Hỗ trợ hợp lý để đạt mục tiêu xây dựng nông thôn mới
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 14:30, 20/10/2017
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vũ Văn Sơn điều hành phiên thảo luận tại hội trường
Ai chịu trách nhiệm sản xuất ở nông thôn?
Trả lời câu hỏi được đặt ra trong thảo luận tổ về việc ai chịu trách nhiệm về tiêu chí 12 và 13 trong xây dựng NTM, đồng chí Nguyễn Văn Phú, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh cho biết đây là trách nhiệm của các cấp, các ngành và từng địa phương. Đồng chí Phú lý giải: 2 tiêu chí này nói về lao động có việc làm ở khu vực nông thôn và tổ chức sản xuất. Trong đó, về tổ chức sản xuất, quy định rõ xã có ít nhất 1 HTX hoạt động đúng luật, trong 2 năm gần nhất có lãi và xã có mô hình liên kết sản xuất, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, nghĩa là có mô hình chứ không phải tất cả sản phẩm nông nghiệp của xã đều được bao tiêu sản phẩm. Thực tế, qua kiểm tra, các xã NTM của tỉnh đều đạt tiêu chí này.
Đồng chí Nguyễn Văn Phú, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại hội nghị
Về mô hình liên kết sản xuất, hiện Sở NN-PTNT đã tham mưu với tỉnh ban hành Đề án phát triển sản xuất hàng hóa tập trung nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020. Theo đó, mỗi năm có gần 2000 ha lúa, 300 ha cây vụ đông, 200 ha cây rau màu và 200 ha cây ăn quả gắn với bao tiêu sản phẩm. Để gắn kết người sản xuất với doanh nghiệp, mỗi mô hình được theo dõi trong 2 năm. Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm trước hết phải tuân theo cơ chế thị trường. Người sản xuất cần xác định, tính toán sản phẩm phù hợp với thị trường. Việc gắn kết tiêu thụ sản phẩm từ tỉnh, huyện đến chính quyền cơ sở cùng vào cuộc, hỗ trợnông dân vì người dân hợp tác với doanh nghiệp là việc không đơn giản, có khi hai bên đàm phán với nhau nhưng không đi đến kết quả.
Mức hỗ trợ nào?
Đồng chí Trần Văn Quân, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thanh Miện đề xuất: tỉnh tiếp tục có mức hỗ trợ các xã xây dựng NTM những năm tiếp theo là 7 tỷ đồng/xã. Lý do, những xã còn lại chưa xây dựng NTM là những xã cơ bản khó khăn. Căn cứ mức hỗ trợ này, tỉnh nên có phê duyệt trước, giao nhiệm vụ cho các địa phương thực hiện. Tỉnh cũng nên quyết định sớm, giao nguồn kinh phí cho các huyện chủ động phân bổ bởi ngoài nguồn tỉnh hỗ trợ, còn có nguồn của huyện. Do đó, nếu tỉnh giao cho cấp huyện sẽ thuận lợi cho việc cân đối ngân sách của địa phương để phê duyệt xây dựng.
Đồng chí Trần Văn Quân, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thanh Miện phát biểu tại hội nghị
Bí thư Huyện ủy Thanh Miện cũng cho rằng đối với những xã khó khăn, nên hỗ trợ từ 1-2 công trình. Ví dụ, tại Thanh Miện hiện còn khoảng 7 xã khó khăn, mỗi năm phấn đấu có 2-3 xã đạt NTM. Nên hỗ trợ phân bổ công trình cho các xã xây dựng NTM sau còn nhiều khó khăn. Tập trung 1-2 công trình/1-2 xã mỗi năm.
Về mức hỗ trợ mỗi năm khoảng 70 tỷ đồng cho các xã khó khăn, để xây dựng một số công trình cụ thể nhằm đạt mục tiêu xây dựng NTM, đồng chí Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Văn Phú cho biết, sở tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao các huyện lựa chọn việc sẽ hỗ trợ cho 1 hay 2 công trình hoặc 1 hay 2 xã. Đồng thời đề nghị các địa phương sớm đăng ký danh sách các xã này để tỉnh chủ động nguồn hỗ trợ.
Đồng chí Nguyễn Trọng Hưng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính thông tin: với mức hỗ trợ 7 tỷ đồng/xã đăng ký về đích và đã về đích NTM năm 2017 và hỗ trợ 70 tỷ đồng/năm cho các xã khó khăn, tỉnh cần nguồn kinh phí 420 tỷ đồng. Đến nay, mới cân đối được 280 tỷ đồng đã được cấp đi từ nguồn cải cách tiền lương, tăng thu ngân sách và vốn Trung ương cho các chương trình mục tiêu quốc gia. So với mức 350 tỷ đồng cho 50 xã đăng ký và đã về đích NTM năm nay, tỉnh vẫn nợ 76 tỷ đồng.
