Dạy kỹ năng sống trong trường học, sao cho trúng?

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 19:50, 13/11/2017

Môn học “giáo dục kỹ năng sống” được nhiều trường học từ thành thị tới nông thôn đưa vào giảng dạy. Tuy vậy, việc đưa giáo dục kỹ năng sống vào trường học sao cho đúng, trúng vẫn là bài toán khó.


Được giáo dục kỹ năng thuyết trình khi học kỹ năng sống nên học sinh Trường THCS Quang Phục rất tự tin tham gia các hoạt động của trường

Mỗi nơi một kiểu

Mặc dù đã triển khai dạy kỹ năng sống (KNS) từ 4 năm nay, nhưng đến năm học này hoạt động trải nghiệm sáng tạo mới được đưa vào nội dung giáo dục của Trường THCS Quang Phục (Tứ Kỳ). Cô giáo Đàm Thị Đào, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Để tự đảm nhận được các tiết học thực hành KNS cho học sinh, Ban Giám hiệu nhà trường đã tập hợp những thầy cô có kinh nghiệm, có khả năng truyền thụ tốt nhất vào tổ thực hành KNS. Các thầy cô cùng xây dựng bộ tài liệu để sử dụng trong các tiết học, sưu tầm tài liệu giáo dục KNS phù hợp với lứa tuổi của học sinh, thống nhất cách giảng bài trên lớp".

Trong "ma trận" KNS, các thầy cô giáo ở trường Quang Phục đã chọn ra những bài học bao quát, cần thiết nhất đưa vào chương trình giảng dạy. Trường bố trí dạy mỗi khối 6 buổi học KNS trong năm, mỗi kỳ 3 buổi học, mỗi buổi gồm 3 tiết học trên lớp. Các tiết học chia thành hai nội dung cơ bản: giáo dục đạo đức (giáo dục lòng yêu thương con người, tính kỷ luật, trách nhiệm...) và giáo dục kỹ năng (giao tiếp ứng xử, quản lý cảm xúc, khả năng thuyết trình). Các bài giảng đều được soạn và giảng trên máy chiếu kèm theo những đoạn video clip về cùng chủ đề học. Cô Đàm Thị Đào chia sẻ thêm: "Chúng tôi không tin tưởng thuê các đơn vị về giáo dục KNS cho học sinh bởi họ sẽ không thể hiểu học sinh của mình cần điều gì? Chúng tôi muốn những tiết học giáo dục KNS xóa mờ khoảng cách thầy trò".

Một số trường đang gặp khó khăn về kinh phí lại chọn cách học thực hành KNS theo kiểu "có gì dùng nấy". Đó là các thầy cô giáo sẽ chủ động tích hợp thêm kiến thức về cuộc sống trong các môn học để bài giảng thêm sinh động. Một thầy giáo ở huyện Thanh Hà chia sẻ: "Việc ký hợp đồng với các trung tâm giáo dục hoặc trường tự xây dựng chương trình giáo dục KNS đều phải có kinh phí. Và nguồn kinh phí này chủ yếu do phụ huynh đóng góp. Trong khi nhiều gia đình để duy trì việc học chính khóa còn khó khăn thì các trường rất khó vận động phụ huynh đóng góp cho con theo học KNS. Vì thế, nhà trường phải tự khắc phục".

Nhiều trường khác ở thành phố và cả nông thôn lại chọn cách ký hợp đồng với các công ty, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn, đào tạo KNS cho học sinh. Đương nhiên cách làm này giúp các giáo viên của trường "nhẹ gánh" hơn để tập trung vào chuyên môn. Nhưng gánh nặng đóng góp lại đổ lên đầu các phụ huynh học sinh.

Không dạy ồ ạt, chạy theo số lượng

Dạy KNS là trang bị cho học sinh các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. Song ở nhiều trường, việc học KNS vẫn theo kiểu học "chay", mới chỉ dừng lại ở  việc trang bị kiến thức, thiếu các bài thực hành, dẫn tới khi đứng trước các tình huống thực tế, học sinh vẫn lúng túng không biết cách xử trí. Hiện nay cũng chưa có một giáo trình chuẩn, thống nhất cho môn KNS trong trường học, dẫn tới việc giáo dục không đúng hoặc có sự nhầm lẫn giữa KNS với thái độ, hành vi. Nhiều nơi giáo dục lòng dũng cảm, sự gan dạ cho học sinh như một KNS nhưng đây thực chất là phẩm chất đạo đức.

Để khắc phục tình trạng "mỗi nơi một kiểu" trong dạy KNS, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có công văn yêu cầu trong năm học 2017 - 2018, các trường mầm non, tiểu học, THCS không tổ chức dạy KNS ồ ạt, chạy theo số lượng và khoán trắng cho các trung tâm. Công tác giáo dục KNS phải thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GD-ĐT về việc quản lý, sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong hoạt động giáo dục KNS. Tùy vào điều kiện, các trường có thể tự dạy hoặc thuê trung tâm chuyên dạy KNS. Các Phòng GD-ĐT chịu trách nhiệm toàn bộ về hoạt động giáo dục KNS trên địa bàn như phê duyệt kế hoạch, thẩm định nội dung, thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục. Hiệu trưởng các nhà trường chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức hoạt động giáo dục KNS tại đơn vị; thành lập tổ quản lý với những thành viên có chuyên môn vững vàng để dự giờ; đánh giá công khai chất lượng nội dung, giáo viên giảng dạy. Các trung tâm cần xây dựng kế hoạch, chương trình giáo dục KNS phù hợp với từng địa phương, từng trường, từng đối tượng học sinh...
Để việc dạy KNS trong trường học thật sự mang lại hiệu quả như mong muốn, ngoài bám sát chỉ đạo trên của Sở GD-ĐT, các trường phải nhận thức được tầm quan trọng của việc giáo dục KNS cho học sinh, động viên giáo viên có những cách làm sáng tạo, khắc phục khó khăn để dạy KNS một cách hiệu quả. Trong quá trình dạy học các môn chính khóa, giáo viên bộ môn cần cung cấp cho học sinh một số KNS liên quan đến môn học, giới thiệu cho các em những ưu điểm cũng như hiệu quả khi vận dụng vào thực tiễn cuộc sống. Các hoạt động Đoàn, Đội trong trường học cũng giúp học sinh có thêm những KNS, bộc lộ khả năng của bản thân, từ đó giúp các em tự tin hơn. Bên cạnh đó, nhà trường cần tăng cường tuyên truyền và phối hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh. Bởi giáo dục KNS phải được thực hiện mọi lúc, mọi nơi, vì thế cũng cần phát huy vai trò của gia đình trong giáo dục, trang bị KNS cho con em mình.   

THANH HOA