Giáo dục thông qua các di sản, một chương trình thiết thực
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 08:20, 21/11/2017
Học sinh Trường Tiểu học An Sinh (Kinh Môn) hào hứng khi được nghe giáo viên giảng giải ý nghĩa của bức phù điêu bằng đất nung tại khu tượng đài Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo
Thêm yêu lịch sử quê hương
Em Nguyễn Thị Thùy Linh, học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học An Sinh (Kinh Môn) vẫn nhớ như in buổi tham quan tượng đài Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo và các di tích của địa phương vào đầu năm học trước. Em hào hứng: "Khi tham quan tượng đài Hưng Đạo Đại vương, các cô giáo kể về vai trò đặc biệt quan trọng của Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo trong đánh đuổi quân Nguyên Mông xâm lược khiến chúng em rất khâm phục. Được đi tham quan tượng đài và nghe những câu chuyện về ông, em cảm thấy dễ hiểu, dễ nhớ hơn nhiều so với chỉ được nghe giảng trên lớp và học qua sách vở”. Em Hoàng Lê Dung cũng là học sinh lớp 5A cho biết: “Khi ở tượng đài Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, chúng em được nghe thuyết minh về ý nghĩa của bức phù điêu bằng đất nung ở dưới chân tượng đài. Bức phù điêu như một pho sử lớn, nhắc nhở chúng em về chiến công anh hùng của cha ông ta". Sau khi được tham gia các hoạt động ngoại khóa cùng các bạn, Dung càng thêm hiểu và yêu văn hóa, lịch sử của quê hương mình. Khi về nhà em đã vẽ tranh về di tích lịch sử Đền Cao An Phụ.
Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết năm 2013, ngay sau Hướng dẫn số 73/HD - BGDĐT - BVHTTDL ngày16.1.2013 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc sử dụng di sản văn hóa trong dạy học, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thành lập Ban Chủ nhiệm chương trình giáo dục di sản trong nhà trường. Ban Chủ nhiệm đã xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện.
Từ năm 2015 đến nay, mỗi năm Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đều tổ chức chương trình tại các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh, lần lượt là Trường Tiểu học Văn An (Chí Linh) năm 2015; Thượng Quận, An Sinh (Kinh Môn) năm 2016 và Chi Lăng Nam (Thanh Miện) năm 2017. Đầu mỗi năm học, Ban Chủ nhiệm chương trình tổ chức tập huấn cho giáo viên tại các nhà trường về phương pháp tích hợp giáo dục di sản với các môn học. Kiến thức về văn hóa, lịch sử địa phương được tích hợp vào các môn tiếng Việt, lịch sử, địa lý, mỹ thuật, đạo đức... Các em học sinh khối lớp 4-5 sẽ được đi tham quan ở di tích, tham dự các buổi ngoại khóa sau khi tham quan như thảo luận theo nhóm để viết bài thu hoạch, vẽ tranh, làm thơ, kể chuyện, sân khấu hóa...
Tăng tính tương tác, trải nghiệm
Sau khi chương trình được thực hiện vào năm 2013 và 2015 tại Trường Tiểu học Văn An (Chí Linh), Sở Giáo dục và Đào tạo đã giao cho nhà trường tiếp tục triển khai chương trình trong những năm tiếp theo. Năm nay, giáo viên và gần 400 học sinh thuộc 13lớp khối 4, khối 5 của nhà trường vừa tham quan đền thờ Bà chúa Sao Sa, đền thờ nhà giáo Chu Văn An và chùa Huyền Thiên trên địa bàn xã. Các em học sinh rất hào hứng khi được thầy cô giới thiệu những câu chuyện về nhan sắc, tài năng hơn người của Bà chúa Sao Sa Nguyễn Thị Duệ, câu chuyện thầy Chu Văn An từ bỏ mũ áo chốn quan trường về mở trường dạy học, viết sách...
Năm nay, Ban Chủ nhiệm chương trình đang tích cực chuẩn bị để thực hiện chương trình tại Trường Tiểu học Chi Lăng Nam. Học sinh 10 lớp khối 3 - 4 và 5 của trường sẽ được tham quan danh lam thắng cảnh Đảo Cò và nhà tưởng niệm Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng. Các em học sinh sẽ được tìm hiểu những câu chuyện về cuộc đời hoạt động cách mạng của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng...
Việc giáo dục kiến thức lịch sử cho các thế hệ trẻ thông qua các thiết chế văn hóa tiêu biểu, nhất là hệ thống di tích lịch sử, văn hóa là phương pháp được các chuyên gia văn hóa, giáo dục đánh giá cao. Tuy nhiên, giáo dục thế nào để các em học sinh thấm được ý nghĩa sâu sắc về văn hóa, lịch sử địa phương chứ không phải nghe, hiểu một cách hời hợt là một vấn đề đặt ra đối với những người làm công tác quản lý văn hóa. Để giải quyết vấn đề này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng một chương trình giáo dục di sản chú trọng vào các hoạt động mang tính tương tác, trải nghiệm. Ông Vũ Trường Sơn, Trưởng Phòng Quản lý di sản Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: "Chương trình giáo dục di sản được chúng tôi xây dựng không chỉ cung cấp thông tin một chiều cho học sinh mà đã tăng tính tương tác. Sau khi đi tham quan, học sinh được khuyến khích suy nghĩ, sáng tạo để tạo ra những bức tranh, vở kịch, chuyện kể... ý nghĩa về quê hương". Thông qua giáo dục di sản, các em học sinh sẽ được bồi dưỡng kiến thức về di sản của địa phương, củng cố và mở rộng thêm kiến thức, kỹ năng của các môn học khác.
Chương trình giáo dục di sản đã chứng tỏ hiệu quả trong công tác giáo dục, nâng cao ý thức giữ gìn truyền thống, lịch sử cho học sinh. Thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp triển khai nhân rộng mô hình đến các nhà trường khác trong toàn tỉnh.
VIỆT HÒA