Mãi nồng nàn tình yêu nước Nga

Đời sống - Ngày đăng : 07:10, 06/11/2017

Trong tâm khảm của nhiều thế hệ sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam, những tháng ngày học tập, công tác tại nước Nga (thuộc Liên Xô cũ) vẫn nguyên vẹn một tình yêu sâu đậm, nồng nàn với con người và xứ sở Bạch Dương.


Tiến sĩ Hà Bạch Đằng (thứ hai từ trái) và những người bạn đã từng học tại Nga thường gặp nhau để ôn lại kỷ niệm

Những vòng tay nhân hậu

Sau 7 ngày đêm lênh đênh vượt biển, đoàn hàng nghìn học sinh Việt Nam lên tàu hỏa để đến các trường học trong Liên bang Xô Viết. Đó là những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9.1969.

Đêm mùng 2, rạng sáng 3.9.1969, đoàn tàu đang chuyển bánh về tỉnh Vladivostok (Nga), toàn thể lưu học sinh trên tàu đau đớn, bàng hoàng khi nghe tin Bác Hồ đã từ trần. Nỗi buồn đau bao trùm, nhiều người òa khóc.

Một người trong số lưu học sinh trên chuyến tàu năm ấy - tiến sĩ Hà Bạch Đằng, nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ vẫn nhớ và biết ơn những cán bộ, nhân viên người Nga trên tàu đã kịp thời chia sẻ, động viên họ bình tĩnh, vượt qua nỗi đau. Cũng chính những cán bộ, nhân viên đó đã tìm vải trắng, vải đen, xé ra thành những mảnh băng tang cho lưu học sinh Việt Nam để tang Bác. Lễ truy điệu Bác được tổ chức ngay trên chính đoàn tàu ấy. Tàu dừng ở ga nào, dù là ga nhỏ, nhân dân Nga cũng tổ chức lễ truy điệu Bác Hồ.

"Ấn tượng sâu đậm nhất là khi tàu đến TP Ulan-Ude lúc đã hơn 1 giờ đêm. Trên sân ga, hàng nghìn người đã chờ sẵn đón đoàn. Trong đó có cả những bà mẹ Nga tay bế con nhỏ đứng chờ đoàn đến để làm lễ truy điệu Bác", tiến sĩ Đằng hồi tưởng. Lễ truy điệu Bác được tổ chức trang trọng. Chính giữa nhà ga là bức ảnh Bác cao 4-5 m. Mọi người đều đeo băng tang. Cả đoàn lưu học sinh và người dân Nga khóc lặng khi đoàn quân nhạc cử bài "Hồn tử sĩ". Nhân dân Nga dang rộng vòng tay ôm lấy những lưu học sinh nhỏ bé.

"Nỗi mất mát quá lớn như được sẻ chia bởi những vòng tay nhân hậu. Đây chính là nguồn động viên để chúng tôi - những chàng trai 17-18 tuổi lần đầu xa gia đình, cơm chưa bữa nào no, áo mặc không đủ ấm vượt qua vô vàn những khó khăn, thử thách sau này", tiến sĩ Đằng xúc động.

Thân thương như ở quê nhà

"Sáu năm sống và học tập ở Liên Xô, được tiếp xúc với nhiều người từ các thầy, cô giáo, bạn bè sinh viên đến những người dân thường gặp trên đường phố, cảm nhận chung của tất cả lưu học sinh chúng tôi là người Nga và người dân các dân tộc khác của đất nước Xô Viết rất đôn hậu, tốt bụng", trong bài viết "Những năm tháng không thể nào quên" gửi về Báo Hải Dương, nguyên Trưởng Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh Hoàng Văn Bảo ôn lại. Ông Bảo kể: "Nếu bạn hỏi đường họ không những chỉ dẫn cặn kẽ mà có thể còn dắt bạn đến tận nơi... Một lần vào mùa đông 1981 lên thăm thành phố Leningrad (Saint Petersburg) tôi hỏi đường đến ký túc xá Học viện Lâm nghiệp, mấy thanh niên người Nga dẫn tôi đến tận cửa ký túc xá rồi mới quay lại hàng trăm mét dưới trời tuyết rơi trắng xóa".


Nguyên Trưởng Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh Hoàng Văn Bảo vẫn lưu giữ những bức ảnh quý giá về một thời học tập, sinh sống tại Nga

Ông Bảo còn nhớ, đầu năm1979 khi ông đang học tiếng Nga ở Trường Hóa dầu Baku nước Cộng hòa Azecbaijan (thuộc Liên Xô) thì ở trong nước, chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra. "Chúng tôi biết tin này thông qua những người bạn Liên Xô. Hôm sau lên lớp các thầy, cô giáo và bạn bè nhìn chúng tôi với ánh mắt rất lo âu. Họ hỏi Hà Nội cách Lạng Sơn bao xa; nhà bạn có gần chiến trường không; Trung Quốc to lớn thế liệu Việt Nam có giữ được Hà Nội không, tổn thất có lớn không…? Họ lo lắng cho Việt Nam như chính cho họ vậy", ông Bảo cho biết. Ngày ấy, thông tin rất khó khăn. Thư hoặc báo gửi đi hàng tháng mới đến. Vậy là, toàn bộ lưu học sinh Việt Nam đều nắm tình hình chiến sự hằng ngày qua chính các thầy giáo, cô giáo và bạn bè Xô Viết cung cấp. "Cảm động nhất là phong trào phản đối chiến tranh xâm lược của Trung Quốc, ủng hộ Việt Nam do các bạn Liên Xô tổ chức diễn ra rầm rộ. Hàng chục cuộc mít tinh, tuần hành của thanh niên, sinh viên cuốn hút rất nhiều sinh viên các nước khác tham dự", ông Bảo ghi chép lại.

Với nữ tiến sĩ Đỗ Thị Nhan, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hải Dương thì thời gian chữa trị trong Bệnh viện Lao ở thành phố Leningrad là quãng đời không bao giờ chị quên. Nhắc lại những ngày tháng ấy, mắt chị nhòa đi vì xúc động. Đó là vào năm 1988, chính trong lúc đau ốm, một mình xa quê, không có người thân bên cạnh, chị mới cảm nhận sâu sắc những tình cảm đặc biệt của đội ngũ cán bộ, bác sĩ, nhân viên người Nga đối với sinh viên Việt Nam. Tiến sĩ Nhan chia sẻ: "Mỗi sáng, các y, bác sĩ đều ân cần đến tận giường bệnh thăm hỏi. Tôi được ưu tiên chăm sóc kỹ đến từng bữa ăn, giấc ngủ". Không còn nhớ được tên từng người, nhưng chị nhớ chính xác từng chi tiết ân cần của các y, bác sĩ khi phẫu thuật, điều trị đối với nữ bệnh nhân Việt Nam bé nhỏ, chỉ nặng chưa đầy 40 kg. 4tháng một mình trong viện, nhưng chị không thấy cô đơn. Ra viện, không phụ công chăm sóc của bạn bè quốc tế, chị quyết tâm ôn thi, học đuổi theo bạn bè và hoàn thành tốt chương trình học tập toàn khóa.

Ghi dấu quãng đời sôi nổi

"Ngày ấy, vào dịp nghỉ hè chúng tôi được tham gia lao động tình nguyện. Thường là về các vùng phía nam ấm áp giúp nông dân Nga thu hoạch nho, táo hoặc bẻ hoa thuốc lá ở các nông trang tập thể. Đây mới thực sự là cánh đồng trải dài bát ngát. Ô tô chạy hàng giờ mới hết cánh đồng nho. Sinh viên tha hồ giao lưu, trao đổi với bạn bè quốc tế", ông Bảo cho biết. Với ông Bảo và nhiều học sinh Việt Nam, đó là những tháng ngày sôi nổi, tràn trề nhiệt huyết.  

Ông Bảo còn nhớ vào mùa hè năm 1983, ông được đi dự Liên hoan thanh niên hai nước Việt Nam - Liên Xô do Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Lênin và Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức ở TP Kazan - thủ phủ của Cộng hòa Tatarstan. Đây là thành phố được coi là thủ đô thứ 3 của Liên bang Nga sau Leningrad và Moskva. Lần đầu tiên ông là đại biểu VIP của một hội nghị quốc tế lớn. "Hội nghị được bạn tổ chức rất chu đáo, trọng thị với tinh thần đoàn kết hữu nghị mẫu mực làm bọn tôi và các thanh niên khác ở trong nước sang dự hết sức cảm động", ông Bảo nói.

Tiến sĩ Đằng còn trở lại Nga (Liên Xô cũ) nhiều lần để nghiên cứu và công tác. Ông đã trải qua cả lúc nước Nga thịnh vượng và giai đoạn khó khăn nhất sau khi Liên Xô tan rã. Tuy nhiên, với ông, tình cảm nhân hậu, sự quan tâm sâu sắc, đặc biệt dành cho nhân dân Việt Nam của người dân Nga chưa bao giờ thay đổi. Có dịp, ông vẫn trở lại thăm trường, thăm lại các thầy giáo V.N Livshis, S.A Panop - những người thầy đã ân cần dạy ông từ cách cầm thìa, dĩa, cách giao tiếp, ứng xử đến kiến thức chuyên sâu. Những kiến thức ấy và vốn tiếng Nga dày dặn đã giúp ông ngày càng trưởng thành trong công tác.

Ông Đằng cho biết: "Những lưu học sinh, sinh viên Việt Nam chúng tôi không bao giờ quên công lao của các thế hệ giáo sư, nhà giáo, các cơ sở giáo dục của Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay đã giúp đỡ Việt Nam đào tạo hàng chục vạn cán bộ, chuyên gia trình độ chuyên môn cao, công nhân lành nghề, những người mà sau này trở thành những thế hệ nòng cốt, phục vụ công cuộc bảo vệ, xây dựng, kiến thiết đất nước Việt Nam".

Trở về lao động, sinh sống trong nước nhưng những cựu lưu học sinh Trường MADI (Học viện Đường bộ và ô tô Moskva) như ông Đằng trong cả nước vẫn gặp lại nhau để nhắc nhớ về trường xưa, về những tấm lòng nhân dân Nga đôn hậu, về nước Nga, về một phần đời đậm sâu nhiều kỷ niệm với xứ sở Bạch Dương.


TRUNG THU