Vui, buồn chuyện cổng làng
Di tích - Ngày đăng : 07:05, 23/10/2017
Cổng làng thôn Thái An, xã Quang Phục (Tứ Kỳ) được xây dựng khang trang với kinh phí vừa phải
Làm đẹp cho làng
Cổng làng là sản phẩm kiến trúc của người Việt cổ. Xưa kia, làng quê nào ở Bắc Bộ cũng có cổng làng. Từ chỗ ra đời với mục đích bảo vệ, cổng làng dần trở thành biểu tượng văn hóa của các làng quê. Trên cổng làng có tên, câu đối, đại tự giới thiệu về mảnh đất, con người; bên cạnh có cây đa, quán nước… Sau này, do chiến tranh tàn phá hoặc do nhu cầu giao thông nên nhiều cổng làng không còn phù hợp, phải phá bỏ để lưu thông.
Ngày nay, khi điều kiện kinh tế phát triển, nhiều thôn, làng bắt đầu quan tâm tới việc kiến thiết, vận động nhân dân, kêu gọi con em xa quê có điều kiện ủng hộ kinh phí xây dựng lại cổng làng. Không ít xã có tất cả các thôn đã xây lại cổng làng. Đây là việc làm thiết thực, góp phần tô điểm cho làng quê thêm khang trang; đồng thời khôi phục, phát triển nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt xưa.
Dọc tuyến đường tỉnh 391 từ TP Hải Dương về thị trấn Tứ Kỳ có khá nhiều cổng làng được xây dựng to, đẹp với nhiều kiểu kiến trúc khác nhau. Cổng làng Thái An, xã Quang Phục mới khánh thành xây theo kiểu tam quan (1 cổng chính, 2 cổng phụ), thiết kế 2 tầng cao hơn 8 m, rộng 10,7 m với mái bên trên uốn cong, lợp ngói đỏ, sơn màu sinh động, bắt mắt. Phía sau chiếc cổng bề thế này là con đường bê tông rộng rãi, thẳng tắp nối đường tỉnh 391 với thôn Thái An. Hiện thôn đang chuẩn bị gắn câu đối với nội dung ca ngợi tình làng nghĩa xóm ở hai bên. Tới đây, thôn sẽ láng bê tông những khoảng đất trống còn lại phía trước và sau cổng, kết hợp trồng hoa mười giờ dọc hai bên đường dẫn vào làng. “Từ ngày xây được cổng làng, diện mạo quê tôi khang trang hẳn. Nhân dân ai cũng phấn khởi, tự hào”, ông Nguyễn Ngọc Nghênh, Bí thư Chi bộ thôn Thái An nói.
Bộ mặt nông thôn của thôn Trịnh Xuyên, xã Nghĩa An (Ninh Giang) khởi sắc hơn rất nhiều từ ngày có cổng làng. Mặc dù đã xây dựng cách đây 8 năm nhưng chiếc cổng làng kiểu tam quan này trông vẫn khang trang, tạo dấu ấn đậm nét cho những ai lần đầu đặt chân tới đây. Bên trái phía trước cổng làng có một cây đa, phía sau một bên là kênh mương, một bên là dãy nhà cao tầng, biệt thự san sát. Tất cả cùng tạo nên khung cảnh vừa hiện đại, vừa mang nét văn hóa truyền thống đặc trưng của làng quê xưa.
Còn lộ cộ
Cổng làng là bộ mặt của mỗi thôn quê nhưng nhiều nơi chỉ dựng bằng khung sắt đơn điệu, sơ sài, không phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống
Ngày càng có nhiều nơi xây dựng cổng làng. Nhưng do không có một quy định cụ thể nào nên việc xây dựng cổng làng đang diễn ra khá lộ cộ, quy mô, kiểu dáng mỗi nơi mỗi khác.
Đa số các thôn xây dựng cổng làng theo kiểu truyền thống (tam quan) nhưng cũng có không ít nơi xây sơ sài, thậm chí làm cổng làng bằng khung sắt. Tiến sĩ sử học Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho rằng cổng làng là biểu tượng văn hóa truyền thống của làng quê Việt. Nếu xây dựng quá đơn điệu sẽ làm mất đi những nét đẹp văn hóa truyền thống. Cổng làng không cần mẫu chung nhưng phải có những tiêu chí cụ thể trong quá trình xây dựng. Ngoài tên, cổng làng tối thiểu cần có câu đối, đại tự ca ngợi hoặc ghi lại lịch sử phát triển của địa phương. Nếu có thể thì trang trí thêm tứ linh, tứ quý ở cột, xà.
Nhiều cổng làng ở Hải Dương hiện nay xây dựng quá tốn kém nhưng lại chưa thực sự tương đồng với đường sá, nhà cửa, điều kiện kinh tế của người dân địa phương. Cổng làng to nhưng nhà dân thì bé, đường giao thông chật chội, xuống cấp.
Một số cổng làng hiện nay được xây dựng với giá trị từ vài trăm triệu đến 1 tỷ đồng. Vẫn biết hầu hết cổng làng được xây dựng bằng nguồn xã hội hóa nhưng theo nhà sử học Tăng Bá Hoành chỉ cần trên 100 triệu đồng là có thể xây được cổng làng bảo đảm có đủ chi tiết đặc trưng truyền thống. Cổng làng chỉ cần xây dựng đủ rộng để ô tô, xe máy và người dân qua lại. Các trụ cột không cần quá to cao vì gây tốn kém, có khi còn làm cản trở giao thông. “Hiện không ít thôn làm cổng làng hoành tráng với chi phí lớn nhưng lại chưa có sân vận động để cho người dân tập luyện thể thao, chưa có bể bơi hoặc ao bơi hợp vệ sinh cho trẻ, nhiều gia đình chính sách còn gặp khó khăn về nhà ở… Tôi nghĩ chính quyền các địa phương cần hướng tới việc huy động, phân bổ và sử dụng hợp lý nguồn lực xã hội hóa, không vì quá chú trọng xây cổng làng mà bỏ qua những thứ nhân dân đang cần”, nhà sử học Tăng Bá Hoành nói.
Ông Nguyễn Ngọc Nghênh, Bí thư Chi bộ thôn Thái An cho biết trong quá trình vận động xây dựng cổng làng đã nhận được sự ủng hộ, tài trợ của rất nhiều con em xa quê, doanh nghiệp thành đạt với kinh phí hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, thôn thống nhất chỉ xây cổng làng với kinh phí hơn 170 triệu đồng, còn lại dành tiền để hoàn thiện hệ thống giao thông, xử lý rác thải…
Xây dựng cổng làng không những làm cho quê hương thêm khang trang mà còn góp phần gìn giữ, bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống. Trước khi làm cổng làng, mỗi địa phương cần cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng cho phù hợp, hài hòa, để vừa phát huy được các giá trị văn hóa, vừa tiết kiệm, không gây lãng phí. Quan tâm tuyên truyền, định hướng các tiêu chí trong xây dựng cổng làng cũng là việc cần thiết mà các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương nên làm.
BÌNH MINH