Đại biểu Vũ Trọng Kim (Hải Dương): Cần thêm cơ chế nhân dân giám sát đặc khu
Tin tức - Ngày đăng : 11:58, 24/11/2017
Đại biểu Vũ Trọng Kim (Hải Dương)
Tôi nhất trí theo phương án 1: chính quyền đặc khu là thiết chế Trưởng Đặc khu, với các cơ quan chuyên môn trực thuộc và Trưởng Khu hành chính. Áp dụng đối với Vân Đồn, Bắc Văn Phong và Phú Quốc thì đây không phải là cấp chính quyền địa phương. Như vậy, không tổ chức HĐND và UBND; Trưởng Đặc khu do Thủ tướng bổ nhiệm theo đề nghị của Chủ tịch UBND tỉnh. Điều này hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp 2013 và các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.
Về hệ thống chính trị và bộ máy chính quyền, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, đặc khu thành lập Ban Chấp hành Đảng bộ. Tuy nhiên, chức năng lãnh đạo phải theo quy định cụ thể của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Theo tôi, đây không phải là cấp ủy lãnh đạo toàn diện, có nghĩa là về mặt kinh tế phải do Trưởng Đặc khu điều hành theo các quyết định về chiến lược, kế hoạch, đề án của cấp trên, trực tiếp là Chính phủ. Còn chính quyền cấp tỉnh chỉ giao một số quyền hạn nhất định, để không bị chồng lớp quản lý dễ sinh ra cửa quyền, chậm chạp và trì trệ.
Bộ máy chính quyền phải thật tinh gọn. Chỉ nên có 2 Phó trưởng Đặc khu, các cơ quan chuyên môn, các đơn vị sự nghiệp và các khu hành chính thật tinh gọn, thiết thực và hiệu quả. Đương nhiên có các cơ quan Trung ương theo hệ thống ngành dọc. Điều quan trọng nhất ở đây là cơ chế kiểm soát quyền lực đối với Trưởng Đặc khu như thế nào khi mà luật này trao cho người này rất nhiều quyền hạn?
Vì vậy, tôi đề nghị thêm một cơ chế giám sát là Hội nghị Đại biểu nhân dân. Đây là cơ chế mới do nhân dân giám sát trực tiếp, bằng cách tổ chức mỗi năm 2 Hội nghị Đại biểu nhân dân, do Ban công tác mặt trận khu dân cư giới thiệu đại biểu luân phiên tham dự. Hội nghị Đại biểu nhân dân này sẽ trực tiếp chất vấn và nêu sáng kiến đóng góp cho vai trò điều hành của Trưởng Đặc khu (hình thức dân chủ trực tiếp được phát huy mạnh mẽ). Những cơ chế kiểm soát quyền lực đã có như giám sát của Đảng, đại biểu và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, đại biểu và HĐND tỉnh, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan kiểm toán, thanh tra chuyên ngành vận hành theo pháp luật đã quy định.
Đối với các cơ chế, chính sách về kinh tế - xã hội, cơ bản tôi nhất trí. Tuy nhiên, tôi thấy cần đề xuất một chủ trương mà trong luật này cần chế định cụ thể là xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển đô thị văn minh (Smart City). Đây là xu hướng văn minh của thế giới, cho dù có thí điểm đặc khu nhưng ta cũng phải đi theo hướng này. Theo tôi, trong các đề án 3 đặc khu, cần thực hiện 6 giải pháp cơ bản:
- Ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông ở mọi nơi mọi việc.
- Kết nối các cảm biến, mạng không dây tốc độ cao.
- Xử lý dữ liệu lớn để giải quyết các vấn đề công cộng.
- Nâng cao chất lượng cuộc sống của con người.
- Cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền đặc khu.
- Giảm tiêu thụ, sử dụng hiệu quả năng lượng; bảo đảm tốt môi trường.
Thực hiện các giải pháp cơ bản đó sẽ nhắm tới mục đích của đô thị văn minh là quản trị thông minh, tính di động thông minh, môi trường thông minh, cuộc sống thông minh, kinh tế thông minh, công dân thông minh.
Đại biểu VŨ TRỌNG KIM (Hải Dương):