Thanh Khê loay hoay tìm nơi đổ rác
Môi trường - Ngày đăng : 16:25, 27/10/2017
Người dân xã Thanh Khê phải tự phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại gia đình
Gần 4 năm qua, từ khi kế hoạch xây dựng bãi rác khu Bãi Tranh thuộc thôn Xuân An không thực hiện được, xã Thanh Khê (Thanh Hà) vẫn loay hoay tìm chỗ đổ rác cho người dân.
Mặc dù dòng chữ "Cấm đổ rác" xuất hiện liên tiếp trên các bức tường song dọc đoạn đường từ thị trấn Thanh Hà vào xã Thanh Khê vẫn đầy rẫy bao bì, túi nilon vứt bừa bãi ven đường, nhiều đống rác tự phát mọc lên, có đống cháy dở dang gây mùi khó chịu.
Cứ 2 hoặc 3 ngày, anh Trần Văn Sơn ở thôn An Lão lại chở 2 - 3 bao rác từ quán ăn của gia đình đi đổ ở vườn nhà. Hai nơi cách nhau gần 1 km nên mỗi lần mang rác đi đổ anh mất gần 30 phút. Một ngày quán ăn của gia đình anh xả khoảng 10 kg rác. Thức ăn thừa gia đình để nuôi lợn, gà, còn vỏ lon bia, chai nước ngọt thì tích lại bán phế liệu. Tích cực phân loại để hạn chế số rác thải nhưng anh vẫn phải mang một lượng lớn giấy nilon, giấy ăn, vỏ lạc… đổ ra vườn.
Chị Nguyễn Thị Sen ở cùng thôn An Lão thường xử lý rác của gia đình bằng cách đốt. Dù đã phơi khô nhưng mỗi lần đốt rác là khói tỏa ra, cả xóm khó chịu vì mùi khét của túi nilon cháy. Đối với những loại rác như mảnh bát, đĩa, thủy tinh vỡ không thể phân hủy, chị Sen phải gom vào túi nilon, tranh thủ lúc đưa đón con đi học qua xã Thanh Hải vứt nhờ bên đó. “Không phải ai cũng có ý thức giữ vệ sinh môi trường. Thỉnh thoảng, tầm trưa hoặc tối, tôi thấy có người mang rác ra sông đổ trộm. Nhà tôi ở cạnh sông, nhiều khi xác lợn chết, gà chết nổi lềnh bềnh trên mặt sông, bốc mùi hôi thối”, chị Sen nói.
Ở thôn Xuân An có bãi rác tự phát mọc cạnh nghĩa trang. Xã đã 2 lần cấp tiền để thôn thuê máy san lấp, xử lý bãi rác tự phát này.
UBND xã Thanh Khê đã hai lần lên kế hoạch xây dựng bãi chôn lấp rác thải tập trung. Xã cũng tính đến phương án xây lò đốt rác nhưng cách nào cũng gặp khó khăn.
Trong xây dựng nông thôn mới, theo quy định bãi chôn lấp rác thải phải cách xa khu dân cư ít nhất 500 m. Năm 2013, xã quy hoạch khu Bãi Tranh thuộc đất công điền thôn Xuân An để xây bãi chôn lấp rác thải. Tuy nhiên, thấy khoảng cách giữa bãi rác và khu dân cư chỉ chừng 300 m, Thanh Khê đã dừng ngay việc này. Với quỹ đất hạn chế, xã khó có thể tìm ra điểm xây bãi rác phù hợp.
Năm 2014, UBND xã có ý định xây bãi chôn lấp rác ở khu Bãi Séc cũng thuộc thôn Xuân An. Chỗ này nằm cách xa khu dân cư, nhưng muốn đến đó phải qua sông. Nếu xây dựng bãi rác tại đây, xã phải làm cầu, đường, kinh phí ước tính khoảng 5 tỷ đồng. Chi phí đầu tư lớn nên kế hoạch này không thực hiện được.
Xã Thanh Khê đã tích cực tuyên truyền người dân nâng cao ý thức giữ vệ sinh môi trường, tự phân loại, xử lý rác sinh hoạt tại gia đình. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, xã vẫn cần có nơi đổ rác, thành lập tổ thu gom rác thải. Ông Cao Đức Khảng, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Khê cho biết: “Năm 2015, xã chuyển hướng sang xây lò đốt rác. Việc xây lò đốt rác khác với bãi rác thải tập trung vì những quy chế đặc thù và thủ tục pháp lý. Xã rất mong cấp trên có những biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn”.
HÀ NGA