Cánh hạc bay về trời
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 19:39, 12/10/2017
PGS,TS Văn Như Cương và vợ thời trẻ. Ảnh tư liệu của gia đình cung cấp
Sáng 9.10, khi được tin PGS, TS Văn Như Cương về với cõi người hiền, một cảm giác hụt hẫng, khó tả len lỏi trong suy nghĩ. Vẫn biết, mỗi chúng ta không thể đi ngược quy luật của tạo hóa, nhưng sao cứ thấy một sự mất mát không hề nhẹ đối với ngành giáo dục nói chung và các thế hệ học trò nói riêng.
Vào Facebook của cô giáo Văn Thùy Dương, con gái của PGS, TS Văn Như Cương, hiện là Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) treo dải băng đen, vậy là chuyện đã rồi. Dù đã tiên lượng trọng bệnh của ông, nhưng vẫn không muốn tin đó là sự thật. Ông đã ra đi ở tuổi 80.
Vài tiếng đồng hồ sau khi ông mất, các báo mạng liên tục cập nhật thông tin về PGS, TS Văn Như Cương. Rất nhiều độc giả từ khắp mọi miền Tổ quốc cũng như người Việt Nam ở nước ngoài gửi lời chia buồn sâu sắc đến người thân và gia quyến ông, bày tỏ tình cảm và niềm tiếc thương vô hạn đối với “cây đại thụ” của ngành giáo dục.
Không chỉ là người thầy mở trường THPT dân lập đầu tiên tại Việt Nam từ khi đổi mới, bằng tư duy sắc xảo, kiến thức chuyên sâu, đặc biệt quan điểm luôn đặt quyền lợi của học sinh lên trên hết, ông đã nhận được sự quan tâm và đồng thuận của dư luận xã hội. Trong ngành giáo dục, PGS, TS Văn Như Cương nổi tiếng là người cương trực. Không né tránh, không nhân nhượng với những yếu kém còn tồn tại trong ngành, ông có ý kiến phản biện, đóng góp thẳng thắn… Tiếng nói ấy sẽ rất cần thiết cho các nhà hoạch định chính sách giáo dục phải cân nhắc, điều chỉnh.
Khi xây dựng Trường THPT Lương Thế Vinh, PGS, TS Văn Như Cương luôn xác định lấy chất lượng làm đầu, duy trì học phí ở mức hợp lý để con em những người có thu nhập trung bình cũng có điều kiện học tập. Trường cũng đặt ra cơ chế đặc biệt trong tuyển dụng, sử dụng giáo viên, vì vậy đã thu hút được đông đảo các thầy giáo, cô giáo giỏi chuyên môn nghiệp vụ tham gia thỉnh giảng. Thương hiệu của trường ngày một khẳng định nên có sức hút rất mạnh trong mỗi mùa tuyển sinh đầu vào. Điểm chuẩn của trường luôn ngang bằng với một số trường công lập thuộc tốp đầu của Hà Nội.
PGS, TS Văn Như Cương là người dành rất nhiều tâm huyết cho học trò, nhưng cũng là người thầy nghiêm khắc. Quan điểm phải học làm người trước khi học thành tài, ông căn dặn: “Các em có thể trở thành những người lao động chân chính, những nhà kỹ thuật có chuyên môn, những nhà nghiên cứu thành công, những doanh nhân tầm cỡ, những nhà lãnh đạo xuất sắc. Nhưng trước hết phải là người tử tế”. Hoặc “Hãy trung thực đừng dối trá, hãy vị tha đừng vị kỉ, hãy hòa đồng đừng đố kị, hãy cao thượng đừng thấp hèn, hãy độc lập suy nghĩ đừng a dua bầy đàn, hãy nói lời thanh cao đừng buông lời tục tĩu”...
Ông rất nghét sự lười biếng, cả trong học tập và lao động, ông nói: “Không lao động, không có sáng tạo. Người lười lao động chắc chắn không làm việc gì thành công”. Đôi lúc câu nói của ông như một lời tự sự: "Một đứa trẻ kiêu căng, tự phụ hoặc một đứa trẻ tự ti, sợ hãi không phải là mục tiêu của giáo dục".
