Nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu. Bài 2: Hạn hán diễn biến phức tạp
Môi trường - Ngày đăng : 12:00, 30/11/2017
Nạo vét kênh dẫn là một trong những giải pháp chống hạn hiệu quả
Khát nước tưới
Gia đình ông Vũ Chí Mạnh ở khu Trại Quan, phường Bến Tắm (Chí Linh) có 6 sào ruộng. Những năm trước, dù khó khăn về nguồn nước nhưng gia đình ông Mạnh vẫn tận dụng được nước từ ao hồ để gieo cấy lúa. Tuy nhiên, năm nay ông Mạnh đành chấp nhận mất vụ lúa xuân do thiếu nước. Chưa năm nào ông thấy nước tưới lại căng thẳng như vụ vừa rồi. Thời tiết khắc nghiệt, mưa ít, nắng nhiều nên ngay từ tháng 2, ông đã không thể lấy nước vào ruộng. Gia đình ông có 2 giếng khoan nhưng cũng chỉ đủ dùng cho sinh hoạt và chăn nuôi. "Nước được coi là áo của lúa xuân, vừa giúp lúa phát triển, vừa chống lại sâu bệnh. Nhưng hơn 1 tháng ruộng không có nước nên năng suất lúa giảm. Vụ tới có lẽ tôi phải chuyển sang trồng rau màu vì trồng lúa không đủ nước tưới”, ông Mạnh nói.
Theo Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi thị xã Chí Linh, các xã, phường phía bắc quốc lộ 18 luôn là trọng điểm phòng chống hạn bởi nguồn nước tưới chủ yếu dựa vào khả năng tích trữ nước của hồ đập. Vụ đông xuân 2016-2017 do trời nắng hanh, đất được ải nên lượng nước phục vụ đổ ải lớn trong khi đó trời ít mưa, không có nước bổ sung. Vì vậy, trong giai đoạn tưới dưỡng lúa, nước bị thiếu hụt nghiêm trọng. Các hồ đập đều có mực nước thấp hơn so với thiết kế, riêng 2 hồ Lãng Trẽ và Phú Lợi có cột nước thấp hơn từ 3-4 m so với mọi năm. Xí nghiệp đã phải sử dụng phương án tưới thay thế, đồng thời nạo vét khẩn cấp một số tuyến kênh dẫn, bảo đảm cấp nước kịp thời, phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân.
Huyện Cẩm Giàng có 700 ha đất nông nghiệp thuộc các xã Cao An, Cẩm Định, Cẩm Vũ, Ngọc Liên khó lấy nước do cốt đất cao, lại ở xa nguồn nước. Vì vậy, mọi năm huyện ưu tiên cấp nước cho khu vực này. Tuy nhiên, vụ đông xuân 2016-2017, nước tưới khó khăn nên nguy cơ hạn hán ở vùng này rất cao. Vào đầu mùa hạn, 18trạm bơm trên địa bàn huyện đã trơ chõ vì thiếu nước. Huyện phải xin vận hành các trạm bơm Tiên Kiều, Lê Vũ, Cầu Ghẽ để bơm cấp nguồn, bổ sung nước tưới kịp thời.
Theo ông Vũ Huy, Trạm trưởng Trạm Quản lý cống Cầu Xe (Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải), tỉnh ta có 7 huyện, thành phố phụ thuộc nguồn nước tưới của hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Theo đúng quy trình, nước tưới sẽ được lấy từ sông Hồng qua cửa cống Xuân Quan nhưng do Hải Dương nằm ở cuối nguồn nên việc lấy nước rất khó khăn. Để đáp ứng yêu cầu sản xuất, công ty phải tận dụng triều cường, lấy nước ngược vào hệ thống thông qua cống Cầu Xe, An Thổ, bảo đảm nước tưới cho khu vực Hải Dương. Việc lấy nước ngược là giải pháp ứng phó cấp bách, không được khuyến khích áp dụng vì khả năng xâm nhập mặn rất lớn. Mọi năm, công ty chỉ lấy khoảng 1 tỷ m3 nước qua các cửa cống này, còn năm 2017 do nguồn nước dự trữ đạt thấp lại ít mưa nên phải vận hành hệ thống lấy hơn 1,6 tỷ m3 để cung cấp nước tưới cho các địa phương.
Đi tìm giải pháp
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, trong vụ đông xuân 2016-2017, do mưa lũ kết thúc sớm lại không có lũ lớn, đồng thời lượng trữ nước trên các sông ít nên mực nước tại các sông khu vực Hải Dương thấp hơn trung bình nhiều năm. Sông Thái Bình tại Phả Lại, mực nước trung bình các tháng đều thấp hơn từ 0,3-0,45 m so với mọi năm mặc dù các hồ thủy điện tăng cường xả nước phục vụ đổ ải. Mực nước xuống thấp nhất trong tháng 3 là -0,21 m. Đặc biệt, trong tháng 4, mực nước xuống còn -0,18 m, đây là trị số thấp nhất so với chuỗi số liệu nhiều năm trong cùng thời kỳ. Mực nước sông đạt thấp đã làm thiếu hụt từ 10-15% lượng nước tưới phục vụ sản xuất. Theo dự báo, thời gian tới, thời tiết tiếp tục diễn biến bất lợi, khó có thể dự đoán xu hướng. Song nếu mưa sẽ mưa dồn dập, nắng sẽ nắng nóng gay gắt nên hạn hán, lũ lụt phức tạp và khắc nghiệt hơn. Vì vậy, các địa phương cần chủ động biện pháp phòng chống để giảm thiểu tổn thất do thiên tai gây ra. Trong đó cần quan tâm phương án chống hạn bởi trước kia, hạn hán chỉ xuất hiện cục bộ ở một vài nơi còn hiện nay địa phương nào cũng phải đối mặt với nguy cơ hạn hán. Bên cạnh những khó khăn về thời tiết thì những hạn chế về hạ tầng thủy lợi cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu nước tưới.
Theo ông Vương Đức Dũng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Giàng, xác định thiếu nước tưới là bất lợi lớn trong sản xuất nông nghiệp của huyện nên khi triển khai sản xuất, huyện chú trọng làm thủy lợi để khơi thông dòng chảy, tăng khả năng trữ nước trên hệ thống kênh trục. Trong làm thủy lợi đông xuân, huyện luôn ưu tiên thực hiện tại các tuyến kênh bức thiết. Bên cạnh khối lượng tỉnh giao, huyện hỗ trợ để nạo vét, tu bổ thêm các tuyến kênh khác.
Theo ông Trần Duy Chinh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, mọi năm Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều xây dựng 3 kịch bản chống hạn để ứng phó với tình trạng thiếu nước tưới trong vụ đông xuân. Nhưng hiện nay do thời tiết diễn biến không theo quy luật nên tình trạng hạn hán khó có thể lường trước. Vì vậy, thay vì bị động đối phó, các địa phương cần xây dựng phương án chống hạn riêng phù hợp với đặc thù của từng khu vực. Không được chủ quan, lơ là trong công tác thủy lợi đông xuân; đồng thời, các huyện cũng cần quan tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng để có thể thích ứng với biến đổi khí hậu.
PV