Đồng chí Nguyễn Trọng Hưng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính phát biểu tại hội nghị
Đối với các khoản nợ xây dựng NTM, đồng chí Giám đốc Sở Tài chính cho biết, tổng số nợ của các địa phương toàn tỉnh hiện khoảng 1.500 tỷ đồng. Trong đó, nợ xây dựng cơ bản hơn 1.106 tỷ đồng; nợ xi măng trả chậm 251 tỷ đồng, còn lại là các khoản nợ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia như xây dựng nhà văn hóa, phòng học kiên cố cao tầng, trạm y tế, sân vận động…
Đồng chí Giám đốc Sở Tài chính cũng chia sẻ với các ý kiến đề xuất tăng mức hỗ trợ mỗi xã đăng ký đạt NTM năm 2018-2019 từ 5 tỷ đồng lên 7 tỷ đồng. “Khi mới xây dựng NTM, tỉnh chọn các xã có điều kiện, đã đạt nhiều tiêu chí, lại hỗ trợ mức cao 15 tỷ đồng/xã. Sau đó, do điều kiện thu ngân sách khó khăn, mức hỗ trợ giảm dần, trong khi các xã làm sau nhiều xã còn khó khăn, nên nguyện vọng được tăng mức hỗ trợ là chính đáng. Nếu có điều kiện thì việc hỗ trợ ngang bằng, thậm chí cao hơn với các xã khó khăn là hợp lý”, đồng chí Hưng nói.
Tuy nhiên với mức nợ xây dựng NTM như hiện nay và bối cảnh thu ngân sách tỉnh năm 2017 có nguy cơ hụt thu từ 200-250 tỷ đồng, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh đề nghị các địa phương thông cảm. Trước mắt tỉnh chỉ có thể hỗ trợ 5 tỷ đồng/xã. Căn cứ từ nguồn thu thực tế, nếu tăng thu ngân sách lớn hoặc dồn dịch được các khoản thu, Sở Tài chính sẽ tham mưu điều chỉnh sau. Thực tế nguồn thu ngân sách các huyện năm nay khá hơn, nên các huyện cần quan tâm hỗ trợ các xã và trả nợ NTM. Để tránh tình trạng bị động trong phân bổ ngân sách hỗ trợ, đề nghị các xã, huyện cần xem xét vốn của từng địa phương, sớm đăng ký danh sách để UBND ra quyết định.
Đồng chí Nguyễn Trọng Hưng cũng nêu ý kiến, nên cân nhắc mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh có 89,8% số xã đạt NTM. Vì ngân sách còn nhiều việc phải lo, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ giao chỉ tiêu cho các địa phương có 80% số xã trở lên đạt NTM, nên tỉnh cũng nên đặt ra con số linh động từ 80% trở lên, thay vì đưa ra con số cứng nhắc 89,8%. Mục tiêu đến năm 2020, có 60% số huyện đạt NTM cũng cần cân nhắc vì thực tế nhiều huyện còn khó khăn, khó đạt các tiêu chí NTM.
Tầm nhìn dài hạn
Đồng chí Vũ Hồng Khiêm, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Cẩm Giàng cho rằng, về lâu dài để phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cần sớm quyết định chính thức về việc tích tụ ruộng đất, tạo điều kiện thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, hướng tới sản xuất hàng hóa và thực hiện các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Vì thực tế hiện nay, dù tỉnh đã quan tâm nhưng dân vẫn bỏ ruộng nhiều. Việc hỗ trợ sản xuất, nên duy trì các chương trình mục tiêu như kiên cố hóa kênh mương.
Đồng chí Vũ Hồng Khiêm, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Cẩm Giàng phát biểu tại hội nghị
Bên cạnh đó cũng cần quan tâm vấn đề xử lý môi trường. Đồng chí Bí thư Huyện ủy Cẩm Giàng phản ánh, hiện hầu hết các thôn, khu dân cư đều có bãi rác tập trung, song đều đã đầy, chưa biết xử lý như thế nào vì chưa quy hoạch được bãi rác mới. Vì vậy tỉnh cần sớm quan tâm, có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng mỗi huyện một nhà máy xử lý rác thải. Trước mắt, cần có giải pháp hỗ trợ các địa phương xử lý lượng rác thải đang tồn đọng, quá tải.
Đồng Nguyễn Trọng Hưng, Giám đốc Sở Tài chính lo ngại, về quy hoạch đường giao thông nông thôn, nếu đặt tiêu chuẩn đường thôn 3 m, đường xã 3,5 m, thì không lâu nữa sẽ thấy bất cập. Lý do, tới đây xe ô tô cũ, xe ô tô giá rẻ dồn về nông thôn nhiều, nhu cầu sử dụng ô tô của người dân tăng cao, nếu đặt tiêu chuẩn đường giao thông như vậy chỉ vài năm tới sẽ lạc hậu, nguy cơ ùn tắc giao thông hiện hữu. Vì vậy các địa phương cần có cái nhìn dài hạn, dành quỹ đất trong quy hoạch đường giao thông nông thôn.
PV