Dù tuổi cao, bận rộn công việc nhưng PGS, TS Văn Như Cương vẫn theo dõi các sự kiện trong nước và quốc tế. Ông đau đáu thương người dân quê mình mỗi khi mùa mưa bão đổ bộ vào miền Trung. Nghẹn lòng nhìn hình ảnh các em học sinh vùng cao đi chân trần, ngồi co ro trong lớp trong thời tiết khắc nghiệt của giá lạnh mùa đông... để rồi sau đó, đích thân ông có những chuyến đi đầy ý nghĩa.
Ông yêu quê hương, yêu đất nước không chỉ qua lời nói mà bằng hành động cụ thể. Mọi người vẫn nhớ như in mùa khai giảng năm học 2014-2015, một hình ảnh đẹp nhất, một khoảng khắc lắng đọng, đó là lúc thầy giáo Văn Như Cương với mái tóc mềm như tơ, chòm râu trắng như cước cùng tập thể Trường THPT Lương Thế Vinh mặc áo đồng phục có hình cờ Tổ quốc, tất cả đều giơ cao bàn tay phải của mình đặt lên ngực trái và làm lễ khai giảng.
Trong buổi lễ xúc động ấy, thầy trò cùng ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc, đồng thời nhắc nhở đến thế hệ trẻ trọng trách gìn giữ truyền thống ấy: “…Chúng ta hãy thể hiện tình yêu nồng thắm và lớn lao đối với đất nước mình. Chúng ta yêu núi cao, sông dài, yêu rừng xanh, biển bạc, yêu đất liền và đảo xa. Một nắm đất ở vùng biên giới, một vốc cát ở Trường Sa hay Hoàng Sa đều do ông cha ta để lại, đều không thể mất… Chúng ta hãy yêu mến nhân dân mình, gần gũi nhất là yêu gia đình mình, yêu bạn bè, yêu thầy cô... Hãy nhớ rằng chúng ta được nuôi dưỡng bằng dòng sữa mẹ Việt Nam, tuy rất ngọt ngào nhưng được chắt lọc từ biết bao nhọc nhằn và cay đắng…”
Năm học 2017-2018 này, nhân ngày khai giảng, PGS, TS Văn Như Cương vẫn ân cần dặn dò tập thể Trường THPT Lương Thế Vinh phải tránh xa một căn bệnh, một hiện tượng đang có nguy cơ phát triển và lây lan, đó là căn bệnh… lười. Ông nói rằng căn bệnh này ít nhiều chúng ta đều mắc phải.
Bệnh lười không làm chết người ngay lập tức, nhưng nếu người bệnh không quyết tâm chạy chữa sẽ trở thành người vô dụng. Nguy hiểm hơn nếu có nhiều người mắc bệnh này thì xã hội ấy trở thành nghèo nàn, lạc hậu không bao giờ tiến bộ được. Ông chỉ ra những triệu chứng như: Lười học, lười nghe giảng, lười làm bài tập, lười suy nghĩ, lười phản biện… và rồi đến lười lao động. Từ bệnh lười ấy sẽ sinh ra dối trá, sống thiếu niềm tin rồi phát sinh tiêu cực. Để chữa bệnh lười, ông khuyên học trò của mình phải có chí hướng và lòng mong muốn quyết tâm đạt tới mục tiêu tốt đẹp trong tương lai.
Là người mạnh mẽ, sắc xảo trong nhiều lĩnh vực, nhưng ít ai biết rằng những năm gần đây, PGS, TS Văn Như Cương phải chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác. Dù bên cạnh rất nhiều người thân yêu ruột thịt, nhưng ông không muốn làm ảnh hưởng tới mọi người. Ông luôn tạo ra sự lạc quan không chỉ cho gia đình, đồng nghiệp mà còn là tinh thần vượt qua thử thách của một người thầy đáng kính.
Vậy là thầy Văn Như Cương đã từ giã cõi tạm trần gian, về với thế giới của người hiền.
Tiễn thầy về bên ấy, xin được mượn lời của PGS, TS, nhà phê bình Văn Giá đã viết những câu thơ đầy cảm xúc về cố PGS, TS Văn Như Cương: "Thầy đành xa những cặp mắt bé thơ/Ngàn hạc trắng tiễn thầy về cõi trời thanh sạch/Hạc trắng ơi hạc trắng/Dìu thầy về cõi trời xa/Hát lên những bài hát dịu dàng/ Ru giấc ngủ ngàn năm cho thầy hạc nhé/ Hàng ngàn cánh hạc/Hát lời trẻ thơ/Thầy rời cõi tạm/Bay vào thiên thu..."
PHÙNG MINH