10 sự kiện trong nước, quốc tế nổi bật ngày 20.11
Sự kiện qua ảnh - Ngày đăng : 17:44, 20/11/2017
Ngày 20.11, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến thăm và tặng hoa chúc mừng Nghệ sỹ dương cầm Thái Thị Liên, Nhà văn Vũ Tú Nam và Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo nhân kỷ niệm Ngày hiến chương các Nhà giáo Việt Nam (20.11). Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng hoa và chúc mừng Nghệ sỹ dương cầm Thái Thị Liên. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN
Ngày 20.11, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức kỷ niệm 60 năm hình thành và phát triển (1957-2017). Đến dự có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng và các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, khách quốc tế cùng các cựu sinh viên. Trong ảnh: Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh ủng hộ quỹ học bổng nhà trường. Ảnh: Hoàng Hải – TTXVN
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM) lần thứ 13 khai mạc sáng 20.11 tại thủ đô Nay Pyi Taw (Myanmar) với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị. Trong ảnh: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và các trưởng đoàn chụp ảnh chung. Ảnh: Sơn Nam - TTXVN
Chiều 20.11, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng và thảo luận về dự án Luật Đo đạc và bản đồ (sửa đổi). Trong ảnh: Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng. Ảnh: Phương Hoa – TTXVN
Ngày 20.11, tại Hà Nội, khai mạc Triển lãm "Thành tựu Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam" chào mừng Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII. Trong ảnh: Các Hoà thượng, Thượng toạ tham quan Triển lãm. Ảnh: Nguyễn Dân – TTXVN
Do ảnh hưởng của không khí lạnh mạnh, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có mưa to trên diện rộng với lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, kết hợp các công trình thủy điện xả lũ gây ngập lụt trên diện rộng. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả do hoàn lưu bão số 12 gây ra vừa qua, đồng thời tổ chức rà soát, kiểm tra phương án sơ tán dân vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, sẵn sàng di dời đến nơi an toàn; dự trữ nhiên liệu, lương thực theo phương châm "4 tại chỗ", đảm bảo an toàn tình mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân.Người dân ở xã Quảng Thọ phải dùng thuyền để đi lại do giao thông bị ngập lụt. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 19.11 đã có một loạt cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo thế giới để bàn về căng thẳng chính trị hiện nay tại Liban. Theo Điện Elysee, Tổng thống Macron đã điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Liban Michel Aoun, Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah al-Sisi, Thái tử Saudi Arabia Mohamed bin Salman và với Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, sau cuộc gặp tại Paris với Thủ tướng Liban Saad al-Hariri, người vừa thông báo từ chức mới đây. Mục đích của các cuộc điện đàm này là nhằm tham khảo ý kiến của các nhà lãnh đạo thế giới về tình hình Liban. Trong ảnh: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) và Thủ tướng Liban Saad al-Hariri tại cuộc gặp ở Paris ngày 18.11. Ảnh: THX/TTXVN
Trong một tuyên bố ngày 20.11, Đảng Dân chủ xã hội (SPD) một lần nữa khẳng định chủ trương không tham gia đàm phán thành lập Chính phủ liên minh, bất kể các diễn biến trên chính trường hiện nay. Trên Twitter, Phó Chủ tịch SPD Ralf Stegner nêu rõ việc đảng Dân chủ Tự do (FDP) từ chối liên minh cùng Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) và đảng Xanh "không làm thay đổi quan điểm của SPD". Trước đó, Chủ tịch SPD Martin Schulz (trong ảnh) cũng tuyên bố đảng này đã sẵn sàng cho cuộc bầu cử mới. Các tuyên bố của lãnh đạo SPD được đưa ra ngay sau khi đàm phán liên minh thành lập Chính phủ mới ở Đức giữa liên đảng CDU/CSU, FDP và đảng Xanh kết thúc trong thất bại nặng nề rạng sáng 20.11 (theo giờ địa phương), khi đại diện FDP tuyên bố rút lui khỏi đàm phán sau 4 tuần thương lượng căng thẳng. Ảnh: AFP/TTXVN
Nội các Israel đã bỏ phiếu thông qua việc đóng cửa một trung tâm tạm giữ người di cư. Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã công bố thỏa thuận trục xuất 40.000 người châu Phi nhập cảnh Israel trái phép. Bộ Nội vụ và Bộ An ninh công cộng Israel ngày 19.11 thông báo các Bộ trưởng đã nhất trí thông qua kế hoạch đóng cửa trung tâm Holot tại miền Nam (có khả năng tiếp nhận 1.200 người di cư) kể từ ngày 16.12 tới. Người di cư sẽ có thời hạn 3 tháng tính từ thời điểm này để rời khỏi Israel nếu không sẽ phải đối mặt với việc bị trục xuất. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ An ninh công cộng Israel cho biết có thể gia hạn thêm thời gian tiến hành đóng cửa trung tâm trên nếu cần thiết. Trong ảnh: Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (giữa) chủ trì cuộc họp nội các ở Jerusalem ngày 19.11. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 20.11, Chính phủ Hàn Quốc thông báo sẽ tiến hành khử trùng tất cả các trang trại chăn nuôi gia cầm và phương tiện chở gia cầm trên cả nước sau khi phát hiện ổ dịch cúm gia cầm đầu tiên trong mùa đông năm nay. Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc cho biết đã ban hành lệnh cấm đi lại, bắt đầu từ ngày 20.11 đối với toàn bộ phương tiện chuyên chở gia súc cũng như những người làm việc tại các trang trại trên phạm vi cả nước. Lệnh cấm này kéo dài 7 ngày tại huyện Gochang và các khu vực lân cận. Bộ trưởng Nông nghiệp Kim Yung-rok cho biết thêm, trong thời gian này, các cơ quan kiểm dịch sẽ tiến hành khử trùng toàn bộ xe cộ và trang thiết bị của các trang trại chăn nuôi gia cầm trên khắp cả nước. Toàn bộ cửa hàng bán gia cầm trên cả nước cũng sẽ được khử trùng và việc buôn bán gia cầm mới nở sẽ bị cấm vô thời hạn. Trong ảnh: Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của cúm gia cầm tại Seosan, Hàn Quốc ngày 13.10. Ảnh: Yonhap/TTXVN