Day dứt

Truyện ngắn - Ngày đăng : 10:50, 26/11/2017

Vừa tốt nghiệp đại học tôi đã được một công ty trong Gia Lai nhận vào làm việc ngay. Cuộc sống của người kỹ sư lâm nghiệp thật hối hả và bận rộn.

Vừa tốt nghiệp đại học tôi đã được một công ty trong Gia Lai nhận vào làm việc ngay. Cuộc sống của người kỹ sư lâm nghiệp thật hối hả và bận rộn. Tôi cũng như đồng nghiệp của mình không có lấy nổi một ngày một giờ vô nghĩa. Chúng tôi thường tiếc thời gian sao không chậm lại để làm hết công việc dự tính. Thoáng cái đã năm năm. Những ngày ở rừng vỡ vạc cho tôi nhiều điều bổ ích. Lạc quan yêu đời và làm việc hết mình. Ấy vậy mà mỗi đêm khi đặt mình xuống giường, hình ảnh về một cô gái quằn quại trong vũng máu, nét mặt đau đớn tột cùng lại hiển hiện cực kỳ rõ nét trong tâm trí tôi. Bây giờ cô gái ấy ra sao? Còn sống là điều chắc chắn. Nếu không thì đã có lệnh truy nã. Nhưng sống thế nào vẫn là câu hỏi mà tôi trăn trở, day dứt. Lương tâm tôi không thể yên ổn. Chính vì muốn được biết tường tận cuộc sống của cô gái ấy mà hôm nay tôi trở lại thành phố này. Xuống xe với chiếc ba lô nặng trĩu, toàn đặc sản quý hiếm của núi rừng Tây Nguyên và một giò phong lan tím mang cái tên rất đẹp, "Hài vệ nữ". Nhiều người nhìn tôi. Nói chính xác là họ nhìn giò phong lan. Họ khen đẹp. Họ hỏi mua. Tôi lắc đầu. Thành phố đổi khác khá nhiều. Dòng người nối dài vô tận. Xe cộ chuyển động ào ào. Đủ loại. Tôi càng nhớ về một cô gái không quen biết.

Năm năm trước, được tin có đơn vị tiếp nhận tôi vào làm việc, mấy thằng bạn thân rủ nhau góp tiền làm liên hoan tiễn tôi lên đường. Những đồng tiền của lũ sinh viên nghèo cũng chỉ đủ cho một bữa tiệc nho nhỏ. Gọi là tiệc cho oai chứ chỉ hơn cơm sinh viên chút đỉnh. Dĩ nhiên bia rượu là nhiều. Tuổi trẻ mà. Muốn thể hiện bản lĩnh đàn ông. Tàn tiệc, cả lũ lảo đảo lên xe máy dạo chơi tạm biệt thành phố. Tôi không còn nhớ tay ga của mình đặt ở vị trí nào. Chỉ biết xe chạy và gió thổi ào ào bên tai. Tiếng máy nổ đinh tai nhức óc. Đèn pha chói lòa. Càng thêm hưng phấn. Xe thằng Bảo vọt lên trước. Không phải cuộc đua mà hồi còn học nhiều khi hứng chí chúng tôi tổ chức vào những đêm khuya khoắt. Chẳng có giải thưởng nào cho người về nhất. Chỉ để chứng minh tài năng và lòng dũng cảm thôi. Nhìn xe thằng Bảo xả khói, chẳng hiểu sao, chắc do thói quen, tôi kéo mạnh tay ga. Cảm giác mê ly đến ngây ngất. Hình như tay ga đã hết. Một chiếc xe đạp mini màu đỏ đột ngột xuất hiện ngay trước mặt. Trời ơi, màu đỏ chói chang như ánh đèn "Stop" thường đặt ở ngã ba, ngã tư. Cô gái nhìn chiếc xe ầm ầm lao tới bằng đôi mắt mở to khiếp đảm thất thần. Tôi đạp mạnh chân phanh. Tiếng rít rợn người kéo dài trên mặt đường. Muộn rồi. Chiếc xe đạp tung lên, văng đi. Cô gái nằm sóng xoài bất động. Một người đi đường chạy tới nâng cô gái dậy. Trong thoáng giây hốt hoảng tôi vẫn còn kịp nhận ra đôi mắt nhắm nghiền, mái tóc xõa xượi. Một cánh tay và một cái chân buông thõng, lắt lẻo. Qua ánh sáng của ngọn điện đường, gương mặt cô lệch sang một bên vì đau đớn. Người vừa đỡ cô gái, rút điện thoại gọi: "Bệnh viện đa khoa phải không? Cho một xe cấp cứu đến điểm giao nhau giữa hai phố... Một vụ tai nạn vừa xảy ra. Nạn nhân rất nguy cấp". Tôi cũng ngã. Nhưng không việc gì. Chỉ đau và sợ thôi. Thằng Bảo vòng xe lại hỏi: "Có sao không? Đứng lên, chuồn ngay, kẻo công an đến là phiền đấy". Tôi lồm cồm vùng dậy. Hai chiếc xe lao đi, chạy trốn. Sáng hôm sau, tôi dậy sớm ra xe vào thẳng Tây Nguyên. Năm năm trôi qua. Gần như đêm nào tôi cũng mơ thấy cô gái ấy hiện về nhìn trừng trừng. Như căm hờn.

