức năng và địa phương xem ra còn bị động, chậm trễ, chưa có định hướng, giải pháp và hành động cụ thể cho vấn đề này. Càng chậm trễ, bị động bao nhiêu thì khó khăn, áp lực sẽ càng lớn bấy nhiêu. Câu tục ngữ “mất bò mới lo làm chuồng” của cha ông ta là lời nhắc nhở không bao giờ thừa.

NINH TUÂN