Những ca mổ đặc biệt
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 08:08, 02/10/2017
Cầm dao mổ thực hiện những ca phẫu thuật đặc biệt không chỉ yêu cầu trình độ chuyên môn cao mà còn đòi hỏi các bác sĩ phải có nhiều kỹ năng, tính quyết đoán...
Thực hiện ca mổ đặc biệt yêu cầu các bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, tính quyết đoán. Ảnh: Đức Thành
Áp lực
10 năm trong nghề, thực hiện hàng trăm ca mổ, bác sĩ Vũ Trí Hiếu, Phó trưởng Khoa Ngoại 2 (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) ấn tượng nhất với ca mổ cách đây khoảng 3 tháng. Bệnh nhân là anh L.T.A (29 tuổi, TP Hải Dương) nhập viện trong tình trạng hôn mê do tai nạn giao thông. Ngay khi được chuyển tới bệnh viện, bệnh nhân được đặt nội khí quản cấp cứu, thở máy. Qua chụp cắt lớp vi tính sọ não cho thấy có máu tụ dưới màng cứng, chảy máu màng mềm ở bán cầu não trái, dập bán cầu não trái. Gia đình có nguyện vọng chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Tình trạng của bệnh nhân quá nặng, nếu đồng ý cho chuyển tuyến, khả năng bệnh nhân chết trên đường đi là rất lớn. Bác sĩ Hiếu đã động viên, thuyết phục gia đình để mổ cấp cứu lấy máu tụ cho bệnh nhân ngay tại bệnh viện. Thời gian thuyết phục không nhiều, bởi lúc này bệnh nhân đang trong cơn nguy kịch. Sau khi nhanh chóng thuyết phục người nhà bệnh nhân là bệnh viện hoàn toàn có thể thực hiện thành công ca phẫu thuật, các bác sĩ sẵn sàng chịu trách nhiệm, ca mổ được thực hiện. Dù rất nhiều lần cầm dao mổ nhưng với những ca đặc biệt như vậy, bác sĩ Hiếu phải chịu áp lực rất lớn. Chỉ một sai sót nhỏ trong trường hợp này có thể dẫn đến hậu quả khôn lường hoặc có thể khiến bệnh nhân bị chết não, bị câm hoặc liệt, sống đời sống thực vật, suốt đời trở thành gánh nặng cho gia đình. Xương sọ của bệnh nhân được gửi đến ngân hàng mô của Đại học Y Hà Nội để chờ ghép lại. Nhờ trình độ chuyên môn vững vàng, bác sĩ Hiếu thực hiện ca mổ kéo dài 3 tiếng và đã thành công. 20 ngày sau khi thực hiện cuộc phẫu thuật, anh A. đã tỉnh lại. Hiện nay, tình trạng sức khỏe của anh ổn định. Anh A. đã làm việc, sinh hoạt hoàn toàn bình thường.
Trải qua rất nhiều ca mổ, nhưng bác sĩ Nguyễn Đức Thơ, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản tỉnh ấn tượng nhất là những ca mổ đặc biệt, cứu sống sản phụ qua cơn nguy kịch. Có những ca được thực hiện ngay trên bàn đẻ. Ông vẫn nhớ ca mổ vào tháng 3.2017. Lúc 7 giờ tối, khi vừa kết thúc công việc ở bệnh viện, ông nhận được cuộc điện thoại đề nghị hỗ trợ từ Bệnh viện Đa khoa huyện Gia Lộc. Ngay lập tức, ông Thơ báo cáo, xin ý kiến giám đốc bệnh viện và lái xe thẳng đến nơi cần trợ giúp. Khi bác sĩ Thơ đến nơi cũng là lúc sản phụ Nguyễn Thị L. đang trong tình trạng nguy kịch do mất nhiều máu. Ông yêu cầu huy động thêm máu để truyền cho sản phụ, chỉ định gây mê, đặt nội khí quản, cắt chỉ đã khâu dưới tử cung, thắt động mạch tử cung và khâu cầm máu ở đoạn eo tử cung. Với sự nỗ lực của kíp mổ, bệnh nhân đã ổn định, không còn chảy máu. Sau khi ca mổ thành công, ông theo dõi bệnh nhân trong vòng 2 tiếng đề phòng có những vấn đề phát sinh. Khi tình trạng mẹ con sản phụ đã ổn định, ông Thơ và đội ngũ trong kíp mổ mới thở phào nhẹ nhõm. Ông trở về nhà lúc 1 giờ sáng.
