Khởi nghiệp từ nông nghiệp. Bài cuối: Liên kết để thành công

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 14:30, 21/10/2017

<b>Muốn khởi nghiệp bằng nông nghiệp thành công thì phải xây dựng chuỗi sản xuất khép kín, thắt chặt liên kết giữa các khâu. Đây chính là "bệ phóng" vững chắc cho những ý tưởng khởi nghiệp.</b><br>

>> Khởi nghiệp từ nông nghiệp. Bài 1: Khai thác thế mạnh



Nhờ đẩy mạnh liên kết nên mô hình sản xuất rau màu theo hướng hữu cơ của anh Mai Xuân Thịnh bước đầu thành công

Chú trọng khâu tiêu thụ

Khi quyết định làm giàu từ sản xuất nông nghiệp, điều mà anh Đào Huy Du ở thôn Quang Rực, xã Hồng Phong (Ninh Giang) lo lắng nhất là đầu ra sản phẩm. Sinh ra ở vùng quê thuần nông, anh Du thấm thía tình cảnh được mùa - mất giá của nông dân khi phụ thuộc vào thương lái. Vì vậy, sau khi thuê được 20 ha đất bãi sông, thay vì bắt tay ngay vào sản xuất, anh tìm hiểu nhu cầu tiêu dùng nông sản của khách hàng và liên hệ với doanh nghiệp thu mua. Anh Du cho biết: "Tôi không sản xuất dàn trải, ồ ạt mà vừa làm vừa nghe ngóng tín hiệu từ thị trường. Quỹ đất lớn nhưng với từng loại cây trồng ban đầu, tôi chỉ canh tác ở quy mô nhỏ để có sản phẩm chào hàng, thăm dò thị trường. Khi có doanh nghiệp đề nghị ký kết bao tiêu, tôi mới mở rộng quy mô sản xuất". Mặc dù biết làm như vậy sẽ lãng phí đất đai và công sức song anh Du cho rằng với lĩnh vực nhiều rủi ro như nông nghiệp thì phải có những bước đi thận trọng để tránh những tổn thất không đáng có.

Nhờ chủ động trong khâu tiêu thụ mà anh Du có được khởi đầu thuận lợi. Mục tiêu của anh là tạo ra khối lượng lớn nông sản, đồng đều về chất lượng để phục vụ xuất khẩu. Vụ đông năm nay, anh liên kết với doanh nghiệp sản xuất cà rốt, ngô ngọt, khoai lang... xuất khẩu.

Có nhiều năm kinh nghiệm liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản cho nông dân, ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Công ty CP Giống cây trồng Kiên Giang khẳng định chỉ có chú trọng khâu tiêu thụ thì sản xuất nông nghiệp mới lâu bền và mang lại hiệu quả cao. Ngành nông nghiệp gặp bế tắc chủ yếu do người dân không tự chủ được đầu ra. Từ bài học trong thực tế này, nhiều mô hình khởi nghiệp nông nghiệp được định hướng phát triển theo yêu cầu của thị trường.

Theo ông Cường, nhiều ý tưởng sản xuất nông nghiệp hiện nay bắt kịp xu thế để thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và hội nhập kinh tế quốc tế, khắc phục được những bất cập, hạn chế của tư duy sản xuất cũ. Trước kia, công ty gặp nhiều khó khăn trong việc liên kết thu mua nông sản vì nông dân sản xuất theo kiểu ăn chắc, giá thị trường cao hơn liền phá hợp đồng. Ngành nông nghiệp vốn bấp bênh sẽ càng trở nên may rủi nếu giữ thói quen sản xuất này. Do đó, nếu mô hình khởi nghiệp nông nghiệp nào giải quyết tốt được khâu tiêu thụ bằng việc liên kết với doanh nghiệp thì sẽ cầm chắc được thắng lợi trong tay.

Từ A - Z

Nông nghiệp là lĩnh vực sản xuất đặc thù, chịu tác động của nhiều yếu tố như thời tiết, thị trường, điều kiện sản xuất... Vì vậy, những mô hình sản xuất đơn lẻ chỉ có thể phát huy hiệu quả trước mắt. Về lâu dài, cần có sự liên kết đồng bộ, xây dựng mối quan hệ “4 nhà” thì mới tạo được chỗ đứng vững chắc để khai thác bền vững lợi thế và tiềm năng của ngành.

Quyết tâm khởi nghiệp từ nông nghiệp hữu cơ, anh Mai Xuân Thịnh ở xã Phương Hưng (Gia Lộc) lựa chọn mảnh đất Toàn Thắng, nơi có truyền thống thâm canh rau màu để lập nghiệp. So với các ý tưởng khác, lĩnh vực mà anh theo đuổi còn khá mới mẻ với mức độ mạo hiểm cao. Phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ đòi hỏi sự công phu, bài bản từ hạ tầng canh tác đến kỹ thuật sản xuất. Vì vậy, ngay từ đầu, anh Thịnh đã xác định muốn thành công thì phải thiết lập được mối quan hệ giữa “4 nhà”. Khu thâm canh rau màu hữu cơ của anh Thịnh luôn có kỹ sư nông nghiệp theo sát các quy trình, bảo đảm các điều kiện sản xuất được thực hiện nghiêm ngặt. Ngoài ra, anh còn tạo mối liên hệ với các đơn vị, cơ sở có nhu cầu thu mua. Đồng thời có những kiến nghị, đề xuất lên cơ quan chức năng để cùng tháo gỡ khó khăn trong quá trình sản xuất.

Nhờ liên kết chặt chẽ với từng mắt xích trong chuỗi liên kết “4 nhà” nên chặng đường khởi nghiệp của anh Thịnh bước đầu suôn sẻ. “Tổn thất trong nông nghiệp ngoài những nguyên nhân khách quan còn do người sản xuất chưa quan tâm tới việc xây dựng mối liên kết. Nếu mối quan hệ này được củng cố thì sản xuất nông nghiệp không còn như canh bạc mà sẽ chắc thắng”, anh Thịnh khẳng định.

Theo bà Vũ Thị Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành nông nghiệp đang thay đổi từng ngày để đáp ứng được với điều kiện sản xuất mới. Sự xuất hiện ngày càng nhiều của các mô hình khởi nghiệp nông nghiệp với những ý tưởng mới mẻ, cách làm sáng tạo chính là khởi đầu của nền nông nghiệp hiện đại. Song để có thể duy trì và phát huy hiệu quả những mô hình khởi nghiệp, tạo nền tảng cho phát triển nông nghiệp tương lai thì phải liên kết. Trong đó, phải tạo được điểm nhấn liên kết từ các mô hình nông nghiệp, sau đó lan tỏa ra toàn ngành. Trong chuỗi liên kết, mỗi chủ thể đóng một vai trò, chức năng riêng. Doanh nghiệp giữ vai trò đầu tàu, là động cơ để thúc đẩy liên kết khi có lợi thế về tài chính, thị trường. Nhà nước là chất kết dính giúp thắt chặt mối liên kết. Nhà khoa học bảo đảm chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất nhờ khoa học, công nghệ. Còn người dân là chủ thể trực tiếp sản xuất, tạo ra sản phẩm. Vì vậy, sản xuất chỉ đạt được hiệu quả khi liên kết khép kín. Nếu một mắt xích bị chặt đứt thì sẽ lại rơi vào tình trạng bế tắc.

NGUYỄN MƠ