Đường phố đã lên đèn. Chiếc đồng hồ lớn đặt trên nóc bưu điện chỉ 19 giờ. Vào giờ này của năm năm trước là lúc lũ chúng tôi gặp nhau tại quán cà phê sinh viên. Những ly cà phê nhạt thếch, có đến chín phần mười là gạo cùng đỗ tương rang cháy. Phần còn lại là cà phê và các loại tạp chất khác mà chỉ có trời mới biết. Thế mà lũ chúng tôi cứ tưởng như mình sành điệu, thuộc "lớp người trên" trong lũ sinh viên nghèo. Ngôi trường cũ hiện ra trước mặt. Bệnh viện đa khoa ở tận cuối thành phố. Từ đây đến đó nếu đi bộ cũng khá lâu. Bệnh viện còn làm việc không nhỉ? Họ có sẵn lòng giúp tôi tìm ra cô gái bị nạn năm năm trước không? Và quan trọng là khi biết kẻ từng gây tai nạn rồi bỏ trốn họ có bắt không? Cô gái không chết là vô cùng may mắn cho tôi. Một đồng nghiệp của tôi bảo: "Cái tội bỏ mặc nạn nhân sau khi gây tai nạn đôi khi còn nặng hơn". Tôi không lo phải bồi thường hay tù tội. Năm năm tự vấn lương tâm đủ cho tôi chấp nhận mọi hình phạt của luật pháp. Để những ngày sống tiếp theo được thanh thản.

Tôi bước vào quán cà phê sinh viên. Ông bảo vệ trường nhận ra tôi khi còn đang lớ xớ ở vỉa hè. "Chà, cậu Trung độ này trông chững chạc và trưởng thành hơn trước nhiều quá". Kiên nhẫn chờ màn chào hỏi nồng nhiệt của ông bảo vệ nhạt dần, tôi hỏi thăm vài người bạn thân. "Chỉ còn mỗi cậu Thủy thôi, hiện đang là giảng viên của trường". Tôi nhờ ông gọi Thủy ra. "Này Thủy, cậu rỗi không? Chở mình đi chỗ này một chút. Đừng hỏi vì sao". "Xong ngay". Thủy đáp. Thủy chở tôi lướt qua nhiều con phố đông đúc rực rỡ ánh đèn. Gặp bất kỳ cô gái nào trên đường tôi cũng nhìn chằm chằm mà không sợ bị coi là bất nhã. Có phải cô này không? Một gương mặt đau đớn, đôi mắt nhắm nghiền, bất động, lại hiện về rõ nét. Nhưng giữa nơi phố thị náo nhiệt này ai cũng tươi tỉnh hồ hởi. Làm sao tôi nhận ra được. "Chậm thôi. Chậm thôi. Không có gì là vội vã gấp gáp đâu". Tôi hét to vào tai Thủy. Tôi không muốn chuyện cũ tái hiện một lần nữa. Tôi còn quá nhiều việc phải làm. Sẽ không bao giờ hết việc. Nông trường chúng tôi nhiều việc lắm. Ngoài nhiệm vụ của mình, chúng tôi còn lo giúp dân cải thiện đời sống thường nhật. Đồng bào quanh công ty tôi còn ăn cực mặc rách. Đêm đến phải đốt lửa thay cho chăn ấm. Họ chưa từng biết đến con đường nhựa phẳng phiu, ánh đèn nơi phố thị. Họ là những người bạn của chúng tôi. Thủy bảo: "Mày nên ra tự thú đi. Chắc sẽ được giảm nhẹ. Sự việc xảy ra lâu rồi". "Để tao gặp được cô ấy rồi tính tiếp".

Bệnh viện đa khoa giờ này chưa ai ngủ. Rất nhiều bóng người đi lại lặng lẽ. Phòng trực cấp cứu còn sáng ánh đèn. Chỉ tí nữa thôi họ sẽ phải tiếp một người khách lạ nửa điên khùng nửa tử tế như tôi. Họ sẽ đối xử ra sao nhỉ? Tôi chuẩn bị tinh thần nếu bị đuổi. Một nữ bác sĩ ngồi ở bàn trực với khuôn mặt cau có. Chị ta hỏi như gắt: "Anh cần gì?". "Tôi là cán bộ lâm nghiệp ở Tây Nguyên vừa về đến đây". Chị ngắt lời: "Thôi đừng vòng vo nữa, có chuyện gì nói nhanh đi. Tôi đang bận". Tôi từng nghe nhiều người nói rằng vào bệnh viện là phải có cái gì đó "bôi trơn" mới được việc. Thôi đành "qua sông phải lụy đò". Tôi nói: "Trong chiếc ba lô này có rất nhiều sản vật quý hiếm của núi rừng Tây Nguyên có thể làm thuốc. Tôi sẵn sàng tặng chị hoặc bệnh viện". Chị bác sĩ nhìn tôi như nhìn một người từ hành tinh khác: "Đổi lại chúng tôi phải làm gì?". Yên tâm vì chị ta chịu nghe. Tôi thong thả kể lại vụ tai nạn xảy ra cách nay năm năm, với ngày giờ chính xác. Tôi nhờ chị tìm kiếm xem tên tuổi và nơi ở của cô gái ấy. Chị bác sĩ sì một tiếng: "Có thế mà ấp úng mãi. Tôi cần gì mấy thứ mà anh gọi là "đặc sản quý hiếm" kia. Để tôi tìm xem thế nào!". Chị bác sĩ đứng dậy lục lọi tủ hồ sơ. Không lâu sau, ngón tay chị chỉ vào dòng chữ và đọc cho tôi ghi: "Họ và tên: Nguyễn Thị Mai. Nghề nghiệp: Giáo viên tiểu học. Nơi ở số nhà 56 phố Nguyễn Khuyến... Đi chiếc xe đạp mi ni cũ màu đỏ. Tình trạng thương tích: Gẫy tay và chân trái, nơi đùi. Ngất vì đau và sợ". Như thế là Mai phải nghỉ dạy ít nhất là vài tháng. Mai có gia đình chưa nhỉ? Sau khi bị nạn Mai còn tiếp tục đứng trên bục giảng nữa không? Tự nhiên tôi thấy mình tội nặng quá.

Công việc tiếp theo của tôi quá dễ dàng. Theo địa chỉ, tôi tìm đến một căn nhà xinh xắn, có tường rào bao quanh. Ra mở cổng là một cô gái có đôi mắt sâu, mở to đầy gợi cảm. Mái tóc dài đến kheo chân, óng ả mượt mà. Nhìn từng bước chân hơi tập tễnh của cô gái, tôi đoán chừng đây chính là Mai, nạn nhân do tôi gây ra năm năm trước. Mai tiếp tôi trong căn phòng không rộng lắm. Đơn sơ và có vẻ nghèo. Chắc căn phòng này chỉ để tiếp khách. Thấp thoáng sau cánh màn gió nơi cửa buồng, sâu phía trong là một bộ bàn ghế. Trên mặt bàn là một chồng sách vở. Vậy là Mai vẫn tiếp tục dạy học. Tôi mừng thầm. Mai khá xinh. Nụ cười tươi rói chứ không nhăn nhó vì đau đớn như hôm tôi nhìn thấy. Sau lời tự giới thiệu đầy khó khăn và ấp úng của mình, tôi nói: "Tôi biết mình không đáng được tha thứ. Nhưng tôi vẫn muốn nói lời xin lỗi tới Mai và gia đình. Lương tâm tôi bị giằng xé và bị trừng phạt cho hành động phi đạo đức của mình suốt năm năm qua". "Sao ngày đó anh không tìm tôi ngay?". "Tôi sợ". "Sợ gì?". "Sợ bị tù tội". "Còn bây giờ?". "Chỉ cần em tha tội cho tôi là đủ". "Sau đó?". "Tôi sẽ đi tự thú trước cơ quan luật pháp. Và nhất định phải thế. Để lòng được thanh thản". Mai lại cười. Nụ cười thật đẹp và vị tha. "Chuyện cũ tôi đã quên lâu rồi. Anh đừng nhắc lại nữa". Trong cuộc đời mỗi con người đều có khoảng tối. Chỉ cần một giây một phút lơ là khoảng tối đó sẽ nhảy ra. Nhưng rồi sẽ có lúc người ta day dứt và hối hận vì nó. Tôi tặng Mai giò phong lan tím thay lời cảm ơn. "Muộn rồi, anh còn đi đâu bây giờ?". "Đi tự thú". Bất chợt Mai nắm chặt bàn tay tôi. Bàn tay Mai ấm áp lạ thường. Một cái siết mạnh. Tiếng Mai thoảng nhẹ âu yếm: "Em chờ, nếu anh muốn quay lại nơi đây".

Tạm biệt Mai, lòng tôi thênh thênh. Gió thổi nhẹ se se. Ánh đèn đường chạy dài ngút ngát tưởng như dài vô tận. Tự nhiên tôi muốn hát muốn cười thật to. Có lẽ tôi đã làm như thế. Vài người đi đường nhìn tôi lạ lẫm. Mặc kệ. Tôi đang vui lắm. Sống mà cứ phải dè chừng không dám bộc lộ tình cảm của mình thì chán lắm. Tôi nhớ rừng. Nhớ ánh lửa đêm. Nhớ khoảng trời bao la vùng biên ải. Nhớ con suối nhỏ róc rách về mùa khô. Có thể ngày mai, ngày kia và nhiều ngày sau nữa, công ty sẽ không có mặt tôi vì phải chấp hành án. Không sao. Tôi gây nên tội lỗi phải chịu hình phạt của luật pháp. Dẫu có hơi muộn màng. Và Mai nữa. "Em chờ". Thế là thế nào? Tôi không hiểu. Người ta bảo tình yêu sét đánh. Có thể đúng. Tôi yêu rồi chăng? Không phải vì lòng phục thiện. Cũng không phải vì đền ơn tấm lòng vị tha của Mai. Mà vì một thứ tình thiêng liêng cao cả hơn nhiều.

Truyện ngắn của NGUYỄN SỸ ĐOÀN