Thi THPT quốc gia 2018: Băn khoăn không ra đề minh họa
Khoa học - Giáo dục - Ngày đăng : 07:30, 19/10/2017
Thay vì quá trông chờ vào việc ra đề thi minh họa, các trường nên chủ động xây dựng kế hoạch dạy
và học ngay từ sớm. Ảnh: Thành Chung
Thay đổi này đang làm cho nhiều giáo viên và học sinh lo lắng.
Lo vì kiến thức rộng
Điểm mới của kỳ thi THPT quốc gia 2018 khi nội dung thi không chỉ nằm trong chương trình lớp 12 mà còn có cả chương trình lớp 11. Như vậy, lượng kiến thức học sinh phải ôn tập để đáp ứng cho kỳ thi sắp tới sẽ rộng hơn các kỳ thi trước, nhất là các môn trong tổ hợp môn khoa học xã hội vì phải nhớ nhiều, học dàn trải. Vấn đề đang được các giáo viên và học sinh quan tâm hiện nay là đề thi sẽ có bao nhiêu câu hỏi dành cho kiến thức lớp 11, chiếm bao nhiêu phần trăm trong thang điểm 10. Nội dung ôn trong đề thi theo trọng tâm hay học cả chương trình lớp 11...?
Em Nguyễn Văn Toàn ở phường Tứ Minh (TP Hải Dương) cho biết đã lường trước được năm nay sẽ ra thêm phần kiến thức lớp 11 bởi trước đó khi công bố phương án thi cho năm 2017, Bộ GDĐT thông báo năm 2018 sẽ thi thêm chương trình lớp 11. Em đã chuẩn bị phần nào tâm lý nhưng vẫn hơi hụt hẫng khi bộ không ra đề thi minh họa. Những thí sinh tự do không đủ điểm đỗ trong kỳ thi năm 2017 phải thi lại trong năm tới sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì việc mở rộng kiến thức sẽ tạo áp lực không nhỏ trong quá trình ôn luyện của các em.
Các năm trước, đề thi minh họa vốn là một trong những công cụ được giáo viên và học sinh mong đợi, giúp định hướng trong cách dạy và học. Thời gian tới, Bộ GDĐT chỉ ban hành hướng dẫn dạy học và ôn tập phục vụ kỳ thi THPT quốc gia 2018. Các nhà trường và học sinh sử dụng tài liệu hướng dẫn kết hợp với các đề thi minh họa và đề thi chính thức của Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 làm cơ sở cho việc dạy học và ôn tập kỳ thi sắp tới. “Chúng tôi không thể tự phán đoán rồi hướng dẫn các em ôn tập theo kiểu học phần này, bỏ phần kia. Trong khi đó, thời gian lại eo hẹp, sau khi hoàn thiện chương trình lớp 12, các em chỉ còn 1 tháng để ôn lại chương trình lớp 11”, ông Trần Thế Thủy, Hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (Nam Sách) băn khoăn. Ông Thủy hy vọng trong phần hướng dẫn ôn tập sắp tới, Bộ GDĐT sẽ đưa ra nội dung ôn tập chi tiết để thầy trò trong trường cùng cố gắng.
Chủ động trong việc dạy và học
Mong muốn có những hướng dẫn, nội dung ôn tập chi tiết từ Bộ GDĐT là nguyện vọng chính đáng của các giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, chủ trương không ra đề thi minh họa Kỳ thi THPT quốc gia 2018 của Bộ GDĐT cũng dựa trên một số cơ sở.
Việc không ra đề thi minh họa giúp thí sinh tránh được cách học tập máy móc, bị động khi phụ thuộc quá nhiều vào việc áp dụng các đề thi. Khi đề ra các câu hỏi cùng nội dung kiến thức nhưng tiếp cận vấn đề bằng cách khác, nếu thí sinh không nắm vững kiến thức cơ bản sẽ không làm được. Điều này buộc các em phải bám sát chương trình sách giáo khoa hơn, đặc biệt tránh học tủ, học lệch. Việc mở rộng phạm vi kiến thức gồm cả chương trình lớp 11 đã được Bộ GDĐT thông báo sớm, có lộ trình. Theo lý giải của Bộ GDĐT, thay vì quá trông chờ vào việc ra đề thi minh họa, các trường nên chủ động xây dựng kế hoạch dạy và học ngay từ những ngày đầu năm học.
Đồng tình với quan điểm này, thầy giáo Nguyễn Ánh Dương, Hiệu trưởng Trường THPT Chí Linh cho biết, nhà trường đã áp dụng ra đề, xây dựng câu hỏi áp sát cấu trúc, hình thức thi thật, làm theo kiểu tích hợp 2 - 3 môn trên cùng 1 phiếu trắc nghiệm đối với bài kiểm tra 45 phút một số môn của khối 12. “Chúng tôi đã lập kế hoạch 3 đợt thi thử tháng 1, tháng 4, tháng 5, nội dung gồm cả kiến thức lớp 11, lớp 12”, thầy Dương cho biết thêm. Theo thầy Dương, nhà trường cũng đã đầu tư mua máy quét, tự động chấm điểm bài thi trắc nghiệm nhanh, chính xác. Sau mỗi đợt thi thử, điểm thi sẽ cập nhật trên website để giáo viên và học sinh có hướng ôn luyện tốt hơn.
Một số trường như Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (Nam Sách), Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Hải Dương) đã xây dựng kế hoạch giảng dạy cụ thể với từng bộ môn. Các môn toán, vật lý, hóa học được xây dựng theo các chuyên đề, chủ đề xuyên suốt từ lớp 11 đến lớp 12. Mỗi chủ đề, chuyên đề gồm các phần kiến thức cơ bản, luyện tập và các câu hỏi trắc nghiệm. “Môn ngữ văn được thi theo hình thức tự luận, khung chương trình ôn tập được chia theo từng phần như đề thi minh họa Kỳ thi THPT quốc gia 2017 gồm phần đọc hiểu, nghị luận văn học, khả năng dựng đoạn văn nghị luận xã hôi theo yêu cầu”, một giáo viên Trường THPT Nguyễn Du (TP Hải Dương) cho biết.
LÊ HƯƠNG