Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc - ngày "Nối vòng tay lớn". Bài 1: Thắm đượm tình làng nghĩa xóm
Xã hội - Ngày đăng : 13:10, 17/11/2017
Chương trình văn nghệ tại Ngày hội Đại đoàn kết ở các thôn, khu dân cư tạo không khí vui tươi, sôi nổi
Ngày càng đông vui
Từ 10 năm nay, cứ vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam 18.11, Ban Công tác mặt trận thôn Lúa, xã Đoàn Thượng (Gia Lộc) lại tổ chức Ngày hội ĐĐK toàn dân tộc. Thôn thường tổ chức ngày hội vào cuối tuần để người dân và con em xa quê có điều kiện về dự đông đủ. Lễ kỷ niệm ngày truyền thống diễn ra vào buổi chiều nhưng từ sáng sớm người dân đã tập trung tại sân nhà văn hóa thôn để xem đội bóng chuyền, cầu lông các xóm thi đấu. Tiếng kèn, trống, hò reo cổ vũ không ngớt của người dân tạo nên bầu không khí vui tươi, phấn khởi. Một bộ phận lo việc bắc rạp, kê bàn ghế, chuẩn bị loa đài, trang trí khánh tiết cho phần lễ. Ở góc sân nhà văn hóa, hàng chục người dân cùng nhau thịt bê, nhặt rau, rửa bát đĩa, xoong nồi… để chuẩn bị cho bữa cơm ĐĐK vào chiều tối. Mọi người vừa làm việc, vừa trò chuyện rôm rả, hỏi han nhau việc đồng áng, con cái, gia đình. “Vào ngày này, mọi người dân ở làng tôi, từ già trẻ, gái trai, ai có việc gì cũng tạm gác lại. Cả làng cùng nhau sum họp, không phân biệt địa vị, hoàn cảnh, cùng nhau chuẩn bị, ăn với nhau bữa cơm ấm cúng. Tình làng, nghĩa xóm cũng vì thế mà ngày càng gắn bó”, ông Lê Thạc Bình, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn kiêm Trưởng Ban Công tác mặt trận thôn Lúa cho biết.
Trước kia, Ngày hội ĐĐK ở thôn Lương Gián, xã Quốc Tuấn (Nam Sách) diễn ra đơn điệu, nhàm chán do không có phần hội, chỉ khoảng 70% số gia đình trong thôn có người tham gia. Nhưng hơn chục năm nay, ngoài việc nâng cao chất lượng nội dung phần lễ, thôn tổ chức thêm phần hội với rất nhiều hoạt động sôi nổi như giao lưu văn nghệ, bóng chuyền, bóng bàn, thể dục dưỡng sinh, cầu lông… Sau phần lễ, thôn duy trì tổ chức bữa cơm đoàn kết nên đã khích lệ tất cả các gia đình tham gia. Ông Lê Quang Vững, Trưởng thôn Lương Gián hồ hởi cho biết: “Làng tôi có 250 hộ dân với 815 nhân khẩu, trong đó có nhiều gia đình theo đạo Công giáo. Ngày thường mỗi nhà một việc, ít có dịp gặp nhau, nhưng khi thôn tổ chức Ngày hội ĐĐK thì bà con lương - giáo hòa vào làm một. Họ vui vẻ, nhiệt tình, đoàn kết tham gia vào tất cả các hoạt động do thôn tổ chức, tình cảm xóm giềng nhờ thế mà thêm sâu đậm”.
Hải Dương là một trong những tỉnh được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đánh giá làm tốt việc vận động các thôn, KDC tổ chức Ngày hội ĐĐK toàn dân tộc. Việc tổ chức ngày hội ĐĐK có sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự vào cuộc trách nhiệm của chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể địa phương. MTTQ các cấp chủ động tuyên truyền, xây dựng kịch bản chi tiết Ngày hội ĐĐK, hướng dẫn các thôn, KDC tổ chức bảo đảm sát với tình hình thực tế. Vì vậy, ngày hội không chỉ được mở rộng về quy mô mà chất lượng cũng được nâng lên, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân. Nếu như trước năm 2000, tỷ lệ thôn, KDC tổ chức Ngày hội ĐĐK còn thấp thì đến năm 2016 Ngày hội ĐĐK đã được tổ chức ở tất cả các thôn, KDC trong tỉnh. Trong đó, có 66% số thôn, KDC tổ chức cả phần hội và phần lễ, gần 39% tổ chức được bữa cơm đoàn kết. Mọi người dân không phân biệt tôn giáo, già, trẻ, địa vị xã hội, điều kiện kinh tế… đều có thể tham gia Ngày hội ĐĐK. Trước khi tổ chức ngày hội, các thôn đều huy động người dân tham gia vệ sinh đường làng, ngõ xóm, treo cờ Tổ quốc; tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian, thăm hỏi gia đình khó khăn, bệnh tật… làm cho không khí thêm rộn ràng, người dân thêm phấn khởi, tinh thần đoàn kết được nhân rộng. Tại ngày hội, cùng với tổng kết, đánh giá, phát động và ký giao ước thi đua, tất cả thôn, KDC đều tổ chức tuyên dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân, gia đình có thành tích xuất sắc trong thực hiện các phong trào, cuộc vận động.
Tìm về nguồn cội
Ngày hội ĐĐK tại các thôn, KDC ở tỉnh ta những năm gần đây không hạn chế thành phần tham gia. Ngoài nhân dân địa phương, các thôn, KDC còn mời cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn, đặc biệt là con em đang công tác, sinh sống xa quê về dự.
Ngày hội Đại đoàn kết ở các thôn, khu dân cư trong tỉnh ngày càng đông vui
Với nhiều người dân xa quê, không gì ý nghĩa hơn là được về tham dự ngày hội ĐĐK toàn dân ở nơi mình đã sinh ra. Kỷ niệm 87 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam năm nay, thôn Tam Tập, xã Tân Phong (Ninh Giang) tổ chức ngày hội ĐĐK vào giữa tuần. Mặc dù vậy vẫn có rất đông con em quê hương đang sinh sống, công tác, học tập ở các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên… về dự.
Ông Phạm Văn Quý (62 tuổi) một người thôn Tam Tập định cư ở Hà Nội hàng chục năm qua còn cho cả vợ, các con, các cháu về chung vui với dân làng. Ông Quý cho biết ngày Tết tranh thủ về quê có khi còn không đủ thời gian thăm hết lượt họ hàng, người thân, chứ đừng nói tới bà con chòm xóm, bè bạn cùng trang lứa một thời. Vậy nên chỉ có Ngày hội ĐĐK mới giúp ông có cơ hội gặp gỡ, hàn huyên, thăm hỏi tất cả mọi người. Ông Quý chia sẻ: “Cá biết về nguồn thăm nghĩa cội/Chim dầu xa tổ nhớ ơn cây. Về tham dự ngày hội ĐĐK tức là các con, các cháu tôi cũng được tìm về nơi quê cha đất tổ để được sống, được hiểu hơn mối quan hệ họ hàng, tình làng nghĩa xóm thân thuộc, điều vốn ít có ở phố thị xa hoa”.
Những người con xa quê về tham dự Ngày hội ĐĐK được nghe, được chứng kiến sự đổi thay của quê hương. Để rồi khi trở lại nơi đang làm việc, công tác, họ có quyền tự hào với bạn bè, đồng nghiệp, đồng thời không ngừng phấn đấu, rèn luyện vì danh dự của gia đình, của quê hương. Với những vùng quê còn khó khăn, việc mời được những người con thành đạt xa quê về dự Ngày hội ĐĐK cũng là dịp để chia sẻ về những vướng mắc, những dự định của địa phương trong tương lai, từ đó vận động con em cùng tham gia hiến kế, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
TIẾN MẠNH