Tránh cho trẻ xem truyền thông nhạy cảm

Xem - Nghe - Đọc - Ngày đăng : 15:39, 02/10/2017

Từ ngày 1.10, Thông tư 09 quy định các phương tiện truyền thông phải có cảnh báo đối với trẻ em về những nội dung không phù hợp nhưng chưa thấy thực hiện


Thông tư 09/2017/TT-BTTTT quy định về tỉ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng dành cho trẻ em và cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ trên báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử, xuất bản phẩm của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) có hiệu lực từ ngày 1.10.

Cảnh báo là cần thiết

Thông tư 09 quy định các cơ quan báo chí, nhà xuất bản phải thực hiện việc cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên các chương trình của kênh phát thanh, truyền hình; báo in, báo điện tử và xuất bản phẩm. Việc cảnh báo phải được thực hiện bằng một trong các phương thức hoặc kết hợp nhiều phương thức như âm thanh, hình ảnh, chữ viết, biểu tượng.



Phim truyền hình "Người phán xử" đoạt giải Ấn tượng của VTV nhưng có quá nhiều cảnh bạo lực,

không phù hợp với khán giả trẻ em


Bộ TT-TT quy định đối với phát thanh, truyền hình, việc cảnh báo phải được thể hiện ngay trước khi bắt đầu phát sóng chương trình có nội dung cần cảnh báo. Đối với báo in, nội dung cảnh báo phải được thể hiện ngay sát phía trên hoặc sát phía dưới tên tin, bài hoặc ngay tại vị trí đăng tin, bài. Đối với báo điện tử, nội dung cảnh báo phải được hiện lên ngay sau khi độc giả ấn chọn tin, bài và trước khi độc giả đọc được toàn bộ nội dung tin, bài.

Theo Bộ TT-TT, nội dung cảnh báo trên phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử phải bảo đảm ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ nhận biết. Việc cảnh báo phải thể hiện được tối thiểu một trong các khuyến cáo: Nội dung không phù hợp với trẻ em, đề nghị cân nhắc trước khi đọc, nghe, xem; cha mẹ, người lớn cần hướng dẫn nếu trẻ đọc, nghe, xem; chương trình, phim có hình ảnh và tình tiết nhạy cảm, khuyến cáo nên có sự hướng dẫn của phụ huynh khi xem; nội dung không phù hợp với trẻ em dưới 6 tuổi; nội dung không phù hợp với trẻ từ 6 tuổi đến dưới 11 tuổi; nội dung không phù hợp với trẻ từ 11 tuổi đến dưới 16 tuổi.

Bà Phạm Thị Yến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Jean Piaget (Hà Nội), cho rằng việc Bộ TT-TT ban hành Thông tư 09 là cần thiết. "Trẻ em hiện nay phải tiếp xúc với rất nhiều thông tin không phù hợp từ các phương tiện truyền thông, phổ biến nhất là việc con cái ngồi xem chung phim với bố mẹ. Phim có yếu tố bạo lực, cảnh nóng đang được phát trên sóng giờ vàng mà không có cảnh báo nào. Những hình ảnh này vô tình nhồi nhét vào đầu con trẻ sẽ ảnh hưởng đến suy nghĩ của chúng" - bà Yến lo ngại.

Theo bà Yến, nhiều phụ huynh chưa ý thức được việc cho con em xem chung chương trình với bố mẹ có thể dẫn đến hậu quả xấu. Thậm chí, chính các chương trình truyền hình cũng đang lợi dụng trẻ em. Hàng loạt game show dành cho trẻ em đang được phát sóng trên các kênh truyền hình với danh nghĩa tìm kiếm tài năng nhưng chủ yếu là thương mại hóa, dùng trẻ làm trò giải trí, tiêu khiển cho khán giả người lớn để "câu khách", tăng rating (tỉ suất khán giả xem đài) nhằm thu hút tài trợ, quảng cáo.

Cảnh báo thế nào, kiểm soát ra sao?

Rõ ràng, việc cảnh báo các chương trình không phù hợp với trẻ em trên các kênh truyền hình là rất cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cảnh báo như thế nào? Biểu tượng cảnh báo ra sao, kích cỡ, màu sắc là gì... vẫn còn nhiều tranh cãi.

Thực tế là ngày 1-10, Thông tư 09 đã có hiệu lực nhưng các đài truyền hình dường như vẫn chưa có cảnh báo gì trong các chương trình của mình. Thậm chí, ngay cả khi các chương trình được dán nhãn, ghi cảnh báo thì làm thế nào để kiểm soát đối tượng khán giả, chẳng hạn trẻ em không được xem các chương trình 18+, cũng là một câu hỏi không dễ trả lời.

Bà Phạm Thùy Chi, nhà sản xuất chương trình "Trường teen" của VTV7 Đài Truyền hình Việt Nam, cho biết các chương trình có trẻ em tham gia của VTV7 đều thực hiện rất nghiêm túc, phải nhận được sự đồng ý của các em cũng như gia đình, nhà trường. "Các kênh truyền hình nước ngoài đã thực hiện cảnh báo và dán nhãn từ lâu nhưng ở Việt Nam, việc này rất khó. Nếu không kiểm soát thì việc dán nhãn có giải quyết được vấn đề gì không?" - bà băn khoăn.

Bà Thùy Chi cho rằng dán nhãn không khó. Có nhiều hình thức để dán nhãn và bảo vệ trẻ em khi xem chương trình nhưng kiểm soát việc thực hiện mới là khó. "Hiệu quả của dán nhãn là rất thấp nếu không có sự kiểm soát hạ tầng phát sóng. Nếu phim dán nhãn cảnh báo được phát trên YouTube và các hạ tầng khác, trẻ em vẫn xem được bình thường. Quan trọng là cần chế tài việc kiểm soát dán nhãn" - bà Thùy Chi nhấn mạnh.

Một biên tập viên của VTV đặt vấn đề: Đã đến lúc phụ huynh phải tập không cho trẻ được xem truyền hình từ 23 giờ để thành nếp. Với những phim có yếu tố nhạy cảm, các đài sẽ phải đặt vào khung giờ này. Nếu gia đình không kiểm soát hay trẻ không có ý thức thì chúng hoàn toàn có thể xem những chương trình người lớn trên máy tính, điện thoại và việc dán nhãn như vậy sẽ không có nhiều hiệu quả.

Báo chí không tự tiện đăng hình trẻ em

Theo Thông tư 09, các cơ quan báo chí khi phản ảnh về những vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật mà trẻ em là nạn nhân hoặc là người liên quan thì phải làm mờ, che mặt và bảo đảm thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ. Nếu sử dụng trẻ em, hình ảnh trẻ em làm nhân vật, hình ảnh minh họa trong các chương trình phản ảnh về các vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật thì phải được sự đồng ý của cha mẹ, người giám hộ (đối với trẻ dưới 7 tuổi). Đối với trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên, phải có sự đồng ý của các em và của cha mẹ, người giám hộ theo quy định hiện hành.


LAN ANH (NLĐ)