Nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu. Bài 3: Mưa dồn dập, nắng nóng kỷ lục
Môi trường - Ngày đăng : 13:18, 01/12/2017
Mưa dồn dập 4 ngày liên tiếp (từ ngày 7-10.9) khiến nhiều tuyến phố của TP Hải Dương bị ngập nặng
Năm 2017, người dân trong tỉnh đã chứng kiến nhiều diễn biến bất thường của thời tiết. Trong đó có những ngày nắng nóng gay gắt và có cả những đợt mưa lớn chưa từng có trong lịch sử 30 năm trở lại đây.
Bất thường
Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã làm xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết bất thường và không theo quy luật thường thấy.
“Năm nay, mưa đến sớm hơn và đã xuất hiện những trận mưa lớn trên diện rộng, dồn dập ít thấy. Đặc biệt, mưa liên tiếp 4ngày (từ 7-10.9) đã khiến nhiều nơi trong tỉnh bị ngập úng. Nhiều tuyến đường ở TP Hải Dương ngập sâu khi lượng mưa trong một giờ đo được đã đạt mức kỷ lục 81,5mm. Đây cũng là đợt có cường độ mưa một giờ lớn nhất trong chuỗi số liệu quan trắc từ năm 1987 đến nay”, ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh lấy ví dụ chứng minh cho hiện tượng thời tiết bất thường.
Trận mưa giữa tháng 10 vừa qua cũng kéo dài không kém. Theo thống kê của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, trong các ngày từ 6-8.10, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh đã có mưa vừa và mưa to kéo dài. Những trận mưa như trút đã xuất hiện tại TP Hải Dương và các huyện Nam Sách, Cẩm Giàng. Các địa phương có lượng mưa lớn như Cẩm Giàng có ngày đo được tới 160 mm. Theo nhận định của cơ quan khí tượng thủy văn Trung ương đây cũng là đợt mưa dồn dập nhất trong lịch sử 10 năm qua ở khu vực phía Bắc. Ngay trong tháng 10, lượng mưa đo được trên địa bàn tỉnh đã cao hơn trung bình nhiều năm và cùng kỳ năm trước từ 70-120 mm. Thông thường tháng 10 rất hiếm khi mưa dài ngày và lớn như năm nay. Những trận mưa cấp tập với lượng mưa lớn thường xảy ra chủ yếu vào các tháng đầu mùa hè thì nay lại xuất hiện bất thường vào cuối mùa mưa. Đây là dấu hiệu cho thấy khí hậu đang thay đổi khó lường.
Năm nay, ở Hải Dương cũng đã xuất hiện những ngày nắng nóng kỷ lục. Theo thống kê của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, mùa nắng nóng năm nay đã có 17 ngày nắng nóng liên tiếp. Trong đó có 11 ngày nắng nóng, 2 ngày nắng nóng gay gắt và 4 ngày nắng nóng đặc biệt gay gắt. Trong 4 ngày nắng nóng đặc biệt gay gắt, nhiệt độ cao nhất được xác định vào ngày 3.6. Tại TP Hải Dương, nhiệt độ cao nhất đo được đã lên 40,2 độ C. Tại thị xã Chí Linh, nhiệt độ cao nhất đã vượt mốc 42 độ C. Đây là chỉ số nhiệt độ cao nhất đo được kể từ năm 1960 trở lại đây. Năm nay, mùa nắng nóng cũng xác lập một kỷ lục khi có số ngày nắng nóng kéo dài nhất trong vòng 30 năm trở lại đây. Có 7 ngày nắng nóng liên tiếp (từ 31.5-6.6).
Điều chỉnh sản xuất
Ứng phó với những đợt mưa dồn dập, ông Nguyễn Văn Xã ở thôn Cầu Lâm, xã Phạm Trấn (Gia Lộc) đã đầu tư hơn 3 triệu đồng để mua khum che nilon cho rau màu vụ hè thu. Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gia Lộc, đây là cách làm hiệu quả mà nông dân nhiều địa phương của huyện đã áp dụng để bảo vệ rau màu trước những trận mưa lớn. Ngoài ra, năm qua huyện cũng quan tâm cải tạo, nâng cấp hệ thống kênh để tiêu úng kịp thời, nhất là ở các vùng trồng rau màu.
Mưa dồn dập những ngày đầu tháng 10 đã khiến sản xuất vụ đông bị ngưng trệ. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã điều chỉnh cơ cấu cây vụ đông cho phù hợp. Nhiều nơi nông dân đã dừng trồng cây vụ đông ưa ấm do không còn phù hợp với lịch thời vụ. Nông dân đã được khuyến cáo mở rộng các loại cây trung tính và ưa lạnh như su hào, cải bắp, su lơ, cà rốt, khoai tây... Theo bà Vũ Thị Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngoài những biện pháp ứng phó tức thời, để đối phó với biến đổi bất thường của thời tiết như nắng nóng kỷ lục hay mưa dài ngày, tỉnh khuyến khích các địa phương xây dựng nhà màng, nhà lưới và hệ thống tưới, tiêu tự động. Cách làm này nhằm hạn chế thấp nhất những tác động bất lợi của thời tiết đến cây trồng.
Không chỉ vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã điều chỉnh, thay đổi một số giống cây trồng. Ngay vụ mùa năm nay, sở đã loại bỏ 5 giống lúa khỏi cơ cấu giống là QR1, nếp 352, Syn6, Thục Hưng 6, 27P31 do các giống này phục hồi sau úng kém. Sở bổ sung thêm 2 giống lúa mới là nếp 415 và Nam ưu 209 vào cơ cấu giống vụ mùa để phù hợp với điều kiện thời tiết của vụ này.
Thời gian qua, Hải Dương đã đặc biệt quan tâm đầu tư xây mới, nâng cấp và cải tạo các công trình thủy lợi, nhất là các hệ thống kênh mương, trạm bơm nhằm phục vụ tốt việc tưới, tiêu. Các công trình thủy lợi lớn như Cổ Ngựa (Ninh Giang), Cầu Dừa (Tứ Kỳ) và Đoàn Thượng (Gia Lộc), Kênh Than (Kinh Môn) được đưa vào sử dụng giúp nâng cao hiệu quả tưới, tiêu, phục vụ sản xuất hiệu quả. Đáng chú ý hiện nay TP Hải Dương đang gấp rút nạo vét kênh T2 và xây dựng trạm bơm Bình Lâu, nhằm xóa nút thắt cổ chai giúp tiêu úng nhanh cho một số nơi của thành phố.
Để ứng phó với BĐKH, nhất là những đợt nắng nóng kỷ lục, theo ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, về lâu dài cần quan tâm trồng cây xanh, giảm tỷ lệ bê tông hóa ở khu vực nông thôn, xây dựng các vành đai xanh từ thành thị đến nông thôn… Sản xuất phải gắn với bảo vệ môi trường nhằm giảm những tác động tiêu cực của BĐKH.
PV
Theo số liệu thống kê của Đài Khí tượng thủy văn Hải Dương, tổng tích nhiệt toàn mùa từ ngày 1.5-31.10 là 5.145 độ C, cao hơn trung bình nhiều năm 41,4 độ C do có nhiều ngày nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt. Lượng mưa trung bình trong thời gian này tại TP Hải Dương đạt mức 1.677,6 mm, cao hơn trung bình nhiều năm 457,4 mm. TP Hải Dương cũng là nơi có số ngày mưa nhiều và lượng mưa lớn nhất trong năm qua. |