Lầu thủy đình - điểm nhấn di tích chùa Trăm Gian

Di tích - Ngày đăng : 13:10, 08/11/2017

Lễ hội chùa Trăm Gian, xã An Bình (Nam Sách) diễn ra từ ngày 30.10 - 1.11 (tức 11 - 13.9 âm lịch).


Thứ trưởng Văn hóa - Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên (giữa) dự lễ cắt băng khánh thành

Lễ hội là dịp để người dân và du khách thập phương tụ hội, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Ngày 13.9 âm lịch hằng năm còn là ngày giỗ của vị sư tổ tự Phả Tiến, húy Thanh Lịch. Ông có công viết sách cho khắc bản mộc, khai trường thuyết pháp, giảng đạo, trấn hưng Phật giáo tại địa phương.

Điểm nhấn của Lễ hội chùa Trăm Gian năm nay là công trình lầu thủy đình được tu bổ, tôn tạo trong khuôn viên chùa. Lễ khánh thành diễn ra đúng ngày khai hội chùa Trăm Gian. Thứ trưởng Văn hóa - Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên về dự. Trên 2.000 tăng ni, phật tử khắp nơi đã về đây tụ hội.

Trong không khí nô nức của lễ hội, người dân xã An Bình năm nay phấn khởi, tự hào hơn vì cảnh quan chùa được tu bổ, tôn tạo trang nghiêm. Đặc biệt, công trình lầu thủy đình uy nghi, lộng lẫy là điển nhấn trong khuôn viên chùa.

Rảo bước trên cây cầu dẫn lên lầu thủy đình làm lễ cầu may, bà Nguyễn Thị Hợi, thôn An Đông (An Bình) cho biết: "Chùa Trăm Gian đã gắn liền với đời sống tâm linh của người dân nơi đây bao đời nay. Chứng kiến ngôi chùa thăng trầm cùng thời gian, cảnh quan mỗi ngày một khang trang, đẹp đẽ, tôi rất tự hào, phấn khởi".


Trong lầu, tượng đức Phật Quan Âm cao 2,36m, nặng 6,6 tấn tọa

Không chỉ có người dân địa phương, du khách thập phương về đây dự lễ hội cũng ngỡ ngàng trước diện mạo đổi thay của ngôi chùa: "Năm ngoái về đây dự hội, chùa mới tu sửa lại khu cổng chính, một số công trình như dãy nhà thờ Tổ. Năm nay, chùa lại trùng tu, tôn tạo thêm lầu thủy đình trên hồ nước. Phật tử chúng tôi thỏa lòng chiêm bái", bà Đoàn Thị Thê ở huyện Việt Yên (Bắc Giang) nói.

Lầu thủy đình có kiến trúc độc đáo như một đóa hoa sen vươn thẳng lên từ mặt ao. Tám mái lợp ngói ta, tám đầu đao cong đắp hình rồng. Nóc lầu hình bầu rượu. Trong lầu, tượng đức Phật Quan Âm cao 2,36m, nặng 6,6 tấn tọa trên đài sen, chất liệu đá cẩm thạch hồng nguyên khối.

Công trình được xây dựng mang đậm tính triết lý nhân văn với vòng ngoài hình vuông tượng trưng cho âm, cột trụ hình tròn tượng trưng cho dương. Từ sân chùa ra lầu thủy đình được nối bởi cây cầu dài 13,5m, rộng 3m, hai bên tường đắp phù điêu hình hoa sen và có 9 bậc thang.

Lầu thủy đình được xây dựng trên diện tích 50m2, khởi công xây dựng ngày 2.2.2017 với kinh phí gần 2 tỷ đồng, do gia đình bà Nguyễn Thị Đạt ở thôn An Đông (An Bình) cung tiến. "Con cháu tôi xa quê nhưng luôn nhớ về nguồn cội. Mong mỏi được cống hiến cho quê hương của gia đình nay mới được toại nguyện. Công trình vừa là nơi thỏa nguyện tâm linh của người dân vừa là cách để gia đình tôi giáo dục con cháu đời sau truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn", bà Đạt phấn khởi cho biết.


Đoàn văn nghệ địa phương với tiết mục hát quan họ bên lầu thủy đình

Theo ông Lê Đình Khoa, Chủ tịch UBND xã An Bình, sau khi gia đình bà Đạt đặt vấn đề phát tâm cung tiến tu bổ, tôn tạo công trình, cấp ủy, chính quyền địa phương và Ban Quản lý di tích chùa Trăm Gian đã báo cáo, xin ý kiến Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch. "Được sự đồng ý của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cấp ủy, chính quyền và Ban Quản lý khu di tích cùng gia đình bà Đạt đã họp bàn, thống nhất các phương án triển khai. Công trình được đội thợ hoàn thành trong 7 tháng ròng", ông Khoa nói.

Chùa Trăm Gian - tên tự là chùa Vĩnh Khánh hay còn gọi là chùa An Ninh. Tương truyền, chùa được xây dựng từ thời Lý (thế kỷ XI - XII). Đến thời Trần, tướng Nguyễn Huy Tĩnh đã đóng quân tại chùa để đánh quân Nguyên. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chùa là cơ sở của bộ đội địa phương. Thời kỳ chống Mỹ đây là cơ sở quân y hậu cần của Quân khu 3.

Chùa được trùng tu với quy mô lớn vào thế kỷ XVII. Chùa gồm nhiều công trình nhỏ, kiến trúc theo kiểu nội công ngoại quốc liên hoàn khép kín trên một diện tích trên 1000m2. Cổ vật của chùa lưu giữ đến nay có 57 pho tượng, 12 đại tự, 12 câu đối, 738 bản khắc kinh phật... Chùa có 7 bia đá, khắc dựng vào các năm Chính Hoà 22 (1701), Vĩnh Thịnh thứ 2 (1706), Gia Long thứ 8 (1809)...

Với những giá trị to lớn, ngày 3.5.1990, chùa Trăm Gian được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử quốc gia.

LÊ HƯƠNG