Ngân hàng Nhà nước: Chưa siết chính sách cho vay ngoại tệ
Kinh tế - Ngày đăng : 16:00, 19/11/2017
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB). Ảnh: P.Ngọc
Trước những lo lắng của cộng đồng doanh nghiệp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng vừa cho biết: Ngành ngân hàng sẽ tiếp tục cho vay ngoại tệ ngắn hạn trong năm 2018 để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, đặc biệt các doanh nghiệp xuất khẩu.
Thông tin trên khiến giới doanh nghiệp “thở phào” vì theo quy định của chính sách cho vay ngoại tệ tại Thông tư 31/2016 chỉ có thời hạn đến 31.12.2017. Nếu chính sách cho vay ngoại tệ không được thực hiện tiếp, chi phí vay vốn của doanh nghiệp sẽ tăng lên đáng kể.
Theo tìm hiểu của phóng viên báo Tin tức, lãi suất cho vay USD tại các ngân hàng hiện phổ biến ở mức 2,8 - 6%/năm, tùy kỳ hạn. Trong khi đó, lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường bằng VND ở mức 6,8 - 9%/năm đối với kỳ hạn ngắn hạn; 9,3 - 11%/năm đối với kỳ hạn trung và dài hạn. Chính vì vậy khi được vay ngoại tệ, các doanh nghiệp đang được hưởng lợi từ chênh lệch lãi suất cho vay USD/VND.
Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có thể vay ngoại tệ với lãi suất thấp rồi bán lấy tiền đồng để mua các nguyên liệu trong nước, máy móc thiết bị. Sau đó, doanh nghiệp lại xuất khẩu hàng hóa lấy ngoại tệ để trả nợ ngân hàng. “Nếu năm tới không được vay ngoại tệ, doanh nghiệp sẽ phải vay bằng tiền đồng với lãi suất cao hơn, hoặc phải bỏ tiền mua ngoại tệ nếu cần sẽ khiến chi phí tăng lên”, chủ doanh nghiệp tư nhân ở phố An Dương, Quận Tây Hồ (Hà Nội) nói.
Theo lãnh đạo một công ty xuất khẩu nông sản ở Bình Thuận, hiện chi phí lãi vay bằng VND cao gấp đôi, thậm chí gấp ba lần so với việc được vay bằng ngoại tệ. Vì vậy, việc cho vay ngoại tệ dừng đột ngột sẽ khiến nhiều doanh nghiệp bị “sốc”. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần có những quy định cụ thể để kiểm soát đối tượng vay phù hợp, thay vì cấm tất cả doanh nghiệp vay.
Hơn nữa, tỉ lệ vay vốn của các doanh nghiệp Việt hiện vẫn ở mức khá cao. Do đó nếu các doanh nghiệp xuất khẩu không còn được hưởng vốn giá rẻ nhờ việc vay USD rồi chuyển sang tiền đồng thì rất khó để tiết giảm chi phí lãi vay. Điều này dẫn tới hệ quả là hàng hóa Việt khó có thể cạnh tranh được so với các đối thủ trong khu vực.
Đại diện doanh nghiệp xuất khẩu nông sản ở Thành phố Hồ Chí Minh nói: “Năm 2016, thời điểm NHNN ngừng cho vay ngoại tệ, với nhu cầu vốn khoảng 8 triệu USD/tháng, công ty đã chuyển sang vay VND với lãi suất 6-8%/năm, đẩy chi phí lãi lên 2,4 tỷ đồng, trong khi vay USD với lãi suất 3%/năm tiền lãi chỉ 800 triệu đồng. Đó cũng là lý do các doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ thường tìm kiếm các khoản vay ngoại tệ để giảm chi phí tài chính.
Kiểm soát việc lợi dụng chính sách cho vay ngoại tệ
Nhìn nhận vấn đề này, chuyên gia tài chính ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng đồng tình với quan điểm của NHNN nên gia hạn chương trình vay ngoại tệ thêm khoảng một năm nữa thay vì dừng đột ngột vào cuối năm nay. Để kiểm soát những doanh nghiệp lợi dụng chính sách cho vay ngoại tệ, NHNN nên đưa ra những quy định như chỉ cho vay đối với các doanh nghiệp xuất khẩu có ít nhất 50% hay 75% doanh thu bằng ngoại tệ.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cũng cho rằng: “Cần kiên định chủ trương chống đôla hóa nền kinh tế, song tinh thần là không nên chống đôla hóa bằng mọi giá. Vừa chống đôla hóa nhưng đồng thời vừa phải tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu”.
Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tính đến hết tháng 10.2017, tín dụng (gồm trái phiếu doanh nghiệp) ước tăng khoảng 13,5% so với cuối năm 2016. Trong đó, tín dụng bằng ngoại tệ tăng cao hơn cùng kỳ năm 2016 với mức tăng 11,5% (cùng kỳ năm 2016 mức tăng chỉ là 4,4%). Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Tín dụng ngoại tệ từ đầu năm đến nay đã có tốc độ tăng trưởng đáng kể.
Liên quan tới nguồn vốn tín dụng ngoại tệ, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, trong lộ trình ổn định tỷ giá và chống đô la hóa, NHNN thực hiện nhóm các giải pháp, trong đó có định hướng chấm dứt quan hệ vay mượn ngoại tệ, chuyển sang quan hệ mua bán, hướng đến ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam. Định hướng chung và lâu dài vẫn tiếp tục hạn chế kênh tín dụng này, theo lộ trình từng bước chuyển quan hệ vay mượn sang mua bán.
Tuy nhiên, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, từ thực tiễn yêu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu, thời gian qua NHNN đã giãn thời hạn, tiếp tục mở cơ chế cho vay ngoại tệ ngắn hạn, vì đây là nguồn cho vay có chi phí thấp hơn so với vay bằng VND.
Tính từ năm 2012 đến nay, NHNN đã 2 lần đóng cho vay ngoại tệ nhưng sau đó lại mở để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu. Dù luôn nới thời hạn cho vay, nhưng sự tạm thời của quy định cho vay ngoại tệ đã khiến doanh nghiệp không thể biết được quyết định của NHNN cho năm tiếp theo.
MINH PHƯƠNG(Báo Tin tức)