Mối nguy từ kháng thuốc kháng sinh

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 09:30, 17/11/2017

Thực trạng kháng thuốc kháng sinh đã mang tính toàn cầu, đặc biệt là ở các nước kém phát triển như Việt Nam.


Nhiều bệnh nhân mắc bệnh về đường hô hấp bị kháng thuốc kháng sinh

Cũng như các tỉnh, thành phố trong cả nước, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đang phải đối mặt với tình trạng bệnh nhân kháng thuốc kháng sinh có chiều hướng gia tăng. Đó là xu hướng kháng lại các thuốc kháng sinh thường dùng, làm cho thuốc đó không còn tác dụng tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Ngay cả khi chúng ta sử dụng kháng sinh với nồng độ cao, thời gian kéo dài, những vi khuẩn kháng thuốc sẽ nhân lên nhanh chóng, lây lan, gây bệnh trước sự bất lực của các bác sĩ.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh là nơi tập trung nhiều bệnh nhân nặng và việc điều trị bằng thuốc kháng sinh là yêu cầu bắt buộc. Khoa Nội hô hấp mỗi năm điều trị cho gần 3.000 lượt bệnh nhân chủ yếu mắc các bệnh như viêm phổi, viêm phế quản, viêm màng phổi, bệnh phổi tắc nghẽn…Trong số bệnh nhân nhập viện điều trị tại khoa có tới trên 80% phải điều trị bằng thuốc kháng sinh và trên 5% số bệnh nhân bị kháng thuốc kháng sinh.

Ông Vũ Văn Th. (80 tuổi) ở xã Hùng Thắng (Bình Giang) mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đã điều trị nhiều năm tại nhiều bệnh viện. Ông Th. vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong tình trạng bệnh diễn biến nặng, ho nhiều, đờm xanh, khó thở, nặng ngực, sốt... Qua xét nghiệm phát hiện ông Th. đã nhiễm 2 vi khuẩn đa kháng thuốc là Preudomonas Aeruginosa và E.Coli. Các bác sĩ buộc phải dùng biện pháp cuối là điều trị bằng kháng sinh Colistin. Loại kháng sinh này đã tạm ngưng dùng trong điều trị gần 10 năm nay do có độc tính khi sử dụng. Sau nhập viện điều trị hơn 10 ngày sức khỏe ông mới có tiến triển tốt.

Hiện nay trong cơ cấu bệnh tật, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, đường hô hấp, các bệnh lây truyền qua đường tình dục… đang là gánh nặng thực sự vì sự gia tăng chi phí do phải bắt buộc thay thế các kháng sinh cũ bằng các kháng sinh mới đắt tiền. Đối với kháng sinh Colistin, chi phí mỗi ngày điều trị cho những trường hợp bệnh nhân như ông Th. tốn khoảng 2 triệu đồng, chưa kể các chi phí khác cho bệnh nhân.

Hiện có từ 2.000-4.000 loại kháng sinh, trong đó có trên 100 kháng sinh sử dụng cho người. Những loại kháng sinh được bệnh viện sử dụng nhiều là: Unasyl, Rocephin, Levofloxaxin, Amikacin, Ceftazidimme, Imipenem-Cilastatin…

Theo bác sĩ Nguyễn Quang Đợi, Trưởng Khoa Nội hô hấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh, việc sử dụng kháng sinh không hợp lý, lạm dụng kháng sinh… sẽ làm gia tăng tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh, tạo ra sự khan hiếm, thiếu hụt các thuốc kháng khuẩn mới, đặc biệt là kháng sinh để điều trị cho người bệnh nhiễm vi sinh vật đa kháng. Thực tế trong cộng đồng hiện nay xuất hiện tình trạng người dân tự ý mua thuốc kháng sinh không theo chỉ định của bác sĩ; nhiều nhà thuốc bán thuốc kháng sinh cho người dân không cần có đơn kê của bác sĩ... Vấn đề nhiễm khuẩn bệnh viện làm tăng khả năng sử dụng kháng sinh, tăng đề kháng kháng sinh và chi phí điều trị lớn.

Việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi đang là mối nguy khi tạo sự đề kháng kháng sinh của vi khuẩn. Sự tồn dư kháng sinh có trong thực phẩm không chỉ ảnh hưởng trước tiên đến vật nuôi mà còn gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng khi tiêu thụ thực phẩm.

Để phòng ngừa kháng thuốc kháng sinh, người bệnh không được lạm dụng thuốc kháng sinh như một thuốc thông thường. Chúng ta không nên chỉ đau, ho là đã ngay lập tức sử dụng kháng sinh vì những triệu chứng trên chưa hẳn là biểu hiện của một bệnh nhiễm khuẩn. Chỉ sử dụng kháng sinh khi chắc chắn có dấu hiệu hay bằng chứng của sự nhiễm vi khuẩn gây bệnh và nhiễm trùng. Trong một số trường hợp, dự đoán chắc chắn nhiễm trùng nặng sẽ xảy ra thì có thể sử dụng kháng sinh dự phòng nhưng chỉ sử dụng ở một liều tối thiểu. Cần chấm dứt ngay việc sử dụng kháng sinh khi đã đủ liệu trình cho phép nhưng cũng không được kết thúc quá sớm trước thời gian tiêu chuẩn. Sử dụng quá lâu sẽ làm cho vi khuẩn có cơ hội “tìm hiểu” kháng sinh và đột biến mạnh hơn. Khi kết thúc quá sớm sẽ làm cho vi khuẩn có nguy cơ hồi sinh và do đó có “kinh nghiệm chinh chiến” với kháng sinh nhiều hơn để thay đổi.

Ngành y tế cần có chiến lược truyền thông lâu dài để người dân nâng cao nhận thức và tuân thủ việc sử dụng kháng sinh hợp lý. Tăng cường công tác kiểm nghiệm, kiểm tra chất lượng thuốc; phòng và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm; thiết lập hệ thống giám sát về kháng thuốc. Các quy định chuyên môn về khám chữa bệnh cần được cập nhật thường xuyên, có như vậy mới hạn chế được việc kháng thuốc kháng sinh trong điều trị cho người bệnh.

ĐỨC THÀNH