Nguy cơ mất mùa do chuột phá hoại

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 07:00, 08/10/2017

Nhiều diện tích lúa mùa ở xã Thái Dương (Bình Giang) đứng trước nguy cơ thất thu hoặc giảm năng suất do chuột cắn phá mạnh.



Nhiều thửa ruộng của gia đình bà Phạm Thị Thoa ở thôn Hà Đông bị chuột cắn phá nặng nề


Có những ruộng lúa của bà con nông dân bị chuột phá hoàn toàn, không còn khả năng thu hoạch.


Gia đình bà Phạm Thị Thoa ở thôn Hà Đông cấy hơn 8 sào lúa. Chưa kịp mừng vì "trồng cây sắp đến ngày ăn quả", bà Thoa đã phải đối mặt với nạn chuột phá hoại. Mặc dù đã tìm mọi cách diệt chuột nhưng gia đình bà đứng trước nguy cơ mất trắng gần 5 sào lúa, số diện tích còn lại cũng bị chuột phá gần 80%. "Không biết từ đâu mà chuột nhiều đến thế, ruộng nhà nào trong thôn cũng bị chuột phá. Ngay từ đầu vụ, tôi đã rải thuốc diệt chuột, đặt bẫy thủ công nhưng không hiệu quả. Gia đình còn bỏ ra gần 1 triệu đồng mua nilon quây quanh ruộng nhưng cũng không hạn chế được chuột phá hoại", bà Thoa cho biết.

Ngồi bên thửa ruộng bị chuột phá tan hoang, bà Vũ Thị Mỵ ở thôn Hà Chợ ngao ngán: "Chưa năm nào chuột cắn phá mạnh như năm nay. Nếu mọi năm, gia đình tôi thu được 2,5 - 3 tạ thóc/sào/vụ thì vụ mùa này chỉ có thể thu được 50 kg. Ruộng lúa bị chuột phá đến 80% diện tích. Chỉ tính riêng tiền thuốc diệt chuột đã hết 150.000 đồng chưa tính tiền thuê máy làm đất, tiền thuê cấy... Tính chi ly thì lỗ nặng".

Theo ông Vũ Huy Đông, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Thái Dương, ngay từ đầu vụ, xã đã phát động bà con đặt bẫy, đánh bắt chuột thủ công nhưng không xuể vì chuột quá nhiều. Nguyên nhân do khu ruộng của bà con nằm gần cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - nơi trú ẩn tốt của chuột. Ngoài ra, thời tiết mưa nhiều, các loại thuốc, bả đánh chuột gặp mưa nên tác dụng thấp. Nhiều hộ còn chủ quan trong việc diệt chuột. Trước kia, các thôn đều có tổ diệt chuột từ 5-6 người nhưng vài năm trở lại đây, các tổ hoạt động không hiệu quả, thậm chí một số tổ không hoạt động do không có kinh phí.

Ông Đông cho biết 30-40% diện tích trong tổng số 395 ha lúa mùa của bà con trong xã bị chuột cắn phá. Chuột cắn phá rải rác ở hầu khắp diện tích lúa. Trong đó nặng nhất là những thửa ruộng gần cao tốc Hà Nội - Hải Phòng hoặc gần nơi có bờ cỏ rậm rạp.

Theo lãnh đạo xã Thái Dương, ngân sách địa phương dành cho việc diệt chuột gặp nhiều khó khăn. Xã đã đề nghị huyện hợp đồng với đơn vị chuyên diệt chuột hoặc cấp thêm kinh phí để xã chủ động diệt chuột, bảo vệ mùa màng cho bà con.

THẢO NGUYỄN