Thông điệp lớn từ một bài thơ ngắn

Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 08:10, 29/10/2017

Thoáng nhìn cái đề bài "Bất chợt Côn Sơn", ngỡ tác giả là một trong hàng ngàn người đến chiêm ngưỡng khu danh lam, di tích mà tức cảnh thành thơ.

Thoáng nhìn cái đề bài "Bất chợt Côn Sơn", ngỡ tác giả là một trong hàng ngàn người đến chiêm ngưỡng khu danh lam, di tích mà tức cảnh thành thơ. Song, khi đọc những câu thơ mới thấy nó ẩn chứa cả một khoảng thời gian nghiền ngẫm đầy suy tư của người viết. Viết về Côn Sơn, về người Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi thì đã có quá nhiều người viết rồi. Nỗi oan khuất đớn đau chưa từng thấy trong lịch sử, những cuộc trả thù tàn bạo thời hậu Lê. Đọc cuốn sách "Nguyễn Trãi đánh giặc cứu nước" của cụ Nguyễn Lương Bích ta mới thấy được sau khi Lê Lợi mất, tập đoàn phong kiến của Lê Thái Tổ đã phân hóa, chia bè đảng nhũng loạn đến thế nào. Cái án oan tày trời giáng xuống đầu Nguyễn Trãi (án tru di tam tộc) để lại dấu ấn khủng khiếp cho muôn thế hệ. Vậy thì viết gì đây trước trang bản thảo, khi mà:

Bao nhiêu người làm thơ về thông xanh núi biếc
Làm thơ thương tiếc Ức Trai


Nỗi đau đáu trở trăn của tác giả chợt bùng phát viết nên câu thơ:

Tôi chỉ thấy Côn Sơn sừng sững niềm kinh hãi
Sáu trăm năm vệt máu vẫn loang dài


Khẩu khí câu thơ, hồn cốt câu thơ và một xúc cảm dâng tràn trong cách thể hiện mang nét mới và lạ, thật sự làm sửng sốt người đọc. Câu thơ như có ma lực nhập vào. Nó vỡ òa những bàng hoàng tức tưởi, đau xót trước thảm họa. Nó mở ra biên độ cảm xúc với chiều kích thật sâu thẳm, thật cao rộng, có sức bay lên mênh mông với lòng cảm khái của một ý thức cao hơn ở sự cảnh báo. Không chỉ nỗi oan của riêng Nguyễn Trãi, nó còn nói cho nỗi oan của con người nói chung và những hậu quả của một giai đoạn lịch sử để lại. Trước sáu trăm năm hay sau sáu trăm năm, với cuộc sống trong quan hệ giữa người với người luôn là những đố kỵ, những âm mưu thủ đoạn nham hiểm bên cạnh những tấm lòng trong sáng mà ý tưởng bài thơ vượt ra ngoài biên giới cùng chia sẻ với cộng đồng.

Sự xuất hiện của Nguyễn Trãi là một hình ảnh đẹp lung linh, tỏa sáng khi sau này vua Lê Thánh Tông nói về Người: "Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo" (lòng Ức Trai sáng như sao Khuê) là sự khẳng định vĩnh hằng cho giá trị chân - thiện - mỹ của cuộc đời. Tầm tư duy của tác giả bài thơ "Bất chợt Côn Sơn" đã bứt ra ngoài những trói buộc của ngôn từ để phát biểu quan điểm nghệ thuật và hoài bão mang đầy tính nhân văn như một thông điệp gửi cuộc sống. Tới đây, bỗng nhớ câu nói nổi tiếng của nhà văn tài năng Tiệp Khắc Phu-xích (Julius Fucik) trong tác phẩm "Viết dưới giá treo cổ": "Hỡi những con người mà ta hằng yêu thương, hãy cảnh giác!".

Bất chợt Côn Sơn


Bao nhiêu người làm thơ về thông xanh núi biếc
Làm thơ thương tiếc Ức Trai
Tôi chỉ thấy Côn Sơn sừng sững niềm kinh hãi
Sáu trăm năm vệt máu vẫn loang dài!...


HÀ CỪ


NGUYỄN HUY