Ngôi đền duy nhất thờ vua Lê Lợi ở Hải Dương

Đất và người xứ Đông - Ngày đăng : 16:10, 17/10/2017

<b>Nằm nép mình bên dòng sông Thái Bình đỏ nặng phù sa, ngôi đền Mỹ Xá ở làng Mỹ Xá (tên cũ là Đặng Xá) là niềm tự hào của mỗi người dân xã Minh Tân (Nam Sách). </b><br>


Hệ thống đồ thờ tự và tượng đá phía ngoài cửa đền còn khá nguyên vẹn

Ngôi đền này là nơi duy nhất trong tỉnh thờ vua Lê Lợi - vị hoàng đế đầu tiên của nhà hậu Lê.


Lịch sử ghi công

Lịch sử truyền rằng Lê Lợi (Lê Thái Tổ) lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị giặc Minh xâm lược nên ngay từ khi còn trẻ ông đã có chí khôi phục non sông. Mùa xuân năm Mậu Tuất (1418), Lê Lợi cùng với các vị anh hùng hào kiệt dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn (Thanh Hóa), xưng là Bình Định Vương, truyền hịch kêu gọi tập hợp hào kiệt ở khắp nơi về phò tá, đánh giặc cứu nước.

Năm 1427, chuẩn bị cho trận đánh quyết định ở Lục Đầu Giang, Lê Lợi cần tìm chỗ để nghĩa quân dừng chân nghỉ ngơi, lấy sức và chuẩn bị lương thảo, vũ khí. Khi qua cánh đồng Đặng Xá, thấy vùng đất ven sông có địa thế đẹp, ngôi làng nhỏ sát bờ sông nhưng rất kín đáo, thích hợp cho việc nghỉ ngơi lấy sức của binh sĩ, nhà vua đã hạ lệnh dừng lại nơi đây. Vua tôi cắm lều, dựng trại, chuẩn bị lực lượng, lương thảo để tiến đánh thành Xương Giang. Thấy vậy, nhân dân trong vùng và người dân làng Đặng Xá đã đem lúa gạo, khoai sắn để tiếp tế cho nghĩa quân đánh giặc. Sau gần 10 năm "nếm mật nằm gai" chiến đấu gian khổ, bằng lối đánh "lấy ít địch nhiều", đoàn quân của vua Lê Lợi đã giành thắng lợi cuối cùng, giang sơn thu về một mối.


Ngày 22.8 nhuận năm Quý Sửu (1433) vua Lê Thái Tổ mất. Để ghi nhớ công đức của ngài, người dân làng Đặng Xá đã xây dựng ngôi đền ngay tại mảnh đất khi xưa vua đã dựng lều trại để các thế hệ nghìn năm sau có nơi thờ phụng hương hỏa. Hằng năm, cứ vào ngày 22.8 âm lịch, dân làng Mỹ Xá lại tổ chức lễ hội. Để tỏ lòng thành kính tri ân, nhân dân 3 làng trong xã là Mỹ Xá, Uông Thượng và Chu Đậu cùng các làng lân cận nô nức mang theo lễ vật là những nông sản tinh tuý nhất dâng lên vị vua anh minh có nhiều công lao với dân, với nước.

Trong thời gian vua Lê Lợi lưu lại làng Mỹ Xá, hai người con gái xinh đẹp tên Vương Thị Ngọc Viên và Vương Thị Chất đã được vào hầu vua. Sau khi nhà vua lên đường đi đánh giặc, hai người phụ nữ đức hạnh này đều ở lại và có công lớn trong việc chỉ dạy người dân ở đây cách làm ăn. Vào thời vua Lê Dụ Tông, niên hiệu Vĩnh Thịnh (1705 - 1728), bà Vương Thị Ngọc Viên được phong là Thần Hoàng, bà Vương Thị Chất được phong là Đặng cảnh Thành Hoàng làng. Hiện nay trong nội cung đền Mỹ Xá có thờ hai bà.

Dấu tích đền xưa

Đền Mỹ Xá có kiến trúc kiểu chữ nhị (=), bao gồm 3 gian tiền tế và 3gian hậu cung. Kết cấu công trình theo kiểu kèo cầu trụ báng. Công trình có sân đền và cổng, xung quanh có tường bao tạo thành một không gian biệt lập, linh thiêng.

Trải qua thăng trầm của lịch sử, đền thờ Lê Thái Tổ đã bị huỷ hoại nhiều lần. Ông Vương Văn Khiệt (84tuổi) thủ nhang ở đền gần 20 năm cho biết: "Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, địch đốt phá tan hoang ngôi đền, đốt hết cả các bảng sắc phong. Hòa bình lập lại, nhân dân quanh vùng đã đóng góp dựng lại ngôi đền. Mặc dù được xây lại nhưng về cơ bản vẫn giữ được lối kiến trúc của ngôi đền cổ". Toàn bộ hệ thống voi đá, ngựa đá, nhang án đá, ngai vị, tượng đá, bia đá có kích thước lớn đều được lưu giữ nguyên bản. Do làng Mỹ Xá không có đình nên đền phối thờ hai nữ thành hoàng làng. Bởi vậy khi bước vào trong đền ta luôn có cảm giác ấm cúng.

Thời kháng chiến chống Pháp, đền Mỹ Xá đã trở thành nơi hội họp của nghĩa quân trong cuộc khởi nghĩa Nguyễn Thái Học và cũng là nơi ẩn náu của dân quân, bộ đội địa phương đánh tan ca nô, cướp thuyền thóc của Nhật trên sông Thái Bình... Mặc dù cả công trình đền thờ khi xưa nay chỉ còn lại hệ thống tượng đá, nhưng với mỗi người dân làng Mỹ Xá, đền là nơi linh thiêng, là linh hồn của cả làng. Mỗi khi đi xa về gần, ai cũng đều có thói quen ra đền làm lễ.

Với ý nghĩa lịch sử và những giá trị văn hóa còn lưu giữ, năm 2008, đền Mỹ Xá được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử - văn hóa. Tuy nhiên, hiện nay ngôi đền đã xuống cấp cần sớm được tu sửa. Ông Vương Văn Khiệt cho biết: "Do đền đã được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử - văn hóa nên dân làng không thể tùy tiện sửa chữa, tôn tạo. Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng quan tâm, tạo điều kiện nâng cấp ngôi đền, thỏa mong ước của dân làng".

THANH HOA