10 sự kiện trong nước, quốc tế nổi bật ngày 3.10
Sự kiện qua ảnh - Ngày đăng : 17:32, 03/10/2017
Chiều 3.10, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongloun Sisoulith thăm nội bộ Việt Namtừ ngày 2-6.10theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Sáng cùng ngày, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã tiếp Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith. Trong ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN
Sáng 3.10, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 9 , kết thúc Quý III của năm 2017 để nhìn nhận tổng thể tình hình kinh tế - xã hội của đất nước từ đầu năm đến nay một cách toàn diện các mặt ưu, nhược điểm. Phát biểu tại phiên họp, bày tỏ vui mừng trước thành tích mang tính đột biến của Quý III, song Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhắc nhở các cấp, các ngành, các địa phương không được lơ là, chủ quan; khắc phục bất cập, tồn tại để quyết tâm hoàn thành vượt mức, toàn diện các chỉ tiêu theo kế hoạch năm 2017. Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN
Sáng 3.10, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã thăm và làm việc với Kiểm toán Nhà nước. Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc “cơ quan Kiểm toán Nhà nước” và “Tổng Kiểm toán Nhà nước” lần đầu tiên được hiến định trong Hiến pháp năm 2013, cùng với việc Quốc hội thông qua Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 đã tiếp tục tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn cho sự phát triển mới, cũng như khẳng định vai trò, vị trí của Kiểm toán Nhà nước. Thời gian qua, hoạt động của Kiểm toán Nhà nước đã có nhiều tiến bộ, tăng dần tính chuyên nghiệp, chất lượng các kết luận, kiến nghị kiểm toán ngày càng tốt hơn, góp phần giải đáp những đòi hỏi bức xúc về quản lý kinh tế nói chung và quản lý tài chính – ngân sách nói riêng. Trong ảnh: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi làm việc với Kiểm toán Nhà nước. Ảnh: Trọng Đức – TTXVN
Ngày 3.10, sản phẩm thuộc Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt và trứng gia cầm của Tp. Hồ Chí Minh đã chính thức được bán ra thị trường thông qua hai kênh phân phối, bán lẻ truyền thống và hiện đại. Cụ thể, tại Tp. Hồ Chí Minh đã có hơn 1.749 điểm bán thịt và trứng gia cầm. Như vậy, sau một tháng áp dụng thử nghiệm truy xuất sản phẩm trứng gà, thì kể từ nay, Tp. Hồ Chí Minh sẽ chính thức thực hiện truy xuất các sản phẩm thịt và trứng gà ở cả kênh bán lẻ và kênh kinh doanh hiện đại; đồng thời, bổ sung thêm mặt hàng trứng vịt có truy xuất nguồn gốc được phân phối tại hệ thống siêu thị. Bên cạnh đó, thành phố sẽ kiểm soát nguồn thịt và trứng gia cầm cung ứng cho thị trường phải đảm bảo truy xuất nguồn gốc theo quy định của đề án. Trong ảnh: Truy xuất nguồn gốc thịt trứng gà tại tại chợ Bến Thành, quận 1. Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong khi xuất khẩu tôm và cá tra sang các thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, ASEAN, Brazil… đều khởi sắc với mức tăng trưởng cao thì ở thị trường Mỹ, kim ngạch xuất khẩu 2 mặt hàng này đều có sự sụt giảm đáng kể. Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Mỹ chỉ đạt gần 416 triệu USD, giảm 4,4% so với cùng kỳ năm 2016; từ vị trí số 1 trong năm 2016 đã tụt xuống vị trí thứ 4 về nhập khẩu tôm Việt Nam trong 8 tháng đầu năm nay. Trong ảnh: Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Thủy sản Cửu Long (Trà Vinh). Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN
Ngày 3.10, tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, xã Trường Hà (Hà Quảng, Cao Bằng), Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng tổ chức Lễ khai trương Nhà trưng bày và dịch vụ vận chuyển khách du lịch bằng xe ô tô điện phục vụ du khách tham quan di tích lịc sử Pác Bó. Trong ảnh: Dịch vụ vận chuyển bằng ô tô điện phục vụ khách du lịch tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó. Ảnh: Chu Hiệu - TTXVN
Ngày 3.10, đảng cầm quyền Liên đoàn Hồi giáo Pakistan (PML-N) tại Pakistan đã bầu cựu Thủ tướng Nawaz Sharif làm người đứng đầu đảng này, chỉ vài tuần sau khi Tòa án Tối cao nước này tuyên bố ông Sharif không đủ tư cách để giữ chức vụ tại bất kỳ cơ quan công quyền nào. Ông Sharif được bầu làm lãnh đạo đảng PML-N chỉ vài giờ sau khi Hạ viện nước này thông qua dự luật cải cách bầu cử, trong đó cho phép các chính trị gia dù không đủ tư cách giữ các vị trí trong các cơ quan nhà nước vẫn có thể lãnh đạo các đảng phái chính trị. Trước đó, một chính trị gia sẽ không được giữ bất kỳ chức vụ gì trong một đảng phái chính trị nếu đã bị tòa tước tư cách. PML-N cũng đã sửa đổi nội quy hoạt động của đảng, qua đó cho phép người không đủ tư cách hoạt động trong các cơ quan công quyền, vẫn được giữ vị trí lãnh đạo đảng này. Trong ảnh: (tư liệu) Cựu Thủ tướng Nawaz Sharif (phải) tại cuộc họp báo ở Islamabad ngày 26.9. AFP/TTXVN
Ngày 3.10, giới chức Palestine đã tổ chức cuộc họp nội các đầu tiên ở Dải Gaza sau 3 năm, đánh dấu một sự kiện quan trọng mở đường cho tiến trình hòa giải giữa đảng Fatah và phong trào Hồi giáo Hamas. Phát biểu trước khi bắt đầu cuộc họp, Thủ tướng chính quyền Palestine ở Bờ Tây Rami Hamdallah đã nhắc lại cam kết của ông mong muốn chấm dứt sự chia rẽ đã kéo dài một thập kỷ qua giữa phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas tại Dải Gaza với chính quyền do đảng Fatah đứng đầu tại Bờ Tây. Cuộc họp này là bước khởi đầu cho tiến trình hòa giải giữa 2 bên theo thỏa thuận đạt được hồi tháng 9 vừa qua. Trong ảnh: Thủ tướng Rami Hamdallah (thứ 2, phải) chủ trì cuộc họp nội các tại Gaza. THX/TTXVN
Cảnh sát Ấn Độ cho biết ngày 3.10, phiến quân đã tấn công một doanh trại của Lực lượng An ninh Biên phòng Ấn Độ (BSF) tại khu vực Kashmir do nước này kiểm soát khiến 3 nhân viên an ninh bị thương. Theo giới chức Ấn Độ, khoảng 3 đến 4 tay súng đã ném lựu đạn và xả súng để mở đường vào doanh trại của BSF gần căn cứ không quân Ấn Độ và sân bay tại Srinagar, thủ phủ mùa Hè của khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát. Nhà chức trách đã phong tỏa các tuyến đường dẫn đến sân bay Srinagar và mọi hoạt động tại sân bay này đã bị đình chỉ. Trong ảnh: Binh sĩ Ấn Độ gác gần khu vực đấu súng giữa quân đội Chính phủ và phiến quân ở Srinagar ngày 3.10. AFP/TTXVN
Ngày 3.10, một chiếc bát cổ 1.000 năm tuổi đã được mua lại với mức giá kỷ lục 37,7 triệu USD trong một phiên đấu giá của nhà Sotheby's tổ chức tại Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc). Theo ban tổ chức, chiếc bát này được chế tác từ thời nhà Bắc Tống (Northern Song) của Trung Quốc, trong khoảng thời gian năm 960-1127. Chiếc bát có đường kính 13cm và được phủ men xanh bóng. Đây được xem là một trong những hiện vật gốm sứ hiếm hoi còn sót lại của triều đại này. Mức giá bán của nó đã thiết lập kỷ lục mới đối với các tác phẩm gốm sứ Trung Quốc, bỏ xa kỷ lục trước đó thuộc về một cốc uống rượu đời nhà Minh (Ming) với giá 36,05 triệu USD năm 2014. Trong ảnh: Chiếc bát cổ đời Bắc Tống được giới thiệu trước phiên bán đấu giá tại Hong Kong. AFP/TTXVN