Sáp nhập nhiều đơn vị sự nghiệp công lập

Tin tức - Ngày đăng : 20:23, 30/11/2017

Chiều 30.11, UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 11.2017 (lần thứ ba).


Đồng chí Nguyễn Dương Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì cuộc họp

Đồng chí Nguyễn Dương Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì cuộc họp.

Giải quyết tồn đọng trước khi sáp nhập

Đối với đề án sáp nhập Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; sáp nhập Trung tâm Y tế cấp huyện và Bệnh viện Đa khoa cấp huyện thành Trung tâm Y tế cấp huyện, Giám đốc Sở Y tế Phạm Mạnh Cường cho rằng, việc khó nhất hiện nay là sắp xếp vị trí cho Giám đốc các Trung tâm Y tế sau khi sáp nhập. Việc sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập phải thực hiện theo nguyên tắc giữ nguyên hiện trạng về số lượng công chức, viên chức, lao động sẽ đặt ra nhiều thách thức. Đòi hỏi phải có phương án sắp xếp phù hợp với điều kiện tinh giản biên chế hiện nay.

Việc sáp lập các đơn vị sự nghiệp công lập theo tờ trình của Sở Nội vụ được nhiều đại biểu đồng tình. Các đại biểu cũng cho rằng việc sắp xếp này cần sự ủng hộ của chính lãnh đạo các đơn vị. “Nếu sáp nhập Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp dạy nghề, Trung tâm công lập cấp huyện thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên sẽ gặp khó khăn về đào tạo", đại diện UBND huyện Ninh Giang băn khoăn. Nhiều đại biểu cũng cho rằng nên giữ nguyên chức năng hướng nghiệp dạy nghề khi sáp nhập các trung tâm.


Giám đốc Sở Nội vụ Phạm Văn Tỏ giải trình làm rõ vấn đề các đại biểu băn khoăn về việc sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập

 Các đơn vị trước khi sáp nhập cần quyết toán nợ cũ, chủ động bàn giao công việc sau khi sáp nhập. Có thể nghiên cứu để giảm bớt các khoa, phòng sau khi sáp nhập các đơn vị. Nhiều đơn vị sau khi sáp nhập sẽ nảy sinh những bất cập về sử dụng đất. Do đó, sau khi sáp nhập các đơn vị cần phối hợp với cơ quan có thẩm quyền xử lý đúng quy định. Đối với đội ngũ lãnh đạo quản lý sau khi sáp nhập, đồng chí Phạm Văn Tỏ, Giám đốc Sở Nội vụ nêu ý kiến, trước mắt các huyện cần lên danh sách, lựa chọn ra người nhận trách nhiệm bàn giao, điều hành trong thời gian ngắn, có thể là 3 tháng sau đó kiện toàn sau.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái nhất trí với các đề án sáp nhập do Sở Nội vụ báo cáo. Việc chuyển tiếp giữa các đơn vị cần phải thực hiện dứt điểm các vấn đề về tài chính, nhất là việc xử lý nợ công.

Vấn đề nhân sự sau khi sáp nhập, Sở Nội vụ cần thống nhất nguyên tắc thực hiện để các địa phương, đơn vị dễ thực hiện. Lãnh đạo các địa phương sớm có ý kiến và giải pháp để việc sáp nhập diễn ra thuận lợi. Sở Nội vụ sớm hoàn thiện các báo cáo để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Về việc thành lập Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao trực thuộc UBND TP Hải Dương và kiện toàn Trung tâm Văn hóa tỉnh và Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái đề nghị trước khi thực hiện, lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội xem xét, đánh giá những vấn đề bất cập Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đang gặp phải. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đồng tình về việc thành lập Trạm Kiểm tra tải trọng xe lưu động tỉnh Hải Dương trên cơ sở kiện toàn Trạm Kiểm tra tải trọng xe lưu động.

Kiên định mục tiêu về bảo vệ môi trường

Dự thảo nghị quyết về tăng cường công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025 được nhiều đại biểu quan tâm. Ông Phạm Minh Phương, Trưởng Ban Quản lý khu công nghiệp tỉnh cho rằng đơn vị soạn thảo báo cáo cần bổ sung thêm mục tiêu BVMT ở các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp. Bổ sung tỷ lệ các doanh nghiệp hoàn thành các công trình BVMT. Các công trình này cần có sự đánh giá của các cơ quan chức năng.

“Nếu để mục tiêu đến năm 2020, 50% số đô thị loại IV trở lên có hệ thống xử lý nước thải tập trung thì rất khó đạt, có thể hạ thấp xuống dưới 30%”, ông Lê Thế Trang, Cục trưởng Cục Thống kê nêu vấn đề.


GIám đốc Sở Y tế Phạm Mạnh Cường nêu ý kiến về khó khăn khi sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập

Kết luận nội dung này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái đề nghị cơ quan làm báo cáo tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu. Các mục tiêu về BVMT đến năm 2020 cần bám sát với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần XVI và phù hợp với điều kiện thực tế. Cần kiên quyết đưa ra mục tiêu đến năm 2020, 100% các khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Mục tiêu đến năm 2025, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung cần điều chỉnh giảm để dễ thực hiện. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ, cần phải đặt mục tiêu đến năm 2025, tất cả các doanh nghiệp phải tự xử lý môi trường, sau đó các khu xử lý nước thải tập trung của các khu, cụm công nghiệp sẽ xử lý lại. Thời gian tới, các cơ quan liên quan cần kiểm tra lại việc thực hiện cam kết tự xử lý môi trường của các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp. Kiên quyết thực hiện các mục tiêu BVMT đã đề ra.

HẢI MINH