Muốn tinh giản, Nhà nước phải mạnh dạn buông bỏ
Tin tức - Ngày đăng : 16:42, 05/10/2017
Ông Lê Như Tiến - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - Ảnh: TT
"Vẽ" thêm để "xếp ghế"
Việc tái cơ cấu bộ máy đã được một số cơ quan, tổ chức triển khai thời gian qua nhưng thực tế chưa chuyển biến như kỳ vọng, mong muốn của người dân. Cũng bởi có những nơi sau khi tái cơ cấu lại phình thêm nhiều đầu mối, làm tăng biên chế.
Trách nhiệm lớn nhất trong việc này là của người đứng đầu. Nói tái cơ cấu, tinh giản bộ máy, giảm biên chế nhưng không xác định và quy rõ được trách nhiệm cho người đứng đầu. Ở nhiều đơn vị, người đứng đầu không những không làm bộ máy tinh gọn hơn, lại còn "vẽ" thêm chức năng, nhiệm vụ mới để tăng quyền quản lý, ào ào lấy người vào.
Không loại trừ có những cơ quan sinh thêm cục nọ, vụ kia để "xếp ghế" cho một cá nhân nào đó.
Xác định vị trí việc làm ở nhiều đơn vị cũng chưa rõ ràng, chưa đúng thực tế. Một số vị trí chỉ cần 1-2 người làm, nhưng trên thực tế lại bày thêm việc. Nhiều đơn vị lẽ ra chỉ cần vài vị trí văn thư, vi tính, đánh máy hay đóng dấu, nhưng được biên chế đến hàng chục người. Thành ra, công việc của một người lại được rất nhiều người làm, lãng phí nguồn lực.
Quỹ lương cũng không thể đáp ứng biên chế đó, khiến thu nhập của từng công chức giảm, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc.
Một nguyên nhân quan trọng khiến tinh giản biên chế chưa hiệu quả là khâu kiểm tra, giám sát của cơ quan cấp trên bị buông lỏng. Bởi thực tế là khi thêm bộ máy, thêm người thì có thể thêm bổng lộc cho người đứng đầu.
Do đó, trước hết phải chuẩn hóa, lượng hóa được năng lực và phẩm chất của cán bộ lãnh đạo. Lựa chọn và tuyển dụng cần trên cơ sở thi tuyển, kể cả chức danh lãnh đạo, chứ không thể tuyển dụng tràn lan, bằng giới thiệu, thư tay, điện thoại hay tiền lót tay…
Tôi biết nhiều nơi để có một vị trí việc làm thì phải chi ra bao nhiêu, vào để có chỗ chứ không phải vì hiệu quả công việc và lợi ích của cả bộ máy. Nhiều nơi cứ nói sáp nhập để giảm đầu mối, tách ra để chuyên sâu, nhưng không có nguyên lý, nguyên tắc nào, chủ yếu là để sắp xếp lại "ghế". Hoặc tôi biết có ông đứng đầu cơ quan trước khi nghỉ hưu ký 60 quyết định bổ nhiệm lãnh đạo phòng ban, làm "chuyến tàu vét" chỉ vì lợi ích cá nhân mà phá vỡ quy tắc và lợi ích chung.
Ông Lê Như Tiến
Để cho thị trường tự vận hành
Muốn có bộ máy tinh gọn, hiệu quả, chỉ giảm biên chế thôi là chưa đủ, chính Nhà nước phải xác định các lĩnh vực cần buông, bỏ. Chính phủ phải can thiệp ít nhất có thể vào các hoạt động dân sự. Những gì dân sự đảm nhiệm được hãy trả về cho dân sự làm.
Tại sao doanh nghiệp tư nhân có thể tham gia các hoạt động công ích như thu gom rác thải, chiếu sáng đô thị, mà vẫn phải có một cơ quan nhà nước đứng ra làm?
Vấn đề là phải làm quyết liệt từ trên xuống, từ cơ quan trung ương, cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước, từ các bộ ngành sau đó là các địa phương.
Khi đã sắp xếp lại các đơn vị trên thì tiến tới sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, mạnh dạn xã hội hóa và để cho thị trường tự vận hành với những lĩnh vực mà thị trường có thể làm được.
Ông Đậu Anh Tuấn - trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Ảnh: TT
Bệnh "nghiện quản lý"
Cơ quan quản lý dường như luôn bị ám ảnh về nhu cầu quản lý, bị bệnh "nghiện quản lý". Các cơ quan soạn thảo pháp luật khi lý giải cho một chính sách, một quy định nào đó thường cho là nhằm "đáp ứng mục tiêu quản lý nhà nước".
Trong khi chi phí cho quản lý nhà nước không hề rẻ, thậm chí rất đắt đỏ.
Việc quá chú trọng vấn đề quản lý nhà nước, ban hành nhiều quy định liên quan cũng tạo hệ quả là các định chế công hoạt động không hiệu quả và tình trạng tham nhũng phổ biến hơn.
Thực tế này giải thích phần nào lý do tại sao Việt Nam không thiếu các văn bản, quy định trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường... nhưng các vi phạm trong lĩnh vực này không giảm bớt.
Hay phòng chống tham nhũng, Việt Nam đã ban hành gần như đầy đủ các quy định từ luật đến các văn bản hướng dẫn, tham gia hầu hết các hiệp định, hiệp ước quốc tế nhưng tình hình tham nhũng ở nước ta không giảm, vẫn được nhiều nơi báo cáo phức tạp.
NGỌC AN (Tuổi trẻ)