|
“Gái chửa cửa mả” là câu nói cửa miệng được ông cha đúc kết cho thấy mức độ nguy hiểm, rủi ro mà người phụ nữ phải đối mặt từ khi có thai cho đến khi "vượt cạn". Nguy hiểm nhất có thể dẫn đến tử vong. Khi đưa sản phụ đến cơ sở y tế sinh con, cùng với sự hồi hộp, mong chờ thành viên mới chào đời của hai bên gia đình nội, ngoại là nỗi lo lắng, bồn chồn về những rủi ro, bất trắc có thể xảy đến với sản phụ. Các bác sĩ cũng phải đối mặt với nhiều áp lực hơn khi mổ cho sản phụ do trong quá trình mổ có thể xảy ra tai biến y khoa mà hậu quả để lại rất nặng nề. Trong khoảng 4.000 ca mổ/năm của Bệnh viện Phụ sản tỉnh đã có hơn 10 ca mổ đặc biệt. Đó là những ca mổ không chỉ đòi hỏi trình độ chuyên môn vững vàng của bác sĩ mà còn yêu cầu họ phải quyết đoán, có khả năng thuyết phục người nhà bệnh nhân và sẵn sàng đứng ra chịu trách nhiệm về những quyết định của mình.
Niềm vui bình dị
Bác sĩ Hiếu chia sẻ: “Chúng tôi gặp bệnh nhân trong tình trạng rất đặc biệt, thường là khi họ bất tỉnh, hôn mê. Và với chúng tôi, không có gì hạnh phúc hơn khoảnh khắc chứng kiến họ khỏe mạnh, tươi cười xuất viện trở về nhà". Điện thoại của bác sĩ Hiếu lưu rất nhiều số của những bệnh nhân như thế. Thỉnh thoảng anh lại nhận được cuộc gọi hỏi thăm sức khỏe. Bà N.T.H, mẹ của bệnh nhân L.T.A xúc động nói: “Chúng tôi biết ơn các y, bác sĩ đã đưa ra quyết định rất đúng đắn. Nhờ họ mà con trai tôi như được sinh ra lần nữa”.
Dù cấp cứu sản khoa là một lĩnh vực có độ rủi ro cao nhưng trong mọi tình huống, các bác sĩ đều cố gắng giữ tử cung cho sản phụ, nhất là đối với những người trẻ tuổi. Việc cắt bỏ tử cung có thể khiến bác sĩ không quá lo lắng về những rủi ro có thể xảy đến với người bệnh, nhưng lại khó có thể bảo đảm khả năng làm mẹ cho bệnh nhân sau này. Bởi thế, sự lựa chọn phải bảo đảm hài hòa giữa việc giữ an toàn cho bệnh nhân thời điểm đó, nhưng đồng thời cũng phải bảo đảm khả năng sinh nở sau này để họ thực hiện thiên chức của người phụ nữ. Có những ca mổ phải huy động gần 20 đơn vị máu cho bệnh nhân. Bên cạnh nguồn máu dự trữ, bệnh viện phải huy động máu từ các cán bộ y tế để kịp thời cấp cứu người bệnh. Bù lại những vất vả, áp lực ấy của các bác sĩ sản là khoảnh khắc “mẹ tròn con vuông” sau mỗi ca phẫu thuật phức tạp. Khoảnh khắc thật bình dị nhưng cũng thật ý nghĩa.
Tiếp thu tốt sự chuyển giao khoa học, kỹ thuật từ các bệnh viện tuyến trên, trình độ chuyên môn vững vàng và hơn hết là bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp đã giúp các bác sĩ trong tỉnh ngày càng thực hiện thành công nhiều ca mổ đặc biệt, mang lại sự sống cho người bệnh, niềm vui cho gia đình họ.
HUYỀN TRANG