Doanh nghiệp mất tích, người lao động chịu thiệt

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 07:00, 18/10/2017

<b>Khi đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ) giải thể, phá sản, bỏ trốn (gọi chung là mất tích), quyền lợi, chế độ của người lao động (NLĐ) cũng bị mất mà không biết kêu ai.</b><br>


Tích cực tuyên truyền pháp luật đến chủ sử dụng lao động và người lao động là một cách để giúp thực hiện tốt chế độ, chính sách cho người lao động

Không dấu vết

Từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn tỉnh, số đơn vị SDLĐ mất tích rất lớn. Theo Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có 142 đơn vị SDLĐ mất tích, trong đó có 6 doanh nghiệp nước ngoài. Những địa phương có số đơn vị mất tích lớn như: TP Hải Dương, thị xã Chí Linh, các huyện Kinh Môn, Kim Thành, Cẩm Giàng... Các đơn vị mất tích chủ yếu của tư nhân sản xuất, kinh doanh vừa và nhỏ, hoạt động gia công may mặc, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, dịch vụ vận tải... Các đơn vị giải thể, phá sản hầu hết không làm thủ tục theo quy định nên các cơ quan chức năng rất khó nắm bắt.  

Thị xã Chí Linh có 14 doanh nghiệp mất tích. Theo BHXH thị xã, cơ quan chỉ nắm được đơn vị hoạt động đến thời điểm họ không báo tăng, giảm số lượng đóng, nộp, không liên hệ được  hoặc không còn nộp thuế. Sau khi biết thông tin, cơ quan BHXH cùng các ngành liên quan xuống kiểm tra thì đơn vị SDLĐ đã dừng hoạt động, không còn ai, máy móc, trang thiết bị cũng không thấy.

Huyện Nam Sách cũng có 2 doanh nghiệp mất tích. Tháng 3.2013, khi biết tin Công ty TNHH May xuất khẩu DEA Wang Son Vina (100% vốn Hàn Quốc) có trụ sở ở xã Thái Tân  ngừng hoạt động, đoàn liên ngành của huyện xuống kiểm tra thì chủ nhà cho biết chủ công ty đã bỏ trốn từ lâu. Các phương tiện máy móc, thiết bị được công ty di chuyển dần từ nhiều tháng trước. Chủ nhà cũng không biết nên không đòi được tiền thuê đất. Trước khi bỏ trốn, công ty có 90 lao động và nợ tiền các loại bảo hiểm hơn 312 triệu đồng.

Khi biết các doanh nghiệp mất tích, các cơ quan chức năng đã cố gắng liên lạc với những người đại diện của họ để giải quyết quyền lợi, chế độ cho NLĐ và những vấn đề liên quan nhưng không được.

Các doanh nghiệp trước khi mất tích đều rơi vào tình trạng chung là làm ăn thua lỗ, nợ thuế, nợ tiền các loại bảo hiểm trong thời gian dài, với số tiền lớn. Tính đến hết tháng 9.2017, 142 đơn vị mất tích còn nợ hơn 18 tỷ đồng tiền bảo hiểm các loại của hơn 3.000 NLĐ. Đặc biệt, tính đến nay, có nhiều doanh nghiệp nợ các loại bảo hiểm từ 80 tháng trở lên như các Công ty TNHH: Quang Thành (Kinh Môn); Coamowood, Macromax, một thành viên Đức Anh (TP Hải Dương)... Đơn vị có số nợ lớn từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng là các Công ty: CP Hợp Thành, TNHH May mặc T&K Việt Nam, TNHH JK Electronic (Cẩm Giàng); CP Dinh dưỡng Agrifeed Việt Nam...

Không biết kêu ai

NLĐ làm việc ở những đơn vị mất tích chịu rất nhiều thiệt thòi. Trong thời gian chủ sử dụng lao động nợ tiền các loại bảo hiểm, khi NLĐ bị ốm đau, thai sản sẽ không được hưởng chế độ.

Đại diện lãnh đạo BHXH huyện Nam Sách cho biết: "Trong thời gian Công ty TNHH May xuất khẩu DEA Wang Son Vina nợ tiền BHXH từ tháng 10.2011 đến tháng 5.2012, hơn 10 NLĐ của họ đến BHXH huyện làm thủ tục hưởng chế độ thai sản nhưng không được giải quyết. NLĐ thắc mắc tại sao không được hưởng thì BHXH huyện chỉ biết trả lời là công ty chưa đóng tiền BHXH nên không thể giải quyết. Nhiều NLĐ đã rất phẫn nộ và thất vọng ra về".

Không chỉ có vậy, các chủ doanh nghiệp còn trục lợi tiền lương của NLĐ khi trích lương của họ để đóng các loại bảo hiểm. Cùng với đó, quãng thời gian đơn vị sử dụng lao động nợ BHXH, NLĐ sẽ không được tính vào quá trình tham gia BHXH.

Không chỉ NLĐ ở những doanh nghiệp mất tích chịu thiệt mà ngay cả những đơn vị đã làm thủ tục giải thể, phá sản theo quy định pháp luật thì hầu hết quyền lợi của NLĐ cũng không được bảo đảm. Theo BHXH TP Hải Dương, thời gian qua trên địa bàn thành phố có một số doanh nghiệp làm thủ tục giải thể, phá sản và tòa án nhân dân có quyết định yêu cầu hoàn trả số nợ các loại bảo hiểm cho NLĐ nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện. Ví dụ như Công ty CP Đông Đô Plus đã làm thủ tục giải thể gần 10 năm trước nhưng đến nay vẫn còn nợ hơn 103 triệu đồng tiền bảo hiểm.

Nhằm hạn chế thiệt thòi và tạo điều kiện cho NLĐ, cơ quan BHXH đã có nhiều biện pháp tích cực như sẵn sàng chốt sổ BHXH cho NLĐ đến thời điểm được đóng, nộp. Nếu NLĐ chủ động nộp số tiền những tháng chủ sử dụng lao động chưa đóng, cơ quan BHXH sẽ tiếp nhận và cộng nối vào quá trình tham gia. Trường hợp chủ sử dụng lao động không trả lại sổ BHXH, cơ quan BHXH căn cứ vào hệ thống dữ liệu của ngành để làm sổ mới và ghi đúng, đủ quá trình tham gia cho NLĐ. Theo ông Đinh Quang Dũng, Phó Trưởng Phòng Khai thác và Thu nợ (BHXH tỉnh), thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng phương án bảo vệ quyền lợi về BHXH cho NLĐ.  

Xảy ra tình trạng trên do đơn vị SDLĐ không quan tâm đến quyền lợi NLĐ, chế tài xử lý còn thiếu và yếu. Các cơ quan chức năng quản lý chưa chặt chẽ, xử lý chưa quyết liệt. Nếu như đơn vị SDLĐ nợ tiền BHXH từ 3 tháng trở lên có thể bị khởi kiện ra tòa, rút giấy phép sản xuất, kinh doanh, ngừng cung cấp mã số thuế... thì chắc chắn quyền lợi của NLĐ sẽ được bảo đảm và đỡ thiệt thòi hơn.

DANH TRUNG