Đề xuất giảm giá vé BOT quốc lộ 5, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Thị trường - Ngày đăng : 14:11, 18/10/2017

<div><b>Tổng cục Đường bộ đã đề xuất Bộ Giao thông giảm 12-25% mức phí lưu thông trên quốc lộ 5 từ 1.11. </b><br></div><br>

Tổng cục Đường bộ vừa đề xuất Bộ Giao thông Vận tải mức phí dịch vụ sử dụng đường bộ cho phương tiện tại hai trạm thu phí quốc lộ 5 và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, dự kiến từ 1.11.

Với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn, xe buýt dự kiến giảm từ 40.000 xuống 30.000 đồng; xe từ 12 ghế đến 30 ghế, xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn giảm từ 55.000 xuống 45.000 đồng; xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải có tải trọng từ 4 đến dưới 10 tấn giảm từ 75.000 xuống 65.000 đồng.

Xe có tải trọng từ 10 đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container 20 feet giảm từ 125.000 xuống 110.000 đồng; xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40 feet giảm từ 180.000 còn 170.000 đồng.

Xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn của người dân (không kinh doanh) sống tại khu vực lân cận trạm thu phí quốc lộ 5 có bán kính tối đa 5 km sẽ được miễn phí. Xe của cơ quan, tổ chức có trụ sở chính trên địa bàn có bán kính tối đa cách trạm thu phí 5 km sẽ được giảm 50% mức phí.

de-xuatgiam-gia-ve-bot-quoc-lo-5-cao-toc-ha-noi-hai-phong

Tài xế trả tiền lẻ qua trạm BOT quốc lộ 5. Ảnh: Xuân Hoa. 

Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ đề nghị mức giá mới được áp dụng trong 3 năm tới. Sau đó, Bộ Giao thông sẽ xem xét điều chỉnh phù hợp,  bảo đảm phương án tài chính của dự án. 

Với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Tổng cục Đường bộ đề nghị giảm giá cho các loại xe đến 20%, áp dụng trong 2 năm. Mức giá 1.500 đồng/km áp dụng đối với các loại xe 2, 3, 4, 5; mức giá 2.000 đồng/km được áp dụng cho xe loại 1. 

Tổng cục Đường bộ cũng kiến nghị Bộ Giao thông giao các cơ quan chuyên môn điều chỉnh phương án tài chính và hợp đồng dự án xây dựng đường ôtô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cho phù hợp.

Theo đại diện nhà đầu tư là Tổng công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI), việc giảm phí phương tiện sẽ gây nhiều khó khăn cho phương án tài chính của dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Hiện nay, số thu phí từ 2 tuyến đường bình quân là 5,5 tỷ đồng mỗi ngày, trong khi lãi vay của dự án nhà đầu tư phải trả khoảng 8 tỷ đồng mỗi ngày. Ngoài ra, Nhà nước còn đang nợ nhà đầu tư 4.000 tỷ đồng giải phóng mặt bằng. 

Động thái đề xuất giảm, miễn phí trên quốc lộ 5 và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng do từ đầu tháng 9, nhiều lái xe dùng tiền lẻ (loại 200 đồng, 500 đồng) mua vé qua trạm BOT quốc lộ 5 và có hành vi chống đối, như: quay ngang xe gây ùn tắc, va chạm tạo tai nạn, kích động người dân địa phương kéo ra phản đối, tụ tập đông người làm ùn tắc giao thông.

Công an tỉnh Hưng Yên đã triệu tập một số tài xế và doanh nghiệp liên quan tới sự cố ùn tắc giao thông, mất trật tự ở trạm thu phí. Lãnh đạo tỉnh Hưng Yên cũng đề xuất Bộ Giao thông phương án miễn giảm phí cho người dân sống gần trạm và di chuyển trạm đến vị trí khác. 

Quốc lộ 5 là tuyến huyết mạch nối Hà Nội - Hải Phòng, dài khoảng 100 km, có hai trạm thu phí tại Hưng Yên và Hải Phòng. Mức phí qua trạm BOT hiện thấp nhất là 40.000 đồng, cao nhất là 180.000 đồng mỗi lượt.

Từ đầu năm 2016, dự án nâng cấp quốc lộ 5 theo hình thức BOT được chuyển giao cho Vidifi; nhà đầu tư chịu trách nhiệm sửa chữa, bảo trì tuyến đường này và được thu phí hoàn vốn sửa chữa và bù đắp chi phí đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Trước nhiều ý kiến cho rằng không thể thu phí trên quốc lộ 5 bù cho chi phí đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế giải thích Nhà nước đang nợ nhà đầu tư 4.000 tỷ đồng đầu tư cao tốc. Đó là tiền giải phóng mặt bằng mà đáng lẽ Nhà nước phải bỏ ra, song do ngân sách không có nên phải để cho doanh nghiệp thu phí quốc lộ 5 bù đắp.

Theo VnExpress