Quyết định hợp lòng dân

Đời sống - Ngày đăng : 11:24, 10/11/2017

Việc chấm dứt sổ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân được dư luận cả nước đánh giá ngang với việc bãi bỏ chế độ tem phiếu thời bao cấp.

Dư luận cả nước mấy ngày qua  bày tỏ đồng tình cao với việc ngày 30.10.2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Nghị quyết 112/NQ-CP của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an. Theo đó, Chính phủ đã đồng ý bãi bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân trong quản lý dân cư để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân. Quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng sổ hộ khẩu sẽ bị bãi bỏ và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Mọi công dân ngay từ khi chào đời đều được cấp mã số định danh cá nhân, dữ liệu sẽ liên thông cho việc khai sinh, chứng minh mối quan hệ gia đình, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, lý lịch tư pháp, xuất nhập cảnh, đăng ký xe, đăng ký ngành nghề kinh doanh có điều kiện...

Thời bao cấp, sổ hộ khẩu là tài sản quý giá nhất trong gia đình. Từ mua gạo, thực phẩm, vải vóc, nhu yếu phẩm, phân phối nhà cửa, đồ dùng đến ma chay, cưới hỏi... đều phải cần đến hộ khẩu. Những năm gần đây, nỗi ám ảnh ấy đã giảm đi đôi chút nhưng vẫn làm cho không ít người dân gặp phiền hà. Vài năm trước, người dân các huyện gặp không ít rắc rối khi chuyển lên sinh sống ở TP Hải Dương vì cuốn sổ hộ khẩu. Không có hộ khẩu sẽ không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ngược lại chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì không được cấp hộ khẩu.

Để có được hộ khẩu, nhiều người đã phải "lách luật" bằng cách nhập hộ khẩu tập thể vào cơ quan nơi công tác để có đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sau đó chuyển khẩu ngược lại nơi ở. Có người làm việc tự do hoặc làm ở các doanh nghiệp thì phải nhờ người quen có hộ khẩu đứng tên để hợp thức hóa giấy tờ nhà rồi “tặng" nhà lại. Thậm chí có người giả kết hôn với ai đó để được nhập hộ khẩu...

Trong quản lý hành chính, nhiều thủ tục, chính sách có sự phân biệt đối xử giữa cư dân thường trú và tạm trú, gây khó khăn cho người dân. Trẻ em sinh ra trong các gia đình chưa có hộ khẩu thường trú gặp không ít khó khăn khi đến tuổi đi học. Hộ nghèo chưa có hộ khẩu thường trú không được hưởng các chính sách an sinh hỗ trợ người nghèo. Mặc dù luật pháp nghiêm cấm việc lạm dụng quy định về hộ khẩu để hạn chế quyền và lợi ích hợp pháp của công dân nhưng thực tế nhiều thủ tục hành chính vẫn “ăn theo” hộ khẩu, gây trở ngại cho cuộc sống của người dân nhập cư.

Hộ khẩu thuận tiện cho quản lý nhà nước bởi nó cung cấp hệ thống thông tin rất chặt chẽ và chuẩn xác về quá trình cư trú của người dân. Thế nhưng, hệ thống đó chỉ hoạt động hiệu quả trong điều kiện người dân ít di chuyển khỏi nơi sinh sống. Khi nền kinh tế ngày càng phát triển thì hộ khẩu đã trở thành gánh nặng. Do đó, việc xóa bỏ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân là tất yếu. Việc này cần ít nhất 2 năm nữa để các địa phương cùng các bộ, ngành liên quan hoàn thiện cơ sở dữ liệu điện tử quốc gia về dân cư. Khi đó, công dân thực hiện các giao dịch hành chính chỉ cần cung cấp 3 thông tin cơ bản, gồm: họ tên, mã số định danh và chỗ ở hiện tại.

Hộ khẩu tưởng chừng chỉ là một loại giấy tờ đơn thuần để ghi danh địa chỉ cư trú gắn liền với các quyền lợi của người dân. Song hộ khẩu đã vô tình trở thành "căn cứ" để phân biệt đối xử với các công dân khác nhau, là biểu tượng của khoảng cách giữa thành phố với nông thôn, giữa “dân gốc” với dân “nhập cư”... Việc chấm dứt sổ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân được dư luận cả nước đánh giá ngang với việc bãi bỏ chế độ tem phiếu thời bao cấp. Đây là quyết tâm chính trị rất cao của Chính phủ nhằm tập trung cải cách, hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ thống hành chính kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

SỸ THẮNG