Thích ứng với già hóa dân số
Đời sống - Ngày đăng : 10:25, 23/10/2017
Nhưng làm gì, làm như thế nào để quan tâm thiết thực tới NCT là vấn đề không phải chỉ trong một tháng cao điểm mà phải quan tâm lâu dài.
Mới đây, phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "Nước ta đang bước vào thời kỳ già hóa dân số, đứng trước nguy cơ chưa giàu đã già, bỏ lỡ cơ hội của thời kỳ dân số vàng".
Thực tế, Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và là nước có tốc độ già hóa dân số thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Già hóa dân số tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội như tăng trưởng kinh tế, đầu tư tích lũy, lao động, chăm sóc y tế, an sinh xã hội. Ở các nước phát triển, NCT được hưởng sự chăm sóc đặc biệt nhờ chính sách an sinh xã hội rất tốt. Nói một cách nôm na là họ như những người giàu, sau một đời lao động, cống hiến cho xã hội, giờ chỉ việc an nhàn thụ hưởng.
Ở ta thì không được như vậy. Cuộc sống của NCT nước ta còn gặp nhiều khó khăn. Khoảng 2/3 số NCT sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp. Nhiều người trong số họ không có lương hay nguồn thu nhập ổn định nào, già rồi nhưng vẫn phải "bán mặt cho đất, bán lưng cho giời" để lo miếng cơm manh áo. Nhiều cụ đã 70-80 tuổi có khi vẫn phải lọ mọ ngoài đồng. Còn nếu có được ở nhà vẫn phải lo việc phơi phong thóc lúa, cơm nước phục vụ cho con cháu đi làm. Khi đã già yếu hẳn, không còn sức lao động nữa thì phải sống phụ thuộc vào con cháu nhưng trong điều kiện còn nhiều thiếu thốn. Kể cả những người từng là cán bộ, viên chức, có chế độ hưu trí ở nước ta cũng hầu như không có khái niệm được nghỉ ngơi thật sự. Nhiều người khi bắt đầu nghỉ hưu thì cũng bắt đầu hành trình đi trông cháu cho con. Cuộc sống có khi còn bí bách hơn cả lúc đi làm.
Trong những năm qua, nhờ làm tốt những chính sách y tế, chăm sóc sức khỏe, chất lượng cuộc sống được nâng lên, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam được nâng lên 73,4 tuổi. Nhưng tuổi thọ khỏe mạnh của người Việt Nam lại thấp (64 tuổi). Ðiều đó có nghĩa là NCT có khoảng 10 năm sống không khỏe. NCT Việt Nam cũng đối diện với gánh nặng bệnh tật kép, bị nhiều bệnh một lúc, đặc biệt là các bệnh mạn tính (tiểu đường, huyết áp, tim mạch…). Một nghiên cứu gần đây cho thấy có đến hơn 2/3 số NCT sống trong tình trạng sức khỏe yếu hoặc rất yếu. Phần lớn NCT gặp khó khăn về vật chất. Trong khi đó, hệ thống an sinh xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu, chưa có hệ thống chăm sóc dài hạn cho NCT.
Hải Dương với 13,6% số dân là NCT, tốc độ già hóa dân số nhanh. Tại tỉnh đã thành lập mô hình “Tư vấn và chăm sóc NCT dựa vào cộng đồng” với 30 câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao và vui chơi giải trí với nội dung phù hợp. Ðồng thời, cung cấp kiến thức về chăm sóc sức khỏe cho NCT, hỗ trợ và chăm sóc NCT. Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ của Tổ chức NCT quốc tế tại Việt Nam, tỉnh đã thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả 13 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau góp phần phát huy và chăm sóc NCT, chú trọng giúp đỡ NCT nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.
Chủ động thích ứng với quá trình già hóa dân số là việc phải làm và làm ngay với nhiều nội dung công việc hơn nữa để nâng cao nhận thức của người dân, nhân rộng và phát huy hiệu quả các hoạt động chăm sóc NCT.
KIM THANH