Liên kết sản xuất vụ đông
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 09:10, 05/11/2017
Nông dân Đức Chính liên kết với nhiều doanh nghiệp bao tiêu cà rốt trong vụ đông năm nay
Điểm nhấn
Nếu như vụ đông trước, điệp khúc "được mùa, mất giá" lặp lại với nông dân trong tỉnh khi giá nông sản xuống thấp thê thảm thì năm nay người trồng cà rốt ở Đức Chính (Cẩm Giàng) lại hân hoan với niềm vui được mùa, được giá. Do chủ động liên kết tìm đầu ra nên khi thị trường biến động, giá cà rốt vẫn ổn định, nông dân thu lãi từ 5 - 6 triệu đồng/sào.
Ông Nguyễn Đức Thuật, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp xã Đức Chính cho biết: “Tiếp đà thắng lợi từ vụ sản xuất trước, năm nay, được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giới thiệu, chúng tôi đã liên hệ với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước để tiêu thụ cà rốt. Do đã yên tâm về giá bán nên dù thời tiết đầu vụ bất lợi khiến lịch gieo trồng gián đoạn nhưng bà con vẫn chắt chiu thời vụ để bảo đảm tiến độ. Đến nay, toàn xã đã cơ bản gieo trồng xong 335 ha cà rốt”.
Việc kết nối với doanh nghiệp mang lại nhiều lợi ích. Nông dân không còn thấp thỏm lo lắng, lệ thuộc vào thương lái như trước mà chỉ chuyên tâm vào sản xuất, tạo ra sản phẩm tốt nhất đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Từ đó, tư duy canh tác của người dân cũng thay đổi, chú trọng tới chất lượng hơn.
Vụ đông này, niềm vui cũng được nhân đôi với 168 thành viên của HTX Tân Minh Đức ở thôn Nam Cầu, xã Phạm Trấn (Gia Lộc) khi nhiều tổ chức, cá nhân ngỏ ý liên kết, tiêu thụ nông sản. Vốn có kinh nghiệm trong sản xuất rau an toàn nên HTX được các doanh nghiệp lớn, uy tín lựa chọn là đơn vị cung cấp rau sạch. Đến nay, HTX đã ký hợp đồng bao tiêu với siêu thị Big C Thăng Long, Tổng công ty CP Thương mại Hà Nội (Hapro) và Công ty Đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco (Tập đoàn Vingroup).
Ông Phùng Danh Mừng, Giám đốc HTX cho biết: “Hiện tại, mỗi ngày HTX xuất bán 3 tấn su hào, cải bắp cho các đơn vị bao tiêu. Vào thời điểm chính vụ có thể lên tới vài chục tấn. Do giá bán cho doanh nghiệp cao hơn từ 10-20% so với thị trường nên người dân rất phấn khởi. Cũng vì hiệu quả kinh tế mang lại nên sắp tới, chúng tôi sẽ mở rộng thêm quy mô canh tác, mời gọi thêm nhiều doanh nghiệp ký kết bao tiêu sản phẩm”.
Liên kết trong sản xuất, tiêu thụ là điểm nhấn trong bức tranh vụ đông năm nay của tỉnh. Không chỉ các doanh nghiệp trong tỉnh mà nhiều đơn vị tỉnh khác và nước ngoài cũng quan tâm tới nông sản vụ đông của Hải Dương. Những sản phẩm chủ lực của tỉnh như su hào, cải bắp, cà rốt, khoai tây... được doanh nghiệp lựa chọn liên kết để bao tiêu. Khoảng 1.000 ha cây vụ đông hiện có hợp đồng bao tiêu từ đầu vụ, tập trung tại các huyện Cẩm Giàng, Gia Lộc, Ninh Giang, Thanh Miện, Tứ Kỳ.
Để liên kết bền vững
Ngô ngọt là nông sản được nhiều doanh nghiệp ký kết bao tiêu trong vụ đông năm nay
Năm nay, Công ty TNHH một thành viên Hưng Việt (Gia Lộc) liên kết với nông dân sản xuất 200 ha rau màu vụ đông. Tuy nhiên, diện tích này không tập trung toàn bộ tại Hải Dương mà rải rác ở các tỉnh Bắc Giang, Thái Bình và TP Hải Phòng. Điều này phản ánh một thực tế đang tồn tại là công ty đặt tại vùng nguyên liệu nhiều khi không khai thác được lợi thế tại chỗ. Lý giải về điều này, ông Tăng Xuân Trường, Giám đốc công ty cho biết: Năng lực xuất khẩu của doanh nghiệp ngày càng lớn. Dự kiến sản lượng tiêu thụ rau, củ, quả năm nay của công ty đạt 600.000 tấn, gấp đôi năm trước, tập trung vào các loại rau vụ đông. Hải Dương có nhiều nông sản thế mạnh trong vụ đông, tiềm năng xuất khẩu là rất lớn. Song điều đáng tiếc là sản phẩm nhiều nhưng chưa tinh, chưa bảo đảm được các tiêu chuẩn xuất khẩu. Để khắc phục, công ty đã hướng dẫn nông dân các kỹ thuật chăm sóc có thể đáp ứng được đòi hỏi của đối tác. Tuy nhiên, kết quả chưa được như mong đợi. Nếu có thể tháo gỡ được khó khăn này thì giá trị sản xuất vụ đông của Hải Dương sẽ rất lớn bởi có nhiều doanh nghiệp kết nối tiêu thụ khi sản phẩm đạt chất lượng.
Theo bà Vũ Thị Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngoài những địa phương có truyền thống thâm canh cây vụ đông thì một số nơi trong tỉnh, sản xuất vụ đông đang “hụt hơi”. Nguyên nhân chủ yếu do nông dân vẫn phải tự sản, tự tiêu nên giá bán bấp bênh, không tương xứng với chi phí, công sức đầu tư. Vì vậy, để thúc đẩy vụ đông, phải giải được bài toán về đầu ra sản phẩm. Trước thực tế này, sở đã chủ động đặt vấn đề với nhiều doanh nghiệp có khả năng bao tiêu nông sản cho người dân trong và ngoài tỉnh. Theo đánh giá ban đầu, nhu cầu thu mua của các đơn vị rất lớn. Tuy nhiên liên kết có bền vững hay không còn phụ thuộc vào nông dân. Người dân phải từ bỏ tư duy cũ, hướng tới sản xuất bài bản để làm ra sản phẩm đạt chất lượng tốt. Đồng thời, mối liên hệ giữa nông dân, doanh nghiệp phải trên tinh thần đôi bên cùng có lợi. Muốn lợi ích của các bên hài hòa thì cơ quan chuyên môn phải vừa là chất kết dính để gắn kết mối quan hệ, vừa đóng vai trò điều tiết, giải quyết mâu thuẫn các bên. Có như vậy liên kết mới thực sự phát huy hiệu quả và vụ đông sẽ thắng lớn.
DŨNG CƯỜNG