Vụ tranh chấp đòi nợ ở Cẩm Giàng: Cần giải quyết thấu tình, đạt lý

Bạn đọc - Ngày đăng : 10:51, 22/11/2017

Không đồng ý với phán quyết của tòa, ông Hồ Sĩ Dương liên tục gõ cửa các cơ quan chức năng về vụ việc tranh chấp giữa ông và ông Nguyễn Minh Ngọc.


Ông Dương khẳng định đã trả tiền cho ông Ngọc

Gần 4 năm nay, ông Hồ Sĩ Dương ở thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn liên tục gõ cửa các cơ quan chức năng để phản đối phán quyết của Tòa án Nhân dân (TAND) huyện Cẩm Giàng về vụ việc tranh chấp giữa ông và ông Nguyễn Minh Ngọc ở xã Cao An (cùng huyện Cẩm Giàng).

Mất ô tô vì bị tố quỵt 60 triệu đồng

Theo trình bày của ông Dương, từ năm 2011-2013, để có vốn làm ăn, ông nhiều lần vay và trả tiền vợ chồng ông Nguyễn Minh Ngọc. Tháng 3.2013, hai bên xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp. Ngày 1.3.2013, ông Dương lái xe ô tô tải của mình xuống nhà ông Ngọc chốt nợ. Tại đây, hai ông đã không thống nhất được một khoản nợ với số tiền 60 triệu đồng. Ông Dương khẳng định đã trả ông Ngọc số tiền này vào chiều1.7.2011 và có giấy trả nợ viết tay. Còn ông Ngọc nói ông Dương chưa trả và yêu cầu ông Dương viết giấy nhận nợ mới, trong đó có cộng 60triệu đồng nói trên. Ông Dương không chịu viết giấy nhưng đã chấp nhận để ông Ngọc giữ xe ô tô tải của mình "làm tin". Chiếc xe này ông Dương mua từ năm2011 với số tiền gần 260 triệu đồng, đã đi hơn 19.000 km.

Ngày 19.3.2013, ông Dương tiếp tục đến nhà ông Ngọc để trả những khoản nợ khác nhưng hai bên vẫn không thống nhất được về khoản nợ 60 triệu đồng. Tại đây, theo ông Dương, vì chịu sức ép từ phía ông Ngọc mà ông phải viết giấy nhận nợ số tiền trên. Lý giải về việc này, ông Dương cho biết: "Khi đó tôi chưa tìm thấy giấy trả nợ để chứng minh nên đành phải làm theo yêu cầu của vợ chồng ông Ngọc. Ông Ngọc cũng nói nếu về mang được giấy trả nợ đến thì sẽ xóa nợ số tiền trên và trả lại xe nên tôi yên tâm làm theo".

Sau đó, ông Dương không tìm thấy giấy trả nợ nên không chứng minh được việc đã trả nợ. Ông Dương nhiều lần đến nhà ông Ngọc đòi xe ô tô và đề nghị các cơ quan chức năng huyện Cẩm Giàng can thiệp để ông lấy lại chiếc xe này.

Trong khi việc đòi xe chưa thành thì ông Ngọc khởi kiện ông Dương lên TAND huyện Cẩm Giàng để đòi 60 triệu đồng. Ngày 26.11.2013, TAND huyện Cẩm Giàng tổ chức phiên hòa giải giữa các bên do thẩm phán Nguyễn Văn Chất làm chủ tọa. Theo biên bản hòa giải, các bên thỏa thuận: Ông Dương phải trả ông Ngọc 50 triệu đồng, ông Ngọc phải trả ông Dương chiếc xe ô tô tải. Ngày 4.12.2013, TAND huyện Cẩm Giàng ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự với nội dung như trên. Trả lời câu hỏi vì sao đã trả tiền cho ông Ngọc mà vẫn đồng ý thỏa thuận hòa giải, ông Dương trình bày: "Thời điểm đó ông Ngọc đã giữ xe của tôi hơn 8 tháng. Vì sốt ruột muốn lấy xe ra, nhận thức lại hạn chế, nghĩ mình không nợ, họ muốn làm thế nào thì làm nên vợ chồng tôi đã ký vào các giấy tờ tại tòa án mà không đọc nội dung".

Sau khi lấy xe về, ông Dương tiếp tục sử dụng xe và không chấp hành quyết định thi hành án của Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Cẩm Giàng là trả 50 triệu đồng cho ông Ngọc. Ngày 25.8.2014, ông Dương bị Công an huyện Cẩm Giàng tạm giữ xe ô tô tải vì vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Ngày 27.8.2014, Chi cục THADS huyện Cẩm Giàng ra quyết định cưỡng chế, kê biên tài sản là chiếc ô tô trên để thi hành án. Hơn 3năm sau, đến ngày 30.8.2017, Chi cục THADS huyện Cẩm Giàng bán đấu giá chiếc xe ô tô trên là 82,3 triệu đồng. Số tiền này đã được trả cho ông Ngọc cả gốc và lãi trên 59 triệu đồng và trả tiền án phí, tiền lãi chậm thi hành án, chi phí kê biên, xử lý tài sản. Số tiền còn lại là 5,3 triệu đồng trả cho vợ chồng ông Dương nhưng ông Dương không chấp nhận.

Chưa có câu trả lời cuối cùng

Suốt quá trình giải quyết vụ việc, vợ chồng ông Dương và ông Nguyễn Văn Lực (sinh năm 1959, trú tại phường Bình Hàn, TP Hải Dương), nguyên cán bộ Công an tỉnh và là người được ông Dương ủy quyền liên tục có đơn đề nghị, tố cáo tới các cơ quan chức năng để phản đối công nhận thỏa thuận hòa giải của TAND huyện Cẩm Giàng. Thậm chí, hai ông trên còn dùng loa phóng thanh, băng rôn, khẩu hiệu để thể hiện ý kiến bên ngoài trụ sở TAND huyện Cẩm Giàng, TAND tỉnh, các cơ quan tỉnh và trung ương.

Theo trình bày của ông Dương, trước phiên hòa giải ngày 26.11.2013, ông đã tìm thấy giấy ghi nợ ngày1.7.2011 thể hiện ông Ngọc đã nhận 60 triệu đồng mà ông trả, có chữ ký ghi rõ họ tên của ông Ngọc. Ngày 29.10.2013, ông Dương đã trình bày và bàn giao giấy ghi nợ trên cho TAND huyện Cẩm Giàng nhưng không được thẩm phán xem xét, dẫn đến việc hòa giải và công nhận hòa giải không đúng.

Quá trình giải quyết vụ việc, ngày7.1.2015 TAND tỉnh đã quyết định trưng cầu Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) giám định chữ ký của ông Ngọc tại giấy trả nợ ngày 1.7.2011 do ông Dương cung cấp. Theo Kết luận giám định số 30/C55-P5 của Viện Khoa học hình sự ngày 25.4.2015: Không đủ cơ sở kết luận chữ ký đứng tên ông Ngọc trong giấy trả nợ ngày 1.7.2011 với một số tài liệu mẫu mà TAND tỉnh gửi giám định. Cơ quan giám định yêu cầu cần thiết phải có thêm mẫu chữ ký, chữ viết của ông Ngọc trong khoảng thời gian từ năm 2008-2011 với số lượng từ 3-5 bản để giám định tiếp. Về nội dung này, ông Dương khẳng định trong hồ sơ vụ việc, hoàn toàn có đủ các mẫu tài liệu để TAND tỉnh cung cấp cho Viện Khoa học hình sự phục vụ giám định.

TAND cấp cao tại Hà Nội và TAND tối cao đã có những văn bản trả lời ông Dương, nhưng câu hỏi chữ ký của ông Ngọc tại giấy trả nợ ngày 1.7.2011 là thật hay giả, đồng nghĩa với việc ông Dương đã thực sự trả tiền ông Ngọc chưa thì vẫn chưa có kết quả cuối cùng.

Vụ việc trên kéo dài làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, kinh tế gia đình ông Dương. Thậm chí, vợ chồng ông Dương và ông Lực nhiều lần bị một số đối tượng chửi bới, đe dọa. Gia đình ông Lực còn liên tục bị để kim tiêm và ném chất bẩn vào nhà. Gần nhất, ngày 19.6.2017, ông Lực bị 4 đối tượng đánh bị thương ngay bên ngoài cổng TAND tỉnh.
Trao đổi với phóng viên, một số luật sư cho biết, trong vụ việc trên, nếu các bên đã tự nguyện ký vào biên bản hòa giải thành thì việc TAND huyện Cẩm Giàng quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự là đúng pháp luật. Tuy nhiên, qua giải quyết đơn thư của công dân, TAND tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cần có trách nhiệm kiểm tra, xem xét, nếu phát hiện việc giải quyết của TAND huyện Cẩm Giàng làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của công dân thì cần có văn bản đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết vụ việc theo đúng quy định pháp luật, thấu tình đạt lý.


HẠO NHIÊN