Nhập nhèm thu chi ở Trường Tiểu học Hà Kỳ

Bạn đọc - Ngày đăng : 05:00, 31/10/2017

Một số phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Hà Kỳ (Tứ Kỳ) phản ánh về nhiều khoản thu chi đầu năm học của trường không rõ ràng.


Phụ huynh phản ánh năm nào cũng phải đóng tiền xây dựng cơ sở trường lớp nhưng con họ vẫn phải học trong dãy nhà cấp 4 cũ kỹ, sân trường tù đọng nước sau mưa

Theo chị N.T.T. có con học lớp 4, khi con vào lớp 1 chị đã đóng 500.000đồng tiền ủng hộ trường xây dựng cơ sở hạ tầng. Từ đó đến nay, năm nào chị cũng phải đóng khoản này. Riêng năm học 2017-2018 chị phải đóng 350.000 đồng. "Mặc dù đóng số tiền cao như vậy nhưng chúng tôi thấy trường không xây dựng, mua sắm gì. Hiện con tôi vẫn phải học trong căn phòng cấp 4 chật chội, sân trường cũng chưa được làm", chị T. nói.

Một số cha mẹ học sinh trong thôn còn phản ánh nhiều khoản thu khác không hợp lý. Học kỳ II năm học 2016 - 2017, nhà trường lắp đặt đường điện ba pha và yêu cầu mỗi học sinh phải đóng 100.000 đồng. Hầu hết cha mẹ các em đã đóng tiền, song khi biết số tiền phải đóng nhiều hơn so với chi phí thực tế nên đã phản đối và nhà trường trả lại tiền. Mặc dù học sinh phải đóng quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh nhưng quỹ do nhà trường giữ và chi tiêu. Nhà trường chi khoản gì, sau mỗi năm học số tiền còn lại là bao nhiêu thì Ban đại diện cha mẹ học sinh cũng không rõ. Năm nay, nhà trường xây dựng ở mỗi khối 3, 4 và 5 một lớp chọn và yêu cầu mỗi học sinh đóng 500.000 đồng để bồi dưỡng giáo viên. Chị B.T.H., một phụ huynh cho biết: "Khi chúng tôi có ý kiến nếu bồi dưỡng giáo viên thì phụ huynh học sinh sẽ tự đóng rồi chuyển cho giáo viên, Ban giám hiệu nhà trường lại trả lời sẽ không duy trì lớp chọn nữa".

Một số phụ huynh học sinh còn phản ánh số tiền nhà trường thông báo dùng để làm vườn cổ tích, vẽ tranh tường, mua ti vi... đều cao gấp nhiều lần so với thực tế. Cha mẹ học sinh nhiều lần yêu cầu họp trực tiếp với Ban giám hiệu nhà trường để làm rõ một số khoản thu chi nhưng nhà trường đều từ chối.

Bà Ngô Thị Hạt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hà Kỳ cho biết trường giữ quỹ trên do thành viên trong Ban đại diện cha mẹ học sinh không muốn giữ, vì họ còn phải làm nhiều việc khác. Mỗi khi mua sắm, trường đều xin ý kiến của ban.  

Theo bà Hạt, việc thu chi đều thực hiện theo hướng dẫn của cấp trên. Trước năm học mới, nhà trường thống kê các công trình cần nâng cấp, sửa chữa, lên dự toán, sau đó xin ý kiến của lãnh đạo UBND xã rồi mới thu tiền của học sinh. Trường đã có kế hoạch sửa chữa sân trước cửa dãy phòng học cấp 4 của khối lớp 4, nhưng vài năm gần đây xã kêu gọi đầu tư xóa nhà cấp4 nên nếu trường làm mới sẽ gây lãng phí. Để bảo đảm cho học sinh đi lại, vui chơi, trường sẽ tu sửa sân trường trong thời gian tới. "Tất cả các khoản thu chi của trường đều có sổ sách ghi chép và cuối năm quyết toán đầy đủ, không có chuyện chỉ có thu mà không có chi như phản ánh của một số phụ huynh học sinh", bà Hạt khẳng định.

Để tìm hiểu thêm về các khoản thu chi của Trường Tiểu học Hà Kỳ, sáng 23.10, chúng tôi gọi điện thoại hẹn gặp ông Vũ Văn Bộ, Chủ tịch UBND xã Hà Kỳ. Ông Bộ yêu cầu chúng tôi cung cấp thông tin người phản ánh để mời lên đối chất. Khi phóng viên không đồng ý cung cấp thì ông Bộ cáo bận họp trên huyện, không thể tiếp phóng viên được và tắt máy.

Ông Trần Văn Khái, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tứ Kỳ cho biết đã nắm được thông tin một số người dân phản ánh Trường Tiểu học Hà Kỳ thu quỹ và một số khoản phí không đúng quy định. Phòng đã cử cán bộ đi xác minh, theo thông tin thu được thì năm học này trường chưa thu tiền ủng hộ xây dựng cơ sở hạ tầng, quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh. Tiền xây dựng cơ sở vật chất là khoản đóng góp không bắt buộc đối với học sinh. Để dạy theo năng lực, sở trường thì trường sẽ tổ chức cho học sinh đăng ký và tổ chức dạy chứ không thành lập một lớp riêng và thu tiền bồi dưỡng giáo viên.

Việc Trường Tiểu học Hà Kỳ giữ quỹ của Ban đại diện cha mẹ học sinh là trái với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cần phải chấn chỉnh. Còn đối với các khoản thu chi khác, đề nghị Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tứ Kỳ, xã Hà Kỳ sớm làm rõ để trả lời những thắc mắc của phụ huynh học sinh